Multimedia Đọc Báo in

Nhìn từ những “đầu tàu”

04:44, 17/04/2023

Phân tích 5 tỉnh thành đứng đầu về chỉ số PCI năm 2022, báo cáo của Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cho thấy: Quảng Ninh tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng PCI năm 2022 với 72,95 điểm trên thang điểm 100. Từ năm 2017 đến năm 2022, Quảng Ninh xuất sắc giành vị trí dẫn đầu về chất lượng điều hành kinh tế, với nhiều sáng kiến thu hút đầu tư và cải cách hành chính.

Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã vận hành thành công Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư (IPA Quảng Ninh) với nhiệm vụ kêu gọi, hỗ trợ, tư vấn, tạo điều kiện thuận lợi nhất và giải quyết nhanh nhất các thủ tục đầu tư cho doanh nghiệp (DN).

Trong việc giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), tỉnh cũng là điển hình trong việc xây dựng và vận hành hiệu quả các trung tâm phục vụ hành chính công từ cấp tỉnh đến cấp huyện và bộ phận tiếp nhận, trả kết quả cấp xã.

Nhờ những nỗ lực này, hiệu quả giải quyết TTHC của tỉnh Quảng Ninh được các DN đánh giá tích cực trong khảo sát PCI với 93% ý kiến đánh giá “cán bộ nhà nước giải quyết công việc hiệu quả” và 91% ý kiến đồng ý “thời gian thực hiện TTHC được rút ngắn hơn so với quy định”.

Trong những năm gần đây, Quảng Ninh cũng là điểm sáng về đào tạo lao động. Kết quả khảo sát PCI cho thấy khoảng 78% DN đánh giá “giáo dục phổ thông tại tỉnh có chất lượng tốt” và 69% DN nhận định “giáo dục dạy nghề tại tỉnh có chất lượng tốt.”

PCI đã trở thành "thương hiệu" của tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: VCCI

Xếp ngay sau Quảng Ninh ở vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng PCI năm 2022 là tỉnh Bắc Giang với điểm số ấn tượng 72,80. Kết quả này thể hiện bước tiến mạnh mẽ của Bắc Giang khi tăng 29 bậc và 8,06 điểm so với PCI năm 2021. Cộng đồng DN trong tỉnh đánh giá rất tích cực chủ trương nhất quán “đồng hành cùng DN” của chính quyền tỉnh Bắc Giang. Trong những năm gần đây, tỉnh đã tăng cường tiếp xúc, đối thoại với DN nhằm lắng nghe ý kiến đề xuất, kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Vị trí thứ ba trong bảng xếp hạng PCI năm 2022 thuộc về TP. Hải Phòng với điểm số 70,76. DN đánh giá cao những hoạt động xúc tiến thương mại – đầu tư, kết nối doanh nghiệp với các đối tác quốc tế trong năm qua. Chính quyền thành phố đã thành lập và vận hành Tổ công tác giải quyết trình tự, thủ tục của các dự án quan trọng trên địa bàn thành phố và Tổ công tác giải quyết trình tự, thủ tục của các dự án phát triển du lịch, nhằm kịp thời tháo gỡ toàn diện, triệt để các khó khăn, vướng mắc phát sinh, thúc đẩy tiến độ triển khai dự án của các nhà đầu tư. Theo kết quả PCI 2022, 89% DN tại TP. Hải Phòng đánh giá “UBND tỉnh năng động và sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề mới phát sinh” và 92% DN cho biết “các khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ kịp thời qua các cuộc đối thoại, tiếp xúc DN tại tỉnh.”

Lần đầu tiên, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu góp mặt trong top 5 địa phương có chất lượng điều hành kinh tế khi PCI ở vị trí thứ tư với 70,26 điểm. Chính quyền tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trong năm qua đã có nhiều nỗ lực thuận lợi hóa môi trường kinh doanh, chú trọng thu hút các dự án đầu tư chất lượng cao. Tỉnh có một số mô hình cải cách hành chính đáng chú ý khi áp dụng thành công ở cấp huyện, xã như mô hình “Ngày thứ năm không chờ”, “Ngày thứ bảy lắng nghe dân nói” và “Ký số bản đồ khổ lớn”… Nhờ đó, nhiều TTHC được giải quyết xong trong ngày, sớm hơn quy định, giúp người dân và DN không phải đi lại nhiều lần. Tỉnh cũng thiết lập trang thông tin PCI và Fanpage PCI trên mạng xã hội để phổ biến thông tin về các hoạt động đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh.

Đứng vị trí thứ năm trong bảng xếp hạng PCI năm 2022 là tỉnh Đồng Tháp với 69,68 điểm. Kể từ PCI năm 2007 đến nay, tỉnh đã có 16 năm liên tiếp nằm trong top 5 địa phương về chất lượng điều hành. Hiện thực hóa tầm nhìn trở thành một “địa phương khởi nghiệp”, Đồng Tháp luôn chú trọng triển khai các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng chính quyền thân thiện, phục vụ DN và doanh nhân. Chính quyền tỉnh được đánh giá rất cao về tính năng động và tiên phong trong điều hành kinh tế.

Với tinh thần hỗ trợ DN, các cơ quan, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đã xây dựng, triển khai thực hiện nhiều cách làm hay thể hiện sự năng động và sáng tạo trong hoạt động cung cấp dịch vụ công. Bên cạnh đó, tỉnh cũng được các DN đánh giá cao về những nỗ lực tăng cường tính minh bạch và tiếp cận thông tin.

Tỉnh đang vận hành tốt Hệ thống lấy ý kiến trong quy trình giải quyết TTHC lĩnh vực đầu tư; đồng thời hoạt động hiệu quả kênh tiếp nhận phản ánh, kiến nghị từ ứng dụng e-ĐồngTháp đến tổng đài của địa phương…

Quốc Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.