Multimedia Đọc Báo in

Công nhân thi công xuyên Lễ trên công trình trọng điểm

23:13, 30/04/2023

Gác lại niềm vui sum họp gia đình, hàng chục kỹ sư và công nhân làm nhiệm vụ trên Dự án đường Đông Tây TP. Buôn Ma Thuột (Dự án) đang ngày đêm bám trụ công trình, thi công xuyên Lễ, cùng chủ đầu tư và nhà thầu tăng tốc tiến độ, cố gắng hoàn thành Dự án để người dân đi lại thuận lợi.

Gác lại niềm riêng

Kỳ nghỉ Lễ (Giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4 và 1/5) kéo dài 5 ngày – đây là dịp để người lao động tranh thủ về với người thân, gia đình, nhất là những người xa quê. Thế nhưng, gác lại niềm riêng, tất cả kỹ sư, công nhân trên công trình đường Đông – Tây TP. Buôn Ma Thuột tình nguyện làm xuyên Lễ, lấy công việc là động lực, là niềm vui chung.

Máy rải nhựa bê tông nóng thảm mặt đường tại nút giao đường Đông Tây với đường Lê Duẩn.
Máy rải nhựa bê tông nóng thảm mặt đường tại nút giao đường Đông Tây với đường Lê Duẩn.

Giữa cái nắng oi bức trong những ngày cuối tháng 4 dương lịch, trên Dự án đường Đông Tây thành phố vẫn rộn vang tiếng máy móc, thiết bị và tiếng cười nói rôm rả của công nhân thi công công trình. Họ - mỗi người ở mỗi miền quê khác nhau, phần việc riêng, song có cùng điểm chung đang nỗ lực vì nhiệm vụ chung đẩy nhanh tiến độ Dự án.

Là một trong những công nhân lớn tuổi nhất trong số người đang làm tại Dự án, anh Nguyễn Văn Thuần (sinh năm 1967, quê ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) đã có trên 20 năm gắn bó với nhà thầu Dự án đường Đông Tây (Công ty Cổ phần đầu tư và Xây dựng 515). Và anh cũng là người bám trụ với Dự án này từ những ngày đầu đặt máy khởi công, đến nay đã bước sang năm thứ 9. Công trình là nhà, có lẽ thời gian ở công trình nhiều hơn ở nhà nên anh quá đỗi quen thuộc với khái niệm xa quê vào mỗi dịp nghỉ Lễ, Tết. Anh Thuần tâm sự hài hước, đời trai công trình nay đây mai đó, có lẽ vì thế nên đến 35 tuổi anh mới lấy được vợ. Lấy vợ muộn nên dù đã bước sang tuổi 56 nhưng con út của vợ chồng anh mới được 6 tuổi. Hầu hết việc đối nội, đối ngoại và chăm sóc con cái, do mình vợ anh đảm đương. Xa cách, nhớ nhung và hơn hết đó còn là trách nhiệm với bậc sinh thành, với con thơ, song vì công việc gắn bó lâu năm nên tự dặn lòng cố gắng vượt qua.

Nữ công nhân san gạt bê tông nhựa thảm mặt đường Đông Tây.
Nữ công nhân san gạt bê tông nhựa thảm mặt đường Đông Tây.

Thời gian về quê, ở với vợ, con của anh mỗi năm dường như chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hơn một năm qua, bao nhiêu lần anh dự định về quê nhưng cuối cùng không thực hiện được vì công việc. Dịp nghỉ Lễ 30/4 này, anh cũng tính xin lãnh đạo Công ty cho về thăm gia đình ít bữa, nhưng lại trùng với thời gian thi công “nước rút” nên đành tạm gác niềm vui sum họp để ở lại công trình. Trước đó, vào dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, toàn thể anh em công nhân, kỹ sư cũng bám trụ công trình đến 29 Tết, cận ngày, thời gian nghỉ ít nên anh ở lại nhà điều hành của Công ty tại Đắk Lắk đón Tết. Hằng ngày, vợ - chồng, bố - con “gặp gỡ online” qua các cuộc gọi video – đó là niềm vui, sự động viên tinh thần rất lớn của những thành viên trong gia đình anh khi phải xa cách nhau trong những dịp Lễ, Tết.

Bền bỉ bám trụ công trình

May mắn hơn trường hợp của anh Thuần, chị Phạm Thị Lan, xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột nhà chỉ cách công trình chừng 15 cây số nên sáng đi, tối về. Tranh thủ giờ giải lao, chị Lan tâm sự, vẫn biết nghề theo công trình rất vất vả, nhất là đối với phái nữ, song làm mãi rồi quen, dần cũng thấy yêu nghề và gắn bó. Hai con gái đầu đã lập gia đình, ra riêng, con trai út của chị mới được 3 tuổi rưỡi, chồng không có việc làm ổn định nên nay đây mai đó, mọi khoản chi tiêu trong nhà chỉ trông chờ vào tiền công của chị. Những ngày làm 3 ca, chị phải gửi nhờ con nhỏ ở nhà người quen hoặc hàng xóm trông giúp.

Những nụ cười rạng rỡ của công nhân thời vụ Dự án đường Đông Tây TP. Buôn Ma Thuột xua tan bao mệt nhọc và nóng bức của thời tiết tháng 4 Tây Nguyên.
Những nụ cười rạng rỡ của công nhân thời vụ xua tan bao mệt nhọc và nóng bức của thời tiết tháng 4 Tây Nguyên.

Những ngày qua, nhiệt độ ngoài trời tăng cao, cộng với hơi nóng của nhựa đường mới rải bốc lên, khiến khuôn mặt của chị Lan và những công nhân khác khi nào cũng đỏ ửng vì nóng. “Đôi lúc chị cũng thấy mệt mỏi, nhưng nghĩ đến đây là giai đoạn “nước rút”, nếu nghỉ làm thì ảnh hưởng rất lớn đến công việc chung và tiến độ của toàn Dự án nên cố gắng bám trụ. Công trình xong, người dân đi lại thuận lợi, dễ dàng, lúc đó mình mới cảm thấy thoải mái và thảnh thơi trong lòng” – chị Lan bộc bạch thêm.

Ngoài hạng mục thi công nền, móng, thảm mặt đường, ở các vị trí đã hoàn thiện, hàng chục công nhân thời vụ cũng được huy động trồng cỏ ở dải phân cách của công trình. Dù trời nắng nóng, nhưng tinh thần lao động của mỗi người vẫn hăng say, tiếng nói cười vẫn rôm rả, xua tan bao mệt nhọc.

Về phía nhà thầu thông tin, để triển khai Dự án đường Đông Tây, thời điểm tập trung thi công đồng bộ các hạng mục, đơn vị huy động gần 150 cán bộ, công nhân viên và 100 máy móc, thiết bị. Hiện nay đang đẩy nhanh tiến độ toàn tuyến, đặc biệt là nút giao đấu nối giữa đường Đông Tây với đường Lê Duẩn và nút giao với Quốc lộ 27 đoạn nối với đường vào Sân bay Buôn Ma Thuột. Đây là giai đoạn gấp rút thi công về đích nên đơn vị huy động tối đa nhân công, tổ chức thi công 3 ca/ngày, đêm và làm xuyên Lễ. Đến nay, các đoạn trên tuyến đã thi công xong nền, móng, mặt đường, thảm bê tông; công trình cầu cạn đã hoàn thiện cơ bản. Còn lại 2 nút giao đang đẩy nhanh tiến độ, hiện đã và đang thảm bê tông nhựa lớp 1 và lớp 2.

Một vị trí tại nút giao đường Đông Tây với đường Lê Duẩn thảm bê tông nhựa lớp 1 vào sáng 30/4/2023.
Một vị trí tại nút giao đường Đông Tây với đường Lê Duẩn thảm bê tông nhựa lớp 1 vào sáng 30/4/2023.

Dự án đường Đông Tây, TP. Buôn Ma Thuột là Dự án trọng điểm của tỉnh Đắk Lắk, Tuy nhiên, quá trình triển khai Dự án gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, công tác bàn giao mặt bằng, cấp vốn (nguồn vốn Trung ương) chậm; tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình triển khai, nhất là việc huy động nhân công. Bên cạnh đó, việc thi công các hạng mục bị gián đoạn trong thời gian dài do thiếu nguồn đất đắp, cộng với thủ tục đấu nối vào Quốc lộ chậm (đến đầu năm 2023 mới được cấp phép)… nên ảnh hưởng đến tiến độ Dự án.

Khánh Băng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.