Multimedia Đọc Báo in

Chọn lối đi riêng để khởi nghiệp

08:49, 16/04/2023

Mạnh dạn theo đuổi đam mê, kiên định với mục tiêu đã đặt ra, đó là bí quyết thành công của nhiều bạn trẻ khởi nghiệp.

Thành công với lối rẽ thời trang Lolita

Tốt nghiệp cử nhân ngành Văn học, Đại học Tây Nguyên, Nguyễn Thị Trà Uyên (xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột) chưa từng nghĩ đến việc mình sẽ rẽ ngang khỏi dự định làm cô giáo dạy văn để trở thành chủ một xưởng thời trang trẻ em. Vốn đam mê thời trang từ bé, Uyên mày mò tự học kỹ thuật từ các video trên Youtube mỗi khi rảnh rỗi. Cứ mạnh dạn cắt, may, chưa hài lòng lại tháo chỉ ra sửa lại, Uyên đã tự tay làm nên những bộ váy áo xinh xắn và khoe thành quả lên mạng xã hội. Dần dần, Uyên đã có được những khách hàng đầu tiên và bén duyên với nghề may từ đó.

Năm 2018, Uyên bắt đầu mở rộng quy mô sản xuất để đáp ứng nhu cầu của các đơn hàng sỉ, lẻ. Từ chiếc máy may gia đình ban đầu, Uyên đã tự lập xưởng với hơn 15 chiếc máy may công nghiệp và máy chuyên dụng, tạo việc làm cho 6 lao động nữ tại địa phương cùng công việc thời vụ cho 6 lao động khác vào mùa cao điểm. Bình quân mỗi tháng, xưởng của Uyên sản xuất hơn 2.000 sản phẩm thời trang trẻ em.

Nguyễn Thị Trà Uyên (bên trái) giới thiệu sản phẩm thời trang do chính mình thiết kế và sản xuất.

Ngoài các kiểu dáng thông thường, Trà Uyên còn không ngừng học hỏi, sáng tạo và đặc biệt quan tâm đến xu hướng thời trang Lolita. Trà Uyên cho biết, những chiếc váy theo phong cách này chú trọng các chi tiết dây, ren trang trí, phối hợp các lớp nhún tạo độ bồng xòe nên đòi hỏi rất nhiều công sức, thời gian. Lượng vải sử dụng cho một chiếc váy phong cách Lolita cũng gấp 2, 3 lần những chiếc váy thông thường, các loại phụ kiện cũng đa dạng và cần được phối hợp hài hòa. Bằng sự chỉn chu, tỉ mỉ của mình, Uyên đã sản xuất được những sản phẩm Lolita mang đậm dấu ấn riêng. Nhiều người tìm đến Uyên đặt may những chiếc váy Lolita cầu kỳ dành cho những dịp đặc biệt như sinh nhật, chụp ảnh kỷ niệm hay tham gia các cuộc thi người mẫu nhí. Cũng nhờ đó, Trà Uyên không ngừng phát triển độ nhận diện thương hiệu thời trang của mình trên mạng xã hội. Không chỉ có mặt ở các tỉnh thành trong nước, sản phẩm của Trà Uyên còn được gửi đến nhiều đất nước có nền thời trang phát triển như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… và được khách hàng vô cùng yêu thích.

Kiên định với giấc mơ “nông nghiệp xanh”

Từ hơn 5 năm trước, Trần Văn Hưng (xã Tân Tiến, huyện Krông Pắc) đã bị thu hút bởi mô hình nuôi ruồi lính đen phục vụ chăn nuôi và xử lý môi trường. Trong “cơn sốt” ruồi lính đen – sâu canxi, chỉ với vài chục mét vuông chuồng trại, Hưng cũng như nhiều thanh niên khác có thể thu lợi nhuận cả triệu đồng/ngày nhờ mô hình này. Khi mô hình dần đi vào bão hòa, giá trứng từ mức đỉnh điểm 30 triệu đồng/kg chỉ còn chưa đến 3 triệu đồng/kg, nhiều người nhanh chóng bỏ cuộc. Riêng Hưng vẫn kiên trì bám trụ, tìm hướng khai thác sâu giá trị của ruồi lính đen, tận dụng tối đa nguồn rác thải hữu cơ tại địa phương để tiết kiệm chi phí.

Hưng chia sẻ, thay vì mua bã đậu là nguồn thức ăn chính, Hưng liên kết với các trang trại chăn nuôi heo, gà để tận dụng phế phẩm trong quá trình sản xuất. Thức ăn dư thừa, xác động vật chết thay vì chôn lấp, nhân công tại trang trại sẽ dùng làm thức ăn cho sâu canxi. Không chỉ giảm ô nhiễm môi trường, sâu canxi còn có được nguồn thức ăn giàu đạm nên lớn nhanh, quy trình sinh trưởng thành ruồi lính đen cũng được rút ngắn, năng suất trứng đạt cao hơn. Mặt khác, Hưng cũng tích cực thu gom các loại sữa, thức ăn đóng gói hết hạn sử dụng xử lý cùng các loại phế phẩm nông nghiệp khác thành nguyên liệu chăn nuôi của mình, biến rác thành giá trị hàng hóa.

Trần Văn Hưng thu hoạch trứng ruồi lính đen từ trang trại của mình.

Mặc dù giá trứng chỉ bằng 1/10 so với những ngày đầu khởi nghiệp, nhưng với Hưng, đây chính là yếu tố tạo nên giá trị bền vững của mô hình. Giá trứng thấp giúp người chăn nuôi dễ tiếp cận và ứng dụng nuôi sâu canxi làm thức ăn chăn nuôi, xử lý rác thải trong chính trang trại. Cũng nhờ đó, việc phân hóa sản xuất cũng rõ ràng hơn, những người có kinh nghiệm và kỹ thuật có thể chuyên sâu vào việc nuôi ruồi lính đen cung cấp trứng cho thị trường. Người không đủ điều kiện ứng dụng cả 4 giai đoạn trong quy trình nuôi ruồi lính đen thì chỉ cần mua trứng để nuôi thành sâu, sử dụng giai đoạn có lợi nhất của ruồi lính đen cho mô hình nông nghiệp.

Hiện mô hình của Hưng đang cung cấp đều đặn khoảng 1 kg trứng ruồi lính đen/ngày cho nhiều trang trại chăn nuôi trên cả nước. Ngoài ra, Hưng còn sản xuất sâu canxi sấy khô phục vụ cho các cơ sở chăn nuôi thú cảnh, cung cấp các loại vật tư liên quan đến quy trình nuôi sâu từ máng nuôi sâu, màn nuôi ruồi, thanh gỗ thu trứng… Hưng cũng tích cực hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng, thiết kế trại nuôi sâu cho nhiều nông dân trẻ ở các tỉnh thành và ứng dụng tốt các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube, Tiktok… để xây dựng các nội dung lan tỏa giá trị của sâu canxi – ruồi lính đen trong phát triển sản xuất nông nghiệp xanh, sạch, bền vững.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.