Multimedia Đọc Báo in

Dấu ấn vốn tín dụng chính sách ở một huyện vùng sâu

08:15, 30/05/2023

Thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Lắk đã triển khai hiệu quả công tác tín dụng chính sách đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đây là nguồn lực quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.

Huyện Lắk là địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 25,24%, hộ cận nghèo 18,29%. Bên cạnh đó, người dân khó tiếp cận vốn vay từ các ngân hàng thương mại. Do đó, chương trình tín dụng chính sách với lãi suất ưu đãi là kênh tiếp cận vốn rất thiết thực, hiệu quả cho người dân. Để thực hiện hiệu quả chính sách cho vay vốn ưu đãi, các cấp ủy, chính quyền địa phương trên địa bàn huyện đã phát huy vai trò, trách nhiệm trong chỉ đạo và tổ chức triển khai.

Cùng với đó, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Lắk đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại cơ sở cũng như các hội, đoàn thể cho vay ủy thác nhằm hạn chế tối đa hiện tượng tiêu cực; nâng cao chất lượng hoạt động các điểm giao dịch xã và hoạt động của tổ tiết kiệm, vay vốn.

Đồng thời, đơn vị cũng cử cán bộ tín dụng theo dõi địa bàn tuyên truyền về các chương trình tín dụng chính sách và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân. Nhờ đó, vốn chính sách đến đúng đối tượng, được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả.

Mô hình nuôi tằm đầu tư bằng vốn chính sách xã hội của một hộ dân ở xã Bông Krang, huyện Lắk.

Đại diện Phòng giao dịch NHCSXH huyện Lắk cho biết, trong năm 2022, đơn vị đã giải ngân cho 4.107 lượt khách hàng vay vốn, với số tiền hơn 177 tỷ đồng. Tính từ đầu năm 2023 đến nay, có 814 khách hàng được vay vốn ưu đãi, với số tiền hơn 34 tỷ đồng. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng trên địa bàn huyện Lắk hiện đạt 477,5 tỷ đồng, tăng 13,4 tỷ đồng so với thời điểm ngày 31/12/2022.

Gia đình ông Y Phơi Lưk (buôn Chư Tắk, xã Yang Tao) từng là hộ nghèo lâu năm tại địa phương, bởi đất sản xuất ít, nghề nghiệp không ổn định. Trước đây, nhờ vay 30 triệu đồng từ Chương trình cho vay hộ nghèo của NHCSXH để làm ăn mà gia đình ông đã vươn lên thoát khỏi diện hộ nghèo. Đầu năm nay, ông tiếp tục được vay 100 triệu đồng từ Chương trình cho vay hộ cận nghèo. Đây là một trong 10 hộ được vay vốn với mức cao nhất trên địa bàn huyện. Với số tiền này, ông đã đầu tư mua đàn bò 11 con về nuôi. Ông Y Phơi Lưk cho biết, nhờ có nguồn cỏ ổn định nên bò nhanh lớn, thu nhập phụ từ chăn nuôi giúp ông có tiền trả lãi hằng tháng. Thời gian tới, khi bò sinh sản, tăng đàn, ông sẽ bán một phần để trả nợ và tăng thêm quy mô chăn nuôi.

Gia đình anh Lương Văn Mau (buôn Thái, xã Bông Krang, huyện Lắk) cũng là một trong những hộ được hưởng lợi từ nguồn vốn tín dụng chính sách. Gia đình anh có 9 sào đất, nhưng lâu nay trồng cây gì hiệu quả cũng thấp nên cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Năm 2023, gia đình làm hồ sơ vay 40 triệu đồng theo Chương trình cho vay sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn. Anh đã đầu tư vốn triển khai mô hình trồng dâu nuôi tằm. Nhờ nghề mới này, mỗi tháng gia đình anh thu nhập được 12 triệu đồng. Sắp tới, anh dự định tiếp tục mở rộng quy mô làm ăn để tăng thêm thu nhập.

Cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lắk kiểm tra thực tế sử dụng vốn của hộ vay.

Ông Trà Văn Tâm, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Lắk cho biết, thời gian tới, đơn vị sẽ đẩy nhanh tiến độ giải ngân các chương trình, không để vốn tồn đọng; nâng cao chất lượng tín dụng, giảm nợ quá hạn ở mức thấp nhất. Đồng thời, phối hợp cùng UBND các xã và thị trấn Liên Sơn phân tích làm rõ những nguyên nhân, có giải pháp cụ thể để xử lý, thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn.

Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện cũng đã yêu cầu UBND các xã, thị trấn tiếp tục chỉ đạo trưởng các thôn, buôn đại diện cho chính quyền tham gia giám sát ngay từ khi bình xét cho vay tại các tổ tiết kiệm và vay vốn, tham gia rà soát bổ sung đối tượng được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi đảm bảo khách quan, chính xác, kịp thời để tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Đối với các tổ chức chính trị - xã hội, chủ động phối hợp cùng NHCSXH huyện thực hiện công tác thông tin tuyên truyền về các mô hình vay vốn tín dụng chính sách làm ăn có hiệu quả để nhân rộng trên địa bàn.

Sau 20 năm thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, ngày 4/10/2002 của Chính phủ, huyện Lắk có có 51.132 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Vốn ưu đãi đã góp phần giúp hơn 2.000 hộ thoát nghèo, 1.601 hộ được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở, 4.684 công trình nước sạch vệ sinh môi trường ở nông thôn được xây dựng…

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.