Multimedia Đọc Báo in

Hướng đến tăng trưởng xanh: Đừng để quá muộn

08:43, 28/05/2023

Vừa qua, tại Lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2022, lần đầu tiên Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID) công bố Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI).

Cùng với PCI, PGI sẽ là bộ chỉ số độc lập đánh giá môi trường kinh doanh xanh cấp tỉnh, mức độ tuân thủ pháp luật, ứng xử với môi trường của doanh nghiệp (DN).

PGI được đưa ra nhằm khuyến khích chính quyền các tỉnh, thành phố hướng đến nỗ lực phát triển khu vực tư nhân theo tinh thần Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia và chiến lược quốc gia ứng với phó với biến đổi khí hậu. Chỉ số này sẽ đánh giá và xếp hạng chất lượng môi trường tại 63 tỉnh, thành phố qua góc nhìn của DN, mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của DN, ứng xử môi trường của DN và mức độ sẵn sàng đầu tư về môi trường tại các địa phương.

Năng lượng tái tạo là một trong những lĩnh vực được Đắk Lắk ưu tiên thu hút đầu tư. Trong ảnh: Cánh đồng điện gió tại xã Ea Nam (huyện Ea H'leo).

Theo xếp hạng, Chỉ số PGI của Đắk Lắk đứng thứ 44/63 tỉnh thành. Thứ hạng này cho thấy, cộng đồng DN đang nhìn nhận vấn đề bảo vệ môi trường và ảnh hưởng của môi trường đến sản xuất, kinh doanh chưa thật sự đầy đủ, đúng đắn. Kết quả khảo sát của VCCI cho thấy, mặc dù ô nhiễm môi trường ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, song chỉ có 31,8% DN cho biết họ hiểu rõ các quy định môi trường; 44% DN thừa nhận chưa tuân thủ đầy đủ các quy định môi trường. Mức độ tham gia các chương trình bảo vệ môi trường tại địa phương của DN còn hạn chế (37%) và đáng nói nhất là có tới 91% DN cho rằng bảo vệ môi trường là trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Điều này càng thể hiện rõ nét tại Đắk Lắk khi mà DN trên địa bàn tỉnh chủ yếu là DN nhỏ và siêu nhỏ nên mức độ hiểu biết và tuân thủ của DN về các quy định môi trường còn thấp. Qua khảo sát một số DN trên địa bàn tỉnh, đa phần đều cho rằng, quy mô DN của họ quá nhỏ để gây hại cho môi trường. Hơn nữa, các quy định môi trường còn phức tạp, chưa dễ tiếp cận, chi phí tuân thủ các quy định môi trường còn khá cao so với năng lực của DN.

Với “suy nghĩ” của DN như vậy khi đặt vào bối cảnh mục tiêu phát triển của địa phương cũng như cả nước sẽ trở thành “rào cản” lớn cho tiến trình phát triển. Bởi theo Dự thảo quy hoạch tỉnh mới được đưa ra gần đây, Đắk Lắk đã đặt mục tiêu sẽ hướng đến trở thành tỉnh có “Không gian sinh thái - Bản sắc - Kết nối sáng tạo”, lấy con người là trung tâm của mọi quá trình phát triển, người dân trong tỉnh thụ hưởng thành quả của quá trình phát triển; sinh thái tự nhiên được phục hồi và gìn giữ… Dự thảo quy hoạch đặt mục tiêu, đến năm 2050, Đắk Lắk có nền kinh tế theo mô hình tăng trưởng xanh, nằm trong nhóm các tỉnh phát triển thịnh vượng của cả nước. Và để đạt được mục tiêu trên, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là tập trung bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; thu hút đầu tư sẽ ưu tiên các ngành sản xuất và các lĩnh vực dịch vụ phù hợp xu hướng phát triển theo hướng tăng trưởng xanh.

Một mục tiêu quan trọng khác là hiện Việt Nam đang tích cực thực hiện các cam kết quốc tế về việc giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ozon và hướng đến phát triển thị trường carbon. Đặc biệt, từ năm 2025, Việt Nam sẽ thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon và đến năm 2028, nước ta sẽ vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức để kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường khu vực và thế giới. Đối với Đắk Lắk, một tỉnh được đánh giá là một trong những địa phương có tiềm năng nhất của cả nước tham gia vào thị trường này thì vấn đề bảo vệ môi trường càng phải được đặt ra một cách cấp bách.

Thiết nghĩ, để đạt được mục tiêu đề ra trong chiến lược phát triển của tỉnh cũng như của cả nước, bên cạnh chính sách khuyến khích hoạt động đầu tư xanh của chính quyền địa phương, ngay từ bây giờ cộng đồng DN cũng cần nhìn nhận đúng và quan tâm hơn nữa đến vấn đề môi trường. Trước hết phải nâng cao mức độ tuân thủ pháp luật về môi trường; tăng cường ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường; nâng cao trình độ quản lý và ứng xử với môi trường của DN… Bởi nói là tầm nhìn hay kế hoạch dài hạn, nhưng đối với một vấn đề như môi trường, 20 hay 30 năm vẫn cứ là quá muộn nếu không có sự quan tâm, chuẩn bị từ sớm. Và với đối với một địa phương đang có dư địa thu hút đầu tư lớn như Đắk Lắk, thứ hạng Chỉ số PGI 2022 sẽ là thông tin quan trọng về chất lượng môi trường để tỉnh sàng lọc các dự án, không đánh đổi tăng trưởng với bảo vệ môi trường mà vẫn tận dụng hết lợi thế, tiềm năng của mình. Đồng thời, tạo ra động lực để các DN đầu tư theo hướng thân thiện môi trường trong thời gian tới.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.