Multimedia Đọc Báo in

Giữ “nhịp” cho thị trường bất động sản (kỳ 3)

07:59, 12/04/2023

Kỳ 3: Xuất hiện “vùng sáng” trên thị trường bất động sản

Để “gỡ rối” cho thị trường bất động sản (BĐS), Chính phủ cũng như các cấp, các ngành, địa phương đã đưa ra hàng loạt quyết sách quan trọng, kịp thời. Từ đó, góp phần làm “tan băng” và tạo ra những “vùng sáng” cho thị trường.

Những động thái tích cực

Sau một giai đoạn phát triển "nóng", thị trường BĐS đã rơi vào giai đoạn trầm lắng với rất nhiều khó khăn liên quan đến chính sách, pháp luật, dòng vốn tín dụng. 

Trước thực tế này, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quan trọng cùng các địa phương vào cuộc nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS. Cụ thể, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP, ngày 5/3/2023 sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp (DN) riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu DN ra thị trường quốc tế và Nghị quyết số 33/NQ-CP, ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Từ góc nhìn của nhiều DN trong ngành BĐS, những chỉ đạo này vừa tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc, vừa xác định lộ trình xây dựng thị trường trái phiếu theo hướng minh bạch, bền vững, giúp DN vững tin hơn. Đáng chú ý là đã góp phần hoàn thiện thể chế, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội và tổ chức thực hiện của các địa phương. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 314/QĐ-NHNN, ngày 14/3/2023 về mức lãi suất điều hành đã tác động đến lãi suất huy động và cho vay trên thị trường của các ngân hàng thương mại, giúp thị trường BĐS có nhiều khởi sắc, niềm tin của nhà đầu tư quay trở lại.

Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp tục ký Công văn về thúc đẩy và tháo gỡ thị trường BĐS đã tạo “cú hích” mạnh mẽ cho thị trường. Theo đó, các DN BĐS gặp khó khăn được đề xuất giãn nợ gốc, lãi vay; các dự án, phương án vay vốn khả thi, khách hàng có năng lực tài chính, khả năng trả nợ đầy đủ và đúng hạn tiếp tục được cấp tín dụng; các dự án BĐS phục vụ tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân được ưu tiên khi xét hồ sơ cho vay.

Dự án Đô thị sinh thái văn hóa cà phê Suối Xanh (TP. Buôn Ma Thuột) đang trong giai đoạn xây dựng.

Cùng với sự vào cuộc của Chính phủ, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đã có Công văn chỉ đạo về việc thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững trên địa bàn tỉnh. Trong đó, UBND tỉnh giao các sở, ban, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện một số nội dung trọng điểm như: khẩn trương xây dựng hoàn thành Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2045 và Kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2023, làm cơ sở để triển khai các dự án nhà ở trên địa bàn tỉnh; rà soát, bổ sung quy hoạch, bố trí quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân theo đúng quy định pháp luật.

 

Trong năm 2023, những vướng mắc về pháp lý của hàng nghìn dự án sẽ dần được cởi bỏ khi Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) dự kiến được trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) và thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) cùng với Luật Đất đai (sửa đổi). Đây là ba luật rất quan trọng, tác động rất lớn đến thủ tục pháp lý và quá trình triển khai dự án của các chủ đầu tư trong thời gian sắp tới.

Cùng với đó, cần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về pháp lý, thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án nhà ở, tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện giao đất thực hiện các dự án BĐS, dự án nhà ở mới để tăng nguồn cung cho thị trường. Tăng cường kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch BĐS, các tổ chức, cá nhân hành nghề môi giới BĐS; chấn chỉnh hành vi mua bán trao tay, “thổi giá” gây nhiễu loạn thông tin thị trường BĐS. Đặc biệt là, tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm với các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, xây dựng, kinh doanh BĐS và pháp luật có liên quan.

Thị trường khởi sắc

Ông Hồ Thanh Tùng, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển An Hà Đắk Lắk cho hay, những động thái của Chính phủ, các cơ quan, ban, ngành và chính quyền địa phương đã góp phần thúc đẩy hoạt động mua bán, cho thuê BĐS, tăng tính cạnh tranh trên thị trường, giúp các nhà đầu tư và người dân có thêm tài chính để tham gia vào thị trường BĐS và ngăn chặn tình trạng giá BĐS tăng cao hoặc giảm bất thường. Những động thái này được ban hành “rất đúng, rất trúng” đã góp phần giúp thị trường BĐS khởi sắc. Minh chứng là những ngày vừa qua, thị trường BĐS Đắk Lắk đang xuất hiện ngày một nhiều giao dịch hơn, đặc biệt là BĐS nhà ở gắn liền với đất, BĐS đất nền vùng ven.

Cũng theo nhiều DN BĐS khác, thị trường BĐS có cơ hội phục hồi nhưng sẽ không đồng loạt ở tất cả các phân khúc mà phải phù hợp với điều kiện phát triển của nền kinh tế hiện nay và sự thay đổi “khẩu vị” của khách hàng. Cụ thể, trong thời gian tới sẽ là thời điểm giao dịch của BĐS đáp ứng nhu cầu thực, vì phân khúc sản phẩm này đáp ứng được hai tiêu chí, thứ nhất là sự vượt trội của hạ tầng xã hội; thứ hai là khả năng ở và cho thuê được ngay. Phân khúc này vẫn luôn duy trì giao dịch trong điều kiện khó khăn nhất và có thể sôi động hơn từ quý III/2023. Mặt khác, kinh tế thế giới và trong nước phục hồi nhanh đang trở thành động lực cho thị trường BĐS.

Toàn cảnh Dự án Khu đô thị Eco City Premia Buôn Ma Thuột.

Chủ tịch Hiệp Hội BĐS Đắk Lắk Nguyễn Văn Kế nhận định, thị trường Đắk Lắk sẽ hồi phục, phát triển ổn định bền vững sớm hơn so với các địa phương khác, bởi thị trường này phát triển theo hướng tạo giá trị thực nhằm đáp ứng nhu cầu cao của người tiêu dùng. Quan trọng hơn, chính quyền địa phương thấy được sự quan trọng của tổ chức xã hội nghề nghiệp trong ngành BĐS nên đã thành lập Hiệp hội BĐS đúng thời điểm để tạo cầu nối, từ đó cùng với cơ quản lý nhà nước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN đúng lúc và các DN nắm bắt chủ trương, đường lối kịp thời. Đặc biệt, việc Quốc hội thông qua Nghị quyết số 72/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk; Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó lấy Đắk Lắk làm trọng tâm sẽ tạo tiền đề quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh nói chung và ngành BĐS nói riêng. Ngoài ra, Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột sẽ khởi công trong tháng 6/2023 cùng nhiều dự án quan trọng khác được triển khai và đưa vào hoạt động cũng sẽ là “cú hích” cho thị trường BĐS.

(Còn nữa)

Kỳ cuối: Để thị trường  bất động sản phát triển bền vững

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc