Multimedia Đọc Báo in

Tín dụng ưu đãi theo Nghị định 28: Tạo động lực cho hộ nghèo vươn lên

07:57, 27/04/2023

Ngày 26/4/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 28/2022/NĐ-CP về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025. Mặc dù mới triển khai, nhưng chính sách tín dụng theo Nghị định 28 đã cung ứng vốn, tạo động lực cho các hộ nghèo vươn lên.

Ước mơ về một ngôi nhà kiên cố thay thế cho căn nhà tạm dột nát mỗi khi mùa mưa tới của bà H’ga Byă (buôn Đắk Tuôr, xã Cư Pui, huyện Krông Bông) đã trở thành hiện thực nhờ nguồn vốn vay theo Nghị định 28. Bà H’ga thuộc diện hộ nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn. Năm 2022, bà được vay 40 triệu đồng theo Nghị định 28, cùng với tiền dành dụm và mượn họ hàng để xây ngôi nhà mới. “Tôi rất vui khi được hưởng chính sách ưu đãi vốn vay này. Nhờ có số tiền này mà gia đình tôi yên tâm ổn định cuộc sống để phát triển kinh tế”, bà H’ga Byă chia sẻ.

Cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Krông Bông kiểm tra thực tế sử dụng vốn vay theo Nghị định 28 của hộ vay.

Còn với gia đình anh Y Thơi Niê (buôn Đắk Tuôr, xã Cư Pui), bằng số tiền vay hơn 60 triệu đồng từ nguồn vốn theo Nghị định 28, anh đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng để phát triển kinh tế. Cụ thể, gia đình anh có 2 ha đất sản xuất nhưng không có tiền đầu tư nên lâu nay chỉ biết trồng bắp, hiệu quả kinh tế thấp. Sau khi tiếp cận được nguồn vốn, anh đã mạnh dạn mua phân bón, cây giống và cải tạo đất để trồng cây vải, nhãn… Anh Y Thơi cho hay, nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi mà anh đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mảnh đất cằn cỗi lâu nay đã được phủ xanh bằng cây ăn trái.

 

Nghị định 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ gồm các nhóm chương trình: cho vay hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất; chuyển đổi nghề; cho vay đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý; cho vay phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Krông Bông, thực hiện Nghị định 28, đơn vị đã hỗ trợ cho vay cho các đối tượng nhà ở; đất sản xuất và chuyển đổi nghề. Theo đó, từ tháng 11/2022, đơn vị đã giải ngân cho vay đối với người dân trên địa bàn xã Ea Trul và Cư Pui, với tổng số vốn gần 1,4 tỷ đồng. Sau khi cho vay trong vòng 30 ngày, cán bộ tín dụng sẽ kết hợp với các hội, đoàn thể và tổ trưởng tổ vay vốn đến kiểm tra việc sử dụng vốn vay đối với 100% hộ vay.

Tại địa bàn huyện biên giới Ea Súp, cuối năm 2022, Phòng giao dịch NHCSXH huyện đã giải ngân kịp thời đến đối tượng thụ hưởng chương trình. Đến nay đã có 20 hộ được vay vốn cho mục đích chuyển đổi nghề, tổng số vốn vay 1 tỷ đồng; 10 hộ vay để xây dựng, cải tạo nhà ở, số tiền 400 triệu đồng. Qua kiểm tra, đánh giá cho thấy, vốn vay được sử dụng đúng mục đích, qua đó đã tạo điều kiện cho hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số có thêm nguồn vốn để phát triển sản xuất, chuyển đổi nghề, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Phòng giao dịch đang tiếp tục phối hợp với các ban, ngành liên quan và chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, rà soát các hộ có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn theo Nghị định 28 để sớm giải ngân vốn theo chính sách tín dụng ưu đãi này.

Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ea Súp giải ngân cho vay theo Nghị định 28.

NHCSXH Chi nhánh Đắk Lắk cho biết, đến thời điểm này, toàn tỉnh đã cho vay theo Nghị định 28 đối với 352 hộ nghèo, tổng số vốn gần 18,6 tỷ đồng, chiếm 0,29% tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách toàn tỉnh. Nghị định 28 là chủ trương lớn, có ý nghĩa thiết thực, tạo động lực để đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh có vốn làm ăn, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững, làm giàu trên mảnh đất quê hương, từ đó từng bước xóa dần khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.

Minh Chi – Khánh Huyền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.