Multimedia Đọc Báo in

Khẩn trương triển khai công tác giải phóng mặt bằng Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột

07:06, 12/10/2022

Thực hiện nghị quyết của Chính phủ, chủ đầu tư và các đơn vị, địa phương liên quan đã và đang ráo riết triển khai các bước thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) Dự án thành phần 3 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1.

Hơn 300 hộ cần tái định cư

Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột đi qua địa bàn hai tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa, tổng chiều dài toàn tuyến 117,5 km, tổng mức đầu tư 21.935 tỷ đồng. Công trình đi qua địa bàn tỉnh Đắk Lắk dài khoảng 84,8 km, sơ bộ tổng diện tích GPMB phục vụ dự án trên 593 ha.

Dự án được chia thành 3 dự án thành phần, trong đó Dự án thành phần 3 do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk (gọi tắt là Ban tỉnh) làm chủ đầu tư. Chiều dài toàn tuyến Dự án thành phần 3 là 48 km, đi qua 3 huyện gồm Krông Pắc, Cư Kuin và Ea Kar; tổng mức đầu tư 6.485 tỷ đồng, trong đó chi phí GPMB 1.588 tỷ đồng.

Hiện nay, chủ đầu tư đã hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu và ký hợp đồng đối với 5 gói tư vấn bước chuẩn bị đầu tư. Cụ thể, các gói thầu gồm: Gói khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi và thiết kế cắm mốc GPMB, mốc lộ giới đường bộ; gói khảo sát, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường; gói thầu cắm cọc GPMB và mốc lộ giới đường bộ; gói thầu giám sát công tác cắm cọc GPMB, mốc lộ giới đường bộ; gói thầu thẩm tra báo cáo nghiên cứu khả thi.

Đơn vị tư vấn báo cáo với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về vị trí xây dựng cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đoạn qua tỉnh Đắk Lắk.

Hiện nay, các đơn vị, địa phương liên quan đang khẩn trương triển khai các bước tiếp theo để triển khai công tác GPMB dự án. Trong đó, đáng quan tâm là vấn đề bố trí đất tái định cư.

Theo thống kê sơ bộ, quá trình triển khai Dự án thành phần 3 có 407 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó 313 hộ thuộc diện cần phải tái định cư (huyện Cư Kuin có 109 hộ, huyện Krông Pắc 157 hộ và huyện Ea Kar có 47 hộ).

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Cư Kuin Võ Tấn Huy cho biết, Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột qua địa bàn huyện 4,4 km, có 109 hộ dân cần tái định cư, chủ yếu ở xã Ea Ktur.

Theo quy hoạch sử dụng đất của địa phương, khu đất tái định cư của huyện nằm trên địa bàn xã Dray Bhăng. Do đó, UBND huyện đã có văn bản giao cho xã Dray Bhăng rà soát, đề xuất vị trí cụ thể để huyện có cơ sở đề nghị tỉnh xác định vị trí chuyển đổi đất tái định cư cho các hộ dân trong vùng dự án. Về phía huyện Krông Pắc cũng đã có Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo công tác bồi thường, GPMB và tái định cư dự án vào ngày 27/9/2022.

 

Tại Công văn số 8338/UBND-CN ngày 30/9/2022 về việc thống nhất Kế hoạch chi tiết triển khai Dự án thành phần 3 thuộc Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1, tỉnh Đắk Lắk phấn đấu khởi công dự án vào ngày 1/6/2023 và cơ bản bàn giao diện tích còn lại trước ngày 31/12/2023.

Tại cuộc họp triển khai Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột vào chiều 6/10 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị nêu rõ, ngoài ba địa phương đã rà soát hộ dân cần tái định cư, hai địa phương có Dự án thành phần 2 đi qua gồm Krông Bông và M’Drắk cần phối hợp với Ban Quản lý dự án 6, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) (chủ đầu tư Dự án thành phần 2) để rà soát nhu cầu tái định cư, đồng thời xác định vị trí xây dựng khu tái định cư đúng quy hoạch.

Khẩn trương bàn giao cọc mốc GPMB

Theo Phó Giám đốc phụ trách Ban tỉnh Phan Xuân Bách, hồ sơ cắm cọc mốc GPMB để bàn giao cho các địa phương có dự án đi qua rất quan trọng.

Do đó, vào ngày 5/10 vừa qua, Ban tỉnh đã gửi Sở GTVT chủ trì xem xét, góp ý về hồ sơ thiết kế một số yếu tố cơ bản (lần 1) đối với đoạn tuyến Km98+00 ÷ Km109+500 và Km111+00 ÷ Km116+342, tham mưu UBND tỉnh chấp thuận bằng văn bản để chủ đầu tư có cơ sở trình Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) thẩm định trước khi Ban tỉnh phê duyệt hồ sơ thiết kế cắm cọc mốc GPMB. Đối với các đoạn tuyến còn lại, ngày 11/10, Ban tỉnh tiếp tục bổ sung gửi Sở GTVT để xem xét và cho ý kiến.

Đây là bước cực kỳ quan trọng, có tính chất quyết định đối với quá trình thực hiện công tác GPMB của dự án. Hiện nay, công tác lựa chọn đơn vị tư vấn, nhà thầu cắm cọc mốc GPMB đã được chủ đầu tư lựa chọn, các đơn vị quyết tâm sẽ triển khai cắm mốc GPMB đầu tiên của dự án vào ngày 15/10 tới đây.

Đoàn công tác Ban Chỉ đạo 321 tỉnh khảo sát vị trí xây dựng cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đoạn qua huyện Krông Bông

Phát biểu tại cuộc họp đánh giá tình hình triển khai Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị đề nghị chủ đầu tư Dự án thành phần 3 khẩn trương triển khai cắm cọc mốc và bàn giao cọc mốc GPMB cho các địa phương (dự kiến hoàn thành việc cắm mốc GPMB vào ngày 27/11/2022). Đây là cơ sở để các địa phương tiến hành kiểm đếm, đo đạc, lập phương án đền bù, hỗ trợ, tái định cư và thông báo thu hồi đất thực hiện dự án.

Đồng chí cũng nêu rõ quan điểm và chỉ đạo: Công tác GPMB dự án này thuộc về trách nhiệm của các địa phương có dự án đi qua. Từ kinh nghiệm của việc triển khai một số dự án trước đó cho thấy, việc phân cấp thực hiện nhiệm vụ GPMB cho các địa phương là hoàn toàn phù hợp và mang lại hiệu quả cao. Các địa phương cần xác định khối lượng công việc và cách làm để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Ngoài triển khai công tác GPMB, vấn đề nhân sự điều hành dự án được tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện. Hiện nay, Ban tỉnh đã dự kiến về nhân sự Ban điều hành Dự án thành phần 3, với thành phần chủ chốt sẽ gồm có 1 giám đốc, 2 phó giám đốc Ban điều hành và 4 thành viên.

Ngoài ra, Ban tỉnh sẽ xem xét bổ sung, tuyển dụng thêm một số cá nhân có năng lực, kinh nghiệm, chuyên môn và chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng để đảm nhận các vị trí trong Ban điều hành nếu cần thiết.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.