Multimedia Đọc Báo in

Khi OCOP tham gia làm du lịch

06:00, 26/04/2023

Tham gia làm du lịch với tư cách là một sản phẩm (quà tặng, lưu niệm) cho du khách khi đến Đắk Lắk, Chương trình OCOP đã từng bước góp phần thúc đẩy “ngành công nghiệp không khói” ở đây phát triển theo hướng bền vững và đa dạng hơn.

Tạo lập nền tảng

Từ năm 2018, Sở Công thương bắt đầu triển khai, thực hiện Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (Chương trình OCOP), đến nay sau hơn bốn năm, Đắk Lắk đã có 72 sản phẩm - là những đặc sản, sản vật tiêu biểu, mang đậm dấu ấn lịch sử, văn hóa, kinh tế của từng địa phương.

Sản phẩm OCOP của HTX Nông nghiệp - dịch vụ Công Bằng, xã Ea Tu - TP. Buôn Ma Thuột được đóng gói bao bì cà phê sạch. Ảnh: Đ. Minh

Theo bà Nguyễn Thị Thu Phương - Giám đốc Công ty Cổ phần DAMACA Nguyên Phương (huyện Krông Năng), Chương trình OCOP của Đắk Lắk đã được xây dựng thành những câu chuyện, phim ảnh (dưới dạng chỉ dẫn địa lý, lịch sử, văn hóa) để giới thiệu, quảng bá trên môi trường mạng Facebook, Zalo cũng như các phần mềm công nghệ khác. Theo đó, Sở Công Thương cùng các cơ quan, đơn vị liên quan đã hỗ trợ cho các chủ thể OCOP ở đây tham gia giới thiệu và bán hàng trên các sàn thương mại điện tử như: voso.vn, poostmark.vn, shoppe.vn, sendo.vn, lazada.vn… Những hoạt động kích cầu này không những đưa sản phẩm OCOP được chứng nhận vươn ra thị trường thế giới, mà quan trọng hơn là thông qua những “kênh” truyền thông thương mại ấy để gián tiếp giới thiệu, quảng bá hình ảnh con người, văn hóa, lịch sử vùng đất Đắk Lắk đến với khách hàng/du khách dưới góc nhìn du lịch.

Sở Công Thương cho biết, để Chương trình OCOP trở thành sản phẩm dịch vụ, du lịch đúng nghĩa và ngày càng mang lại hiệu quả kinh tế cao, các cấp thẩm quyền, cơ quan chức năng đã và đang phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp, hộ sản xuất tiến tới xây dựng 1 trung tâm giới thiệu, quảng bá sản phẩm cấp tỉnh và 15 điểm ở cấp huyện, thị xã, thành phố. Đồng thời phối hợp với Làng Du lịch - Văn hóa các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Thủ đô Hà Nội) mở ra “Không gian thương mại - dịch vụ du lịch” tại đây nhằm thu hút và lan tỏa cảm nhận của du khách về những đặc sản, sản vật riêng có của Đắk Lắk.

Tăng cường kết nối

Nền tảng để biến Chương trình OCOP trở thành sản phẩm du lịch đã cơ bản được xác lập, vấn đề còn lại và cốt yếu nhất là tăng cường sự kết nối giữa yếu tố thương mại và dịch vụ, du lịch để “mỗi địa phương mỗi sản phẩm đặc thù” ấy tham gia sâu hơn vào chuỗi gia tăng giá trị cho toàn “ngành công nghiệp không khói” Đắk Lắk.

Sản phẩm OCOP của Đắk Lắk được trưng bày, giới thiệu trong những sự kiện hội nghị, hội thảo... chuyên đề. Ảnh: Đ. Minh

Theo bà Lê Thị Chung - Giám đốc Trung tâm Thông tin, xúc tiến du lịch Đắk Lắk (Sở VH-TT-DL): Đến nay việc lồng ghép, kết nối sản phẩm OCOP với các hoạt động du lịch đã được xúc tiến (dưới hình thức quà lưu niệm, quà tặng, mua bán) trong những dịp hội nghị, hội thảo, giao lưu, tọa đàm, hội chợ và triển lãm chuyên ngành được tổ chức ở Đắk Lắk cũng như trên cả nước nói chung, chứ chưa thật sự thu hút và hấp dẫn du khách như “điểm đến du lịch” để du khách được trải nghiệm, mua sắm. Có thể nói tại những sự kiện trên, các điểm giới thiệu, quảng bá đính kèm mua bán sản phẩm OCOP ngày càng được mở rộng về quy mô lẫn số lượng, tạo điều kiện cho khách hàng/du khách dễ dàng tiếp cận thông tin thương mại cũng như chỉ dẫn loại hình du lịch sinh thái - nông nghiệp, nông thôn hiện có. Tuy nhiên, hầu hết chủ thể OCOP cũng thừa nhận rằng “gạch nối” giữa họ với các đơn vị làm du lịch chuyên nghiệp chưa thật sự hình thành sâu đậm và xuyên suốt. Điều này đồng nghĩa với việc làm giảm sút cơ hội gia tăng chuỗi giá trị kinh tế cho cả hai bên thương mại và du lịch.

Nhiều người cho rằng, đã đến lúc “gạch nối” trên phải được chú trọng và quan tâm đúng mức bằng những dự án/đề án tổng thể phát triển du lịch cụ thể và dài hạn, đặc biệt là loại hình du lịch văn hóa, sinh thái cộng đồng - nông nghiệp, nông thôn dựa trên nền tảng Chương trình OCOP đã được xác lập. Trong đó tập trung, nỗ lực xây dựng và hoàn thiện mỗi sản phẩm OCOP trở thành một sản phẩm du lịch với đầy đủ ý nghĩa nhằm thu hút du khách đến với Đắk Lắk ngày càng nhiều hơn.

Đình Đình


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.