Multimedia Đọc Báo in

Phát triển OCOP du lịch: Tại sao không? (kỳ 2)

07:42, 26/04/2023

Kỳ 2: Định hình OCOP du lịch

Với sự chung tay của các sở, ngành hữu quan, các cấp chính quyền địa phương trong tỉnh cũng đang nỗ lực tạo nền tảng vững chắc cho một sản phẩm du lịch OCOP hoàn chỉnh. Từng bước “gỡ khó” và định hình sản phẩm OCOP du lịch đang là bước đi được tỉnh Đắk Lắk ưu tiên thực hiện. Việc gắn sao OCOP sẽ khẳng định tiêu chuẩn, chất lượng, gia tăng niềm tin của du khách với ngành du lịch địa phương, qua đó góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho người dân song hành cùng việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn.

Thí điểm thực hiện OCOP du lịch

Biến tiềm năng thành hiện thực, năm 2023 tỉnh đề xuất Bộ NN-PTNT lựa chọn mô hình thí điểm đầu tiên về phát triển sản phẩm OCOP du lịch gắn với phát huy giá trị văn hóa và nghề truyền thống tại buôn Kuốp (xã Dray Sáp, huyện Krông Ana).

Sở dĩ chọn buôn Kuốp là bởi nơi đây hội tụ nhiều yếu tố “cần” và “đủ” cho sự hình thành một sản phẩm OCOP du lịch. Buôn Kuốp cách trung tâm xã Dray Sáp 8 km, cách trung tâm TP. Buôn Ma Thuột khoảng 20 km. Buôn có 302 ngôi nhà, trong đó có 243 ngôi nhà của đồng bào Êđê và M’nông, hiện còn lưu giữ 50 nhà sàn truyền thống.

Một nhà dài truyền thống ở buôn Kuốp đã xuống cấp, cần được tu sửa.

Ở buôn, nhiều truyền thống văn hóa lâu đời như văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, hát ayray, múa xoang; một số lễ hội như cúng bến nước, cúng mừng lúa mới, cúng Yàng, cúng mừng thọ… vẫn được thực hiện thường xuyên. Buôn có một số nghệ nhân biết chế tác nhạc cụ dân tộc, biết làm rượu cần, dệt thổ cẩm. Đặc biệt, buôn có hai danh thắng quốc gia là thác Dray Sáp Thượng (thác Gia Long) và thác Dray Nur, thu hút trên 100 nghìn lượt du khách đến với cụm thác trong mỗi năm. Công ty TNHH Đầu tư Du lịch Trung Nguyên Healing mở tour du lịch mạo hiểm (chèo thuyền, đạp xe và leo núi) càng thu hút khách du lịch đến địa phương. Việc có thêm doanh nghiệp đứng chân tại buôn sẽ hỗ trợ, kết nối người dân hình thành các chuỗi sản phẩm du lịch, giúp bà con có thêm thu nhập từ du lịch cộng đồng.

Buôn Kuốp cũng là một trong những buôn được quy hoạch phát triển du lịch cộng đồng theo quyết định của UBND tỉnh. Do đó, buôn có tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng, bảo đảm phục vụ khách tham quan, nghỉ dưỡng, ăn uống, tổ chức những buổi biểu diễn văn nghệ mang đậm nét văn hóa truyền thống địa phương và tham gia trải nghiệm những hoạt động thường ngày của người tại chỗ.

Ông Y Hơm H'đớk (79 tuổi), nguyên là già làng buôn Kuốp, hiện vẫn còn lưu giữ được ngôi nhà dài và có hơn 10 chiếc ché cổ. Tranh thủ những ngày cuối tuần, ông thường gọi lớp trẻ trong buôn đến nhà sinh hoạt cộng đồng để truyền dạy đánh cồng chiêng, chế tác nhạc cụ dân tộc, làm rượu cần. Ông Y Hơm tâm tình: “Chúng tôi vẫn thường nhắc nhở con cháu phải ghi nhớ truyền thống của dân tộc mình. Đây là “vốn quý” để phát triển buôn thành điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn du khách, làm diện mạo buôn làng thêm khởi sắc. Mong bà con sẽ được hỗ trợ, giúp đỡ nhiều hơn nữa để bảo tồn văn hóa dân tộc, phát triển du lịch chuyên nghiệp, hiệu quả”.

Ông Y Hơm H’đớk (bên trái) ở buôn Kuốp (xã Dray Sáp, huyện Krông Ana) vẫn còn lưu giữ nhiều chiếc ché cổ.

Cần một “đòn bẩy” đủ mạnh

Tính đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 85 sản phẩm OCOP từ 1 đến 4 sao, nhưng nhóm sản phẩm “Dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng” thì chưa có sản phẩm nào. Nhiều địa phương, người dân vẫn chưa hiểu hết khái niệm sản phẩm OCOP du lịch; các thang bậc, tiêu chuẩn để đánh giá sản phẩm đạt OCOP du lịch vẫn chưa được tiếp cận một cách cụ thể...

 

Ông Hòa Quang Trịnh, Phó Chủ tịch UBND xã Dray Sáp (huyện Krông Ana) chia sẻ, sẵn sàng cho việc thí điểm sản phẩm OCOP du lịch tại buôn Kuốp, địa phương đã thường xuyên tuyên truyền bà con ý thức bảo vệ môi trường, cải tạo vườn tạp, khu chăn nuôi, đồng thời chỉnh trang khuôn viên, nhà cửa để chuẩn bị các điều kiện thuận lợi nhất cho việc đón khách. Trước mắt, xã chọn 10 hộ dân tiêu biểu để đào tạo các kỹ năng làm du lịch, lấy đó làm mô hình thí điểm du lịch cộng đồng rồi nhân rộng trong buôn.

Bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, nông dân làm du lịch tự phát sẽ rất khó bền vững. Do đó, trước hết làm sao để phát huy vai trò của cộng đồng trong phát triển du lịch nhằm bảo tồn sự đa dạng của văn hóa. Điều then chốt là tại mỗi địa phương, người dân hiểu rõ những giá trị văn hóa cần bảo tồn như: kiến trúc nhà dài, tiếng nói, phong tục, tập quán, lễ hội, nghi thức... bảo đảm sự tham gia của cộng đồng vào quá trình phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc. Thêm vào đó, ở mỗi thôn, buôn, ngành du lịch phải đào tạo nhân lực du lịch tốt hơn. Muốn phục vụ du khách tốt và chuyên nghiệp thì cần phải có nguồn lực tốt, được đào tạo bài bản.

Ở góc độ địa phương được chọn, bên cạnh những lợi thế, buôn Kuốp còn đó nhiều hạn chế về nguồn lực: Kinh tế địa phương khó khăn, trình độ dân trí thấp, nhiều hộ không đủ điều kiện xây dựng, nâng cấp nhà ở... để phục vụ  khách chu đáo hơn. Việc tiếp cận du lịch cộng đồng còn khá mới mẻ; năng lực, vật chất hỗ trợ cho du lịch cộng đồng như nhà đón tiếp, nhà trưng bày, nhà vệ sinh công cộng, xử lý rác… thiếu và yếu.

Khảo sát tại một số gia đình trong buôn cho thấy, dù vẫn còn lưu giữ được nhà dài, nhưng nhiều căn nhà đã xuống cấp, xỉn màu; việc xây dựng thêm các gian phòng cần khá nhiều vốn. Một số hộ chưa từng tham gia làm du lịch nên việc giao lưu, chuyện trò còn rụt rè, thiếu tự tin…

Theo ông Dương Tín Đức, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh, UBND tỉnh vừa gửi Bộ NN-PTNT văn bản rà soát, bổ sung đề xuất mô hình thí điểm thuộc Chương trình OCOP trên địa bàn. Trong đó, báo cáo rất rõ tình hình chung; những thuận lợi, khó khăn, hạn chế cần hỗ trợ; định hướng phát triển của sản phẩm trong thời gian tới. Từ năm 2023 đến 2024, trên địa bàn tỉnh dự kiến thí điểm mô hình du lịch OCOP tại buôn Kuốp.

“Dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng” là một trong những nhóm sản phẩm OCOP rất khó thực hiện, đòi hỏi một lộ trình dài với nhiều nguồn lực. Nếu được quan tâm kịp thời, Đắk Lắk sẽ dễ dàng hơn trong thực hiện các bước hình thành sản phẩm du lịch OCOP. Khi có một “cú hích” đủ mạnh sẽ giúp du lịch Đắk Lắk “cất cánh”; du khách xa gần có thể trải nghiệm không gian, trải nghiệm nghề truyền thống, thưởng thức ẩm thực, xem trình diễn cồng chiêng, lưu trú tại nhà dân, nghe hát ayray, kể khan trên địa bàn buôn Kuốp vào một ngày không xa…

Đỗ Lan - Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.