Chuẩn hóa xanh với tầm nhìn đô thị
Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang mở ra cơ hội và cả thách thức cho chiến lược phát triển đô thị địa phương. Khái niệm “ba cực, đa trung tâm” mà tỉnh đặt ra với các đô thị trên địa bàn sẽ gắn kết thế nào với ba trụ cột “môi trường, xã hội và kinh tế” là cả một vấn đề!
Không những thế, tầm nhìn quy hoạch tỉnh Đắk Lắk khi nhìn các đô thị phát triển sẽ không chỉ ở trong giới hạn 30 năm. Những đô thị Buôn Ma Thuột, Buôn Hồ, Ea Kar sẽ không chỉ trở thành ba cực đô thị chính yếu trong một thời gian ngắn, mà còn phải tạo lực hút, thúc đẩy phát triển các đô thị khác, dài hạn và bền vững cả trăm năm. Yếu tố nào giúp quyết định điều đó?
Bền vững môi trường đô thị xanh
Trong phát biểu tham gia thẩm định quy hoạch tỉnh Đắk Lắk, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Nghị quyết 23 đã xác định Đắk Lắk là tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng - an ninh, văn hóa, là trung tâm, cực tăng trưởng của cả vùng Tây Nguyên. Do đó, Đắk Lắk có hai sứ mệnh lớn, vừa phát triển kinh tế trong quan hệ hài hòa với văn hóa, xã hội, môi trường; vừa phải trở thành “bệ đỡ” vùng Tây Nguyên, cửa ngõ kết nối duyên hải miền Trung để xây dựng thế chiến lược phát triển toàn vùng.
Đô thị Buôn Ma Thuột sẽ phát triển theo hướng xanh, sinh thái, thông minh, giữ vững bản sắc riêng. (Trong ảnh: Buôn trong phố Akô Dhông - điểm du lịch văn hóa đặc sắc ở Buôn Ma Thuột). Ảnh: Hữu Nguyên |
Mấu chốt để thực hiện hai sứ mệnh đó là gì? Phải thấy, Đắk Lắk là địa phương có quỹ đất phát triển nông nghiệp lớn nên kinh tế sản xuất luôn chủ đạo; là tỉnh có 49 dân tộc anh em cùng sinh sống với rất nhiều giá trị, tài nguyên văn hóa chưa được khai thác hết nên giàu tiềm năng về xây dựng văn hóa đa sắc, phát triển du lịch, chiến lược về dân cư, lao động trẻ; là tỉnh ở vị trí cao nguyên có nhiều lợi thế đầu tư năng lượng tái tạo, cho phép mở hướng đầu tư tìm hiểu các khoáng chất công nghệ mới, ứng dụng công nghệ số, công nghệ sinh học… Nếu địa phương nhận định rõ những lợi thế, nền tảng cần xây dựng của các đô thị, chọn các đô thị làm hạt nhân đầu tư kinh tế, xã hội bền vững, với những yêu cầu quy hoạch khoa học, trách nhiệm và “thông minh hơn”, chắc chắn sẽ tạo ra những cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ và riêng biệt. Chỉ cần nhìn lại lịch sử phát triển các đô thị địa phương, đã có thể nhận ra lợi thế bất biến được khai thác tốt ở đây, chính là yếu tố xanh của các đô thị và vùng liên kết xung quanh.
Biệt điện Bảo Đại - lá phổi xanh giữa trung tâm TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Hữu Hùng |
Ai cũng biết Tây Nguyên là lá chắn xanh trên cao của cả một vùng rộng lớn đất nước, với những tầng thực vật trăm năm bền vững. Song, trong gần 30 năm phát triển vừa qua, khai thác hiệu quả, bảo toàn hiệu quả, định hướng phát triển hiệu quả lá chắn xanh này trong chiến lược phát triển chính trị, kinh tế, xã hội Tây Nguyên đã được thực thi ra sao? Nếu đó chỉ là những lời cảnh báo báo động, thì vấn đề đáng phải suy xét lại rất nhiều, ở tầm quản lý vĩ mô. Đối với các địa phương cụ thể, nổi bật là Đắk Lắk, nền tảng xanh của cửa ngõ Tây Nguyên đã được bảo vệ, duy trì và vận dụng phát triển thế nào, thực sự là câu hỏi trách nhiệm rất lớn và thiết thực. Bởi thế, đầu tư, đổi mới cách nhìn quy hoạch phát triển các đô thị Đắk Lắk, với vai trò những hạt nhân cốt lõi, yêu cầu bền vững môi trường, xanh hóa những khát vọng vươn lên, là vấn đề phải nghĩ đến; và chính là mấu chốt thực thi hai sứ mệnh, “đóng đinh” ba trụ cột để phát triển.
Ba cực chuẩn hóa xanh?
Quy hoạch Đắk Lắk đã định vị, TP. Buôn Ma Thuột phải trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, phát triển theo hướng xanh, sinh thái, thông minh, giữ vững bản sắc riêng. Thị xã Buôn Hồ phải là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật và du lịch ở phía bắc tỉnh. Thị xã Ea Kar phải là đô thị trung tâm tiểu vùng phía đông của tỉnh, là cực đô thị thứ ba thu hút nguồn lực xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế cho địa phương. Từ ba cực đô thị này, Đắk Lắk sẽ hội tụ được những yếu tố năng lực, bài học giải pháp và kinh nghiệm, để hoàn thiện, thúc đẩy định hình những đô thị mới trên địa bàn, mà như quy hoạch chung đưa ra, gồm đến 31 đô thị trong tương lai gần.
Không gian xanh ở khu du lịch sinh sinh thái cộng đồng Ko Tam. Ảnh: Hữu Hùng |
Ở đây cần thấy rõ ba cực đô thị của Đắk Lắk thể hiện điều gì? Buôn Ma Thuột là thủ phủ cà phê, với những khái niệm tỉnh thức với giới trẻ, nghĩa là đặt ra tiêu chí “sáng tạo”. Ea Kar lại đồng hành với chiến lược phát triển nông sản giá trị và đa dạng hóa, hướng đến các tiêu chí xuất khẩu mạnh mẽ hơn, nghĩa là đặt ra tiêu chí “hội nhập”. Buôn Hồ lại là thủ phủ mới về việc quy hoạch, phân định những khu vực, hạng mục đô thị mới để phát triển, nghĩa là đặt ra tiêu chí “hiện đại”. Mấu chốt liên kết ba tiêu chí này, chính là nền tảng tăng trưởng xanh mà Đắk Lắk luôn định vị, nỗ lực bảo toàn lâu nay.
Cho dù sáng tạo, hội nhập và hiện đại hóa đến đâu, Đắk Lắk cũng phải bảo vệ an toàn cho được môi trường xanh bền vững của mình. Điều này xoay ngược lại định hướng phát triển các yêu cầu “đa trung tâm” của địa phương, là phải xanh hóa: xanh địa bàn với rừng núi cao nguyên, xanh kinh tế với những dự án phát triển sản xuất, đổi mới sáng tạo sản phẩm, dịch vụ hướng đến tiêu chuẩn hội nhập kinh tế toàn diện hơn, xanh tư duy với những giải pháp kết nối, hòa đồng văn hóa 49 dân tộc anh em Tây Nguyên cùng xu thế công nghệ số, chuẩn mực những hoạt động cổ vũ, bảo tồn văn hóa nguyên sơ.
Như vậy, thấu đạt nguyên tắc phát triển bất biến của Tây Nguyên là bảo vệ môi trường sinh thái xanh bền vững; cải thiện nhận thức xã hội với các giải pháp xanh hóa hiện đại, năng lượng và tiết kiệm hơn; cải thiện văn hóa bản địa với tinh thần “hội nhập đa dạng, chia sẻ giá trị”, Đắk Lắk sẽ kiên định chuẩn hóa được những đô thị xanh, từ đó huy động được nhiều nguồn lực phát triển mạnh mẽ hơn, và kết nối toàn diện hơn, để thực thi đúng sứ mệnh được giao.
Nguyên Đức
Ý kiến bạn đọc