Multimedia Đọc Báo in

Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột: Ưu tiên phê duyệt phương án giải phóng mặt bằng đối với khu vực không phải chờ giá đất

19:15, 30/05/2023

  Chiều 30/5, UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức cuộc họp để nghe báo cáo về tình hình triển khai Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 (Dự án). Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh đồng chủ trì cuộc họp.

Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột có tổng chiều dài 117,5 km, được chia thành 3 dự án thành phần. Trong đó, Dự án thành phần 1 có chiều dài 31,5 km do UBND tỉnh Khánh Hòa làm cơ quan chủ quản; Dự án thành phần 2 có chiều dài 36,9 km do Bộ Giao thông vận tải làm cơ quan chủ quản; Dự án thành phần 3 chiều dài 48,09 km do UBND tỉnh Đắk Lắk làm cơ quan chủ quản.

Các đại biểu dự cuộc họp.
Các đại biểu dự cuộc họp.

Hiện nay, các địa phương có Dự án đi qua địa bàn tỉnh Đắk Lắk đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp một số khó khăn, vướng mắc.

Cụ thể, đoạn qua địa bàn huyện M’Drắk phần lớn diện tích đất thuộc nguồn gốc công ty lâm nghiệp quản lý, người dân đã lấn chiếm, sử dụng từ nhiều năm trước nên khó xác định nguồn gốc đất, lập phương án bồi thường hỗ trợ; chưa có hướng dẫn đầy đủ về phương án bồi thường, hỗ trợ đối với cây keo lai. 

Đoạn qua địa bàn huyện Cư Kuin hiện nay tỉnh chưa ban hành quyết định phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để tính tiền bồi thường về đất nên chưa có cơ sở lập phương án, công khai theo quy định.

Đoạn qua địa bàn huyện Krông Bông phạm vi GPMB thu hồi đất đi qua ranh giới đất Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Krông Bông quản lý và đất trồng cây keo của người dân, tuy nhiên chưa có hướng dẫn cách xử lý khai thác, tận thu, tận dụng của cấp có thẩm quyền.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Đỗ Quang Trà báo cáo tình hình thực hiện Dự án đoạn qua địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Đỗ Quang Trà báo cáo tình hình thực hiện Dự án đoạn qua địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Tại cuộc họp, các địa phương đã đề nghị một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ GPMB Dự án. Theo đó, huyện M’Drắk đề nghị UBND tỉnh cho phép áp dụng đơn giá cây keo đã bồi thường, hỗ trợ cho Dự án Hồ chứa nước Krông Pách thượng tại Báo cáo số 208/BC/SNN của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 25/6/2020 để tránh sự so sánh về giá; đề nghị sớm thực hiện các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường sớm hoàn thành phê duyệt giá đất.

UBND huyện Cư Kuin đề nghị chủ đầu tư Dự án thành phần 3 sớm tiến hành bàn giao hướng tuyến và mốc đối với tuyến kênh mương để địa phương thực hiện các bước tiếp theo. UBND huyện Krông Bông đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn phương pháp khai thác, tận dụng, thanh lý, nộp ngân sách đối với cây rừng mọc tự nhiên trên đất và cây keo người dân tự trồng…

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị phát biểu kết luận tại cuộc họp.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị phát biểu kết luận tại cuộc họp.

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị đánh giá quyết tâm cao của các đơn vị, địa phương trong thực hiện công tác GPMB Dự án.

Thời gian tới, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các địa phương ưu tiên phê duyệt phương án GPMB đối với khu vực không phải chờ giá đất. Về mỏ vật liệu, bãi thải phục vụ Dự án, đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường bám sát chủ trương của Trung ương để tham mưu phương án phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; Chủ tịch UBND cấp huyện có Dự án đi qua tích cực tuyên truyền, vận động và thỏa thuận giá đền bù, hỗ trợ đối với người dân. Đề nghị chủ đầu tư Dự án thành phần 3 báo cáo kế hoạch, chương trình dự kiến Lễ khởi công Dự án cho UBND tỉnh trước ngày 2/6/2023.

Hoàng Tuyết

 

 

 

 

 

 

  


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.