Multimedia Đọc Báo in

Thu hút đầu tư có trọng điểm: Hướng khai thác tiềm năng nông nghiệp ở Đắk Lắk

07:57, 28/04/2022

Đắk Lắk có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, việc đầu tư manh mún đã chưa khai thác tốt dư địa ở các lĩnh vực của ngành nông nghiệp. Chính vì vậy, việc tập trung thu hút các dự án nông nghiệp có trọng tâm, trọng điểm được xem là hướng đi bền vững để địa phương nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Ưu tiên cho nông nghiệp công nghệ cao

Đắk Lắk có nền nông nghiệp tương đối phát triển với nhiều thế mạnh về những sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có quy mô lớn, giá trị xuất khẩu cao như: cà phê, cao su, hồ tiêu, trái cây… Để tập trung phát triển nông nghiệp, tỉnh Đắk Lắk đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng và dành nhiều nguồn lực để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển nông nghiệp. Nhờ đó, lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh đã có bước phát triển rõ nét, cụ thể: giá trị sản xuất ngành nông nghiệp năm 2021 xấp xỉ 75 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 1,4 lần so với năm 2015; tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 5,64%/năm, cao hơn 1,5 lần so với bình quân cả nước; đã hình thành và phát triển nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn; chăn nuôi tăng trưởng khá, tổng đàn tăng hàng năm với nhiều mô hình chăn nuôi quy mô lớn phát triển. Những kết quả này cho thấy đây là hướng đi đúng, nhiều triển vọng đưa Đắk Lắk phát triển.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung thăm trang trại sản xuất cà chua trái cây Nova của Công ty Cổ phần Ban Mê Green Farm ở xã Hòa Thuận, TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Vạn Tiếp

Đặc biệt, trong thời gian qua, Đắk Lắk đã triển khai đầy đủ cơ chế, chính sách thu hút đầu tư của Trung ương và địa phương ban hành, đồng thời quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện, kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Nhất là lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, đã kêu gọi đầu tư xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Xuân Thiện Cư M’gar (huyện Cư M’gar) với diện tích 105,5 ha, tổng vốn đầu tư 705,67 tỷ đồng; dự án Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Đắk Lắk tại xã Ea M’Droh (huyện Cư M’gar) với diện tích 45,07 ha, tổng vốn đầu tư 360 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực trồng trọt cũng đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, bước đầu đã thu hút được một số doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất như Công ty TNHH HTV Lâm nghiệp Phước An triển khai trồng 100 ha chuối xuất khẩu; Công ty Cổ phần Cao Su Đắk Lắk đã trồng được trên 100 ha cây mít, sầu riêng theo mô hình nông nghiệp hữu cơ gắn với phát triển bền vững, hình thành chuỗi khép kín, phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu…

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung cho biết, trong những năm qua, kinh tế nông nghiệp luôn chiếm tỷ lệ gần 40% trong cơ cấu phát triển kinh tế của tỉnh. Trên địa bàn tỉnh cũng xuất hiện nhiều mô hình, nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và thực tế đã có nhiều sản phẩm về lĩnh vực này đưa ra thị trường trong nước và quốc tế. Tương lai, nông nghiệp vẫn là vấn đề được tỉnh quan tâm phát triển mang tính bền vững gắn với sự phát triển kinh tế của tỉnh cũng như nâng cao đời sống nhân dân. Đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để phát huy tiềm năng lợi thế, những thế mạnh về nông nghiệp, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế của địa phương. Đắk Lắk tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư đến, tham gia, đồng hành với tỉnh, với người dân địa phương phát triển kinh tế.

Trang trại chăn nuôi heo ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện Cư Kuin.

Khai thác dư địa của lĩnh vực chế biến sâu

Theo Sở NN-PTNT, tổng số cơ sở chế biến sản phẩm nông sản của Đắk Lắk khoảng 500 cơ sở, với nhiều ngành hàng chủ lực như: cà phê, cao su, điều, rau quả, sắn, hồ tiêu... Trong những năm qua, hoạt động chế biến nông sản tương đối ổn định, nhất là giai đoạn 2015 - 2020, có phát triển khá, các sản phẩm nông sản chủ lực hầu hết đạt chỉ tiêu kế hoạch năm và vượt so với kế hoạch năm trước. Do nguồn nguyên liệu bảo đảm, ổn định, các sản phẩm chế biến nông sản được nâng cao cả về số lượng và chất lượng, sản phẩm ngày càng đa dạng hơn, nhiều cơ sở đã được chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP để lưu thông trên thị trường, nhiều sản phẩm đã có thương hiệu và được người dân ngày càng tin dùng.

Từ năm 2010 đến năm 2021, Đắk Lắk đã thu hút được 73 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với tổng số vốn đầu tư 4.350 tỷ đồng. Hiện nay, có 33 dự án đang làm hồ sơ thủ tục đầu tư, với tổng vốn đầu tư khoảng 21.000 tỷ đồng; 109 dự án, khu vực đề xuất kêu gọi thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông lâm thủy sản, với tổng vốn dự kiến khoảng 18.000 tỷ đồng.

Một số doanh nghiệp, nhà máy chế biến nông sản tăng trưởng mạnh, nhất là ngành hàng cà phê, với máy móc thiết bị chế biến được đầu tư với công suất lớn, công nghệ hiện đại như: Nhà máy chế biến cà phê Trung Nguyên; Nhà máy chế biến cà phê của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển An Thái; Nhà máy chế biến cà phê Uy Tín; Nhà máy chế biến cà phê ĐăkCo; Nhà máy chế biến cà phê Mỹ Việt, Nhà máy chế biến cà phê Ngon của Ấn Độ… đang họat động có hiệu quả.

Ngoài ra, lĩnh vực chế biến lâm sản dư địa còn lớn, thu hút phát triển các nhà máy chế biến lâm sản theo hướng tinh chế, hiện đại đưa công nghiệp chế biến thành mũi nhọn kinh tế của ngành. Hiện đã có một số doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gắn với vùng nguyên liệu nhằm tạo thị trường tiêu thụ ổn định cho các cá nhân, doanh nghiệp tham gia trồng rừng, góp phần đẩy mạnh xã hội hóa nghề rừng.

Để xây dựng nguồn nguyên liệu gỗ rừng tự nhiên phục vụ chế biến, thúc đẩy tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, trong thời gian tới, các sở, ngành đang tham mưu UBND tỉnh xây dựng đề án phát triển rừng nguyên liệu gắn với phát triển công nghiệp chế biến lâm sản của tỉnh đến năm 2030, góp phần thúc đẩy công nghiệp chế biến lâm sản phát triển.

Lãnh đạo Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển An Thái giới thiệu các sản phẩm cà phê chế biến sâu cho Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT.

Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT, trong những năm qua, Đắk Lắk đã tích cực kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến để thu mua sản phẩm cho người dân. Đây là giải pháp tích cực nhằm giải quyết vấn đề dư thừa sản phẩm cho người dân. Với nhiều cố gắng, từ năm 2010 đến nay đã có 24 dự án về lĩnh vực chế biến nông lâm sản được UBND tỉnh quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư và 7 dự án đang phê duyệt.

Với sự kiện Hội nghị xúc tiến đầu tư lĩnh vực nông nghiệp Đắk Lắk năm 2022 diễn ra hôm nay (ngày 28/4), tỉnh kỳ vọng đây là dịp để giới thiệu cho nhà đầu tư hiểu rõ tiềm năng, thế mạnh và dư địa của nông nghiệp địa phương, nhất là lĩnh vực chế biến nông, lâm sản để nhà đầu tư nắm rõ thông tin, xem xét việc đầu tư. Đây cũng là dịp để các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài có cơ hội tìm hiểu các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái, chế biến nông lâm thủy sản, dịch vụ vận chuyển, logistics... Đồng thời, thể hiện mong muốn, nguyện vọng và trao đổi, tìm cơ hội hợp tác, đầu tư. Đặc biệt, đây là dịp thể hiện mong muốn, ý chí, quyết tâm của tỉnh Đắk Lắk, Bộ NN-PTNT về tạo đột phá trong phát triển nông nghiệp của tỉnh với thông điệp “Các nhà đầu tư là công dân Đắk Lắk, lợi ích của nhà đầu tư là lợi ích của Đắk Lắk”.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.