Hướng tới "giấc mơ" nông nghiệp đại điền
Phát triển nông nghiệp sinh thái, minh bạch, tích hợp đa giá trị đang là mục tiêu mà ngành nông nghiệp Việt Nam cũng như nông nghiệp Đắk Lắk hướng tới. Tuy nhiên, để thực hiện được cần có quy mô sản xuất đại điền. Đây chính là "chìa khóa" mở ra nhiều cơ hội mới cho nền nông nghiệp hiện đại.
Chuyển dịch nền nông nghiệp nhỏ lẻ
Đắk Lắk có diện tích đất sản xuất nông nghiệp đứng đầu cả nước, với trên 650.000 ha, chiếm 50,19% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh. Nguồn tài nguyên đất của Đắk Lắk khá đa dạng, với sự góp mặt của hầu hết các nhóm đất có ở Việt Nam nên có nhiều thuận lợi phát triển nông nghiệp, tạo ra nhiều loại nông sản có diện tích, sản lượng, chất lượng đứng đầu cả nước như: cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, ca cao, mắc ca… phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Vùng nguyên liệu cà phê quy mô lớn trên địa bàn huyện Krông Năng. |
Mặc dù có lợi thế về đất đai sản xuất rộng lớn nhưng nông nghiệp Đắk Lắk vẫn nằm trong thực trạng chung là sản xuất manh mún. Đơn cử như cây cà phê - nông sản chủ lực của Đắk Lắk, với hơn 213.000 ha nhưng hình thức tổ chức sản xuất cà phê chủ yếu là sản xuất cá thể, quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Hiện chỉ có khoảng trên 10% diện tích cà phê sản xuất tập trung thành vùng chuyên canh do các công ty cà phê và doanh nghiệp quản lý, còn lại gần 90% diện tích cà phê của tỉnh là do nông dân tự trồng, chăm sóc và quản lý.
Hay sản xuất lúa nước, với diện tích gieo trồng lúa ổn định khoảng 110.000 ha, chiếm khoảng 34,95% diện tích gieo trồng cây hằng năm của tỉnh; năng suất bình quân đạt 67,1 tạ/ha, đứng đầu khu vực và đứng thứ hai so với cả nước (sau Phú Yên 71,1 tạ/ha). Tuy nhiên, quy mô sản xuất cũng chủ yếu là nhỏ lẻ nên hiệu quả kinh tế không cao.
Nhận thấy việc chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang quy mô đại điền đang là xu hướng tất yếu cho việc phát triển kinh tế hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, từ nhiều năm qua, ngành nông nghiệp Đắk Lắk không ngừng khuyến khích các địa phương, nông dân thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, liên kết sản xuất… thông qua thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Kết quả bước đầu hình thành các vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn gắn với các cơ sở sơ chế, chế biến; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả, đẩy mạnh tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, có chứng nhận. Năm 2022, toàn tỉnh có 450 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, chủ yếu là trồng trọt với quy mô lớn, trong đó có 150 HTX có liên kết với doanh nghiệp và 79 HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Riêng đối với cây cà phê, toàn tỉnh có 39 tổ hợp tác và 53 HTX nông nghiệp, trong đó có khoảng 31 HTX cà phê có liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp. Các HTX sản xuất cà phê hiện nay hoạt động mang lại hiệu quả khá cao, đã liên kết được các hộ nông dân trồng cà phê và tổ chức lại sản xuất chuyển từ manh mún sang quy mô đại điền, tích cực ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, liên kết với các doanh nghiệp... góp phần tạo ra sản phẩm cà phê có chất lượng và giá trị kinh tế cao trên thị trường trong nước và quốc tế.
Thu hoạch lúa nước ở huyện Krông Pắc. |
Thúc đẩy từ chính sách
Thực tế cho thấy, thúc đẩy mô hình sản xuất nông nghiệp đại điền sẽ mở ra một hướng đi mới, góp phần tháo gỡ những "điểm nghẽn" trong sản xuất nông nghiệp hiện nay là manh mún, khó tổ chức sản xuất theo hướng hàng hóa, cũng như ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại... Thế nhưng lâu nay, chính quyền địa phương và người nông dân vẫn loay hoay với câu chuyện dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất vì bị vướng ở nhiều khâu, trong đó có chính sách về đất đai.
Để hiện thực hóa "giấc mơ" nông nghiệp đại điền, những "nút thắt" trong chính sách đang dần được tháo gỡ từ một số điểm mới của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2013 về các hạn chế ở hạn mức, giao đất, chuyển nhượng, chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp quy định tại Luật Đất đai năm 2013. Đặc biệt, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã luật hóa về tập trung, tích tụ đất nông nghiệp, trong đó đã quy định các hình thức tập trung (dồn điền, đổi thửa, thuê quyền sử dụng đất, hợp tác sản xuất, kinh doanh bằng quyền sử dụng đất), tích tụ (nhượng quyền, góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp) đất đai cho sản xuất nông nghiệp. Nhà nước có chính sách khuyến khích tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện tập trung, tích tụ đất để sản xuất nông nghiệp; ứng dụng khoa học, công nghệ để sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ đất đã tập trung, tích tụ…
Theo Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) Lê Đức Thịnh, mô hình đại điền ra đời trong bối hoạt động tái cơ cấu nền kinh tế, nông nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ. Lực lượng lao động đang rút dần khỏi khu vực nông nghiệp, nông thôn thì việc tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, giảm chi phí, công lao động, tạo ra giá trị cao hơn là một hướng đi đúng đắn. Đây cũng được xem là nền móng vững chắc để xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Tuy nhiên, mô hình đại điền chỉ có thể thành công khi bảo đảm các yếu tố: lớn, chất lượng thương hiệu, có tổ chức và phát triển bền vững. Các doanh nghiệp khi đồng hành cùng mô hình đại điền cần cụ thể hóa tất cả những vấn đề liên quan để dễ dàng tiếp cận, hợp tác, áp dụng…
Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT cho rằng: Để phát triển nông nghiệp đại điền cần tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết và đặc biệt là phải phát huy được vai trò của tổ hợp tác, HTX để kết nối nông dân lại với nhau cùng sản xuất theo một quy trình, tiêu chuẩn nhất định. Từ đó liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp đầu tư khác trong vấn đề tiêu thụ, chế biến, nâng cao giá trị sản phẩm và xây dựng, phát triển thương hiệu nông sản Đắk Lắk nhằm tạo ra thị trường ổn định. Đồng thời, cần phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ; đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, máy móc sản xuất nông nghiệp... |
Thuận Nguyễn
Ý kiến bạn đọc