Cần sự đột phá thu hút đầu tư
Tác động từ đại dịch COVID-19 đã khiến công tác thu hút đầu tư chịu ảnh hưởng nặng nề trong một thời gian khá dài. Tuy từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023, lĩnh vực này có sự khôi phục trở lại nhưng vẫn chưa được như kỳ vọng.
Những tín hiệu vui
Thời gian qua, công tác xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện thông qua việc tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư trong quá trình thực hiện thủ tục đầu tư, triển khai dự án.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có nhiều DN đầu tư vào các lĩnh vực khác nhau, trong đó có thể kể đến “ông lớn” có tiềm lực là Tập đoàn Xuân Thiện. Ngoài đầu tư dự án điện mặt trời có công suất lớn nhất Đông Nam Á là Cụm nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện - Ea Súp gồm 5 nhà máy với tổng mức đầu tư gần 20.000 tỷ đồng đã đi vào hoạt động, mới đây, Tập đoàn Xuân Thiện đã khởi công Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Xuân Thiện – Cư M'gar tại xã Ea Kpam (huyện Cư M’gar), với tổng mức đầu tư hơn 705 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp hoạt động tại Khu công nghiệp Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột). |
Bên cạnh đó, tháng 3/2023, Công ty Cổ phần Tập đoàn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu đã triển khai xây dựng Dự án nhà máy chế biến trái cây xuất khẩu Chánh Thu Đắk Lắk với công suất 70.000 tấn nguyên liệu/năm, tổng vốn đầu tư hơn 467 tỷ đồng. Đây là dự án mang lại nhiều giá trị cho người nông dân tại địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung. Nhà máy đi vào hoạt động không chỉ góp phần nâng cao giá trị nông sản của khu vực Tây Nguyên mà còn có vai trò quan trọng trong việc nâng cao giá trị và thương hiệu của nông sản Việt Nam khi xuất khẩu đi các quốc gia khác trên thế giới.
“Giai đoạn 2020 - 2025, Đắk Lắk quyết liệt cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, từng bước khẳng định là điểm đến tin cậy và hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhất là lĩnh vực nông nghiệp” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà. |
Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ, trong thời gian qua, đã có nhiều DN tìm đến Đắk Lắk đầu tư vào nông nghiệp. Để có được sự quan tâm đầu tư đó, ngoài các yếu tố về điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ để thu hút đầu tư. Cụ thể, ngoài hành lang pháp lý minh bạch, rõ ràng, các DN còn được hưởng nhiều chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng. Bên cạnh đó, cũng phải khẳng định rằng, nông nghiệp là một trong ba ngành chủ lực của tỉnh nên được sự quan tâm hỗ trợ của cả hệ thống chính trị, từ đó hình thành môi trường đầu tư thuận lợi. Cùng với việc quyết liệt cải thiện về thủ tục, pháp lý, kết cầu hạ tầng trên địa bàn tỉnh đang được đầu tư đồng bộ cũng đã góp phần rất lớn trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất và giao thương của DN. Đặc biệt, tình hình an ninh chính trị của tỉnh được đảm bảo cũng khiến cho các DN yên tâm khi quyết định đầu tư.
Chưa có sự đột phá
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh đã quyết định chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư cho 5 dự án, gồm: Nhà máy cơ khí (tổng vốn đầu tư 30 tỷ đồng, tại Cụm công nghiệp Cư Kuin); Trang trại chăn nuôi heo công nghệ cao Minh Anh (tổng vốn đầu tư 198 tỷ đồng, tại thôn 3, xã Dliê Yang, huyện Ea H'leo); Tổ hợp chế biến nông sản Đắk Lắk (tổng vốn đầu tư hơn 31 tỷ đồng, tại Cụm công nghiệp Krông Búk 1); Trung tâm Dệt - May Veston Đông Nam Á (tổng vốn đầu tư 360 tỷ đồng, tại Cụm công nghiệp Ea Đar, huyện Ea Kar) và dự án Trung tâm chế biến công nghiệp Tây Nguyên (tổng vốn đầu tư là 16,6 tỷ đồng, tại Cụm công nghiệp Ea Ral, huyện Ea H’leo). Bên cạnh đó, có khoảng 50 lượt nhà đầu tư đến tìm hiểu môi trường và cơ hội đầu tư tại tỉnh, trong đó có những nhà đầu tư nhiều tiềm năng như: Công ty Cổ phần Dệt may Liên Phương Highland; Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam; Công ty Cổ phần Shinec; Công ty Cổ phần Vườn thời đại Việt Nam... Ngoài ra, trong tháng 5/2023, Sở đã tiếp nhận 7 dự án xin quyết định chủ trương đầu tư, với tổng số vốn đầu tư hơn 474 tỷ đồng.
Thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp là định hướng của tỉnh Đắk Lắk trong thời gian tới. (Trong ảnh: Chế biến cà phê tại Hợp tác xã Cà phê Ea Tân, huyện Krông Năng). |
Tuy đã có nhiều nỗ lực, nhưng theo đánh giá của UBND tỉnh, công tác thu hút đầu tư thời gian qua vẫn chưa có sự đột phá. Trong 5 tháng đầu năm 2023, chỉ có 5 dự án được phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư, với tổng số vốn đầu tư hơn 635 tỷ đồng, bằng số dự án so với cùng kỳ năm 2022, nhưng tổng số vốn giảm gần 9.350 tỷ đồng. Các dự án thu hút được đều là những dự án có quy mô nhỏ.
Phó Giám Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Hữu Phúc cho rằng, thời gian gần đây, những nhà đầu tư lớn có dấu hiệu "chững lại" khi tìm hiểu cơ hội đầu tư vào tỉnh do vướng cơ chế, chính sách, đặc biệt là về quy hoạch. Để cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ xây dựng kế hoạch nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), đồng thời tổng hợp, đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư có sử dụng đất.
Khả Lê
Ý kiến bạn đọc