Multimedia Đọc Báo in

Giải bài toán thiếu điện: Đáp án không chờ riêng ngành điện

08:17, 19/06/2023

Những ngày qua, thời tiết nắng nóng, tiêu thụ điện tăng vọt khiến nhiều địa phương, nhất là các tỉnh phía Bắc thường xuyên phải cắt điện luân phiên, làm đảo lộn cuộc sống, sinh hoạt của người dân, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nền kinh tế.

Bù đắp nguồn điện thiếu hụt chỉ là tạm thời

Nguyên nhân khiến tình trạng thiếu điện năm nay trở nên nghiêm trọng được cho là do… thời tiết nắng nóng. Theo thông tin từ ngành điện, từ đầu tháng 5, hiện tượng El Nino xuất hiện đã khiến nắng nóng kỷ lục xảy ra ở nhiều địa phương trên khắp cả nước, làm tăng nhu cầu điện sinh hoạt, tỷ lệ điện tiêu thụ tăng 16% so với cùng kỳ năm 2022. Nguồn nước ở các hồ thủy điện về mức nước chết, các tổ máy nhiệt điện liên tục gặp sự cố vì quá tải.

Để bù đắp nguồn điện thiếu hụt, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản (TKV) và các bộ, cơ quan có liên quan thực hiện một số giải pháp cấp bách để bổ sung nguồn điện từ các nguồn nhiệt điện. Thế nhưng tình trạng thiếu hụt nguồn điện vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, việc cắt điện để đảm bảo an toàn cho hệ thống vẫn diễn ra ở nhiều nơi.

Phải nói rằng, tình trạng thiếu điện không phải là vấn đề gì mới và đã được cảnh báo thường xuyên. Chỉ đến năm nay, khi thời tiết có những biến đổi bất thường thì vấn đề này mới lại bộc lộ rõ rệt. Điều này cho thấy những bất cập trong việc xây dựng hay nói đúng hơn là chưa có những kịch bản ứng phó phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội cũng như những thay đổi bất thường của thời tiết.

Trong bối cảnh hiện nay, những nỗ lực bù đắp nguồn điện thiếu hụt của ngành điện cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Bởi biến đổi khí hậu đang ngày càng diễn ra một cách khốc liệt và khó lường nên hệ thống thủy điện chắc chắn sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn trong thời gian tới. Trong khi đó, các nguyên nhiên liệu hóa thạch phục vụ sản xuất điện như than đá, dầu khí đang ngày càng khan hiếm và có giá mua cao.

Cán bộ Công ty Điện lực Đắk Lắk tuyên truyền về tiết kiệm điện cho học sinh Trường THCS Đoàn Thị Điểm (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Hương Cẩm

Quan trọng vẫn là ý thức sử dụng điện tiết kiệm

Trong khi chờ đợi sự bù đắp bền vững từ các nguồn điện tái tạo (điện gió, điện năng lượng mặt trời) thì giải pháp được xem là lâu dài, bền vững sẽ là sử dụng điện tiết kiệm, hợp lý. Điều này sẽ chỉ thực hiện được khi mà ý thức của mỗi cá nhân về sử dụng điện tiết kiệm, hợp lý được nâng lên. Theo tính toán, nếu bóng đèn ghi 40 watt và bật trong một giờ, nó sẽ tiêu thụ 0,04 kWh và ngược lại, nếu tắt trong một giờ sẽ tiết kiệm được 0,04 kWh. Đó là năng lượng tiêu tốn đối với các bóng đèn sợi đốt thông thường, các bóng đèn tiết kiệm điện ngày nay thường sử dụng năng lượng ít hơn 25 - 80% so với bóng đèn sợi đốt truyền thống. Như vậy, chỉ riêng đối với điện chiếu sáng cũng đã giảm lượng tiêu thụ điện năng rất nhiều nếu được sử dụng hợp lý. Nếu mọi người đều có ý thức sử dụng hợp lý những thiết bị tiêu thụ điện năng lớn hơn như máy điều hòa nhiệt độ, quạt, các thiết bị nghe nhìn… thì sẽ giảm đáng kể sản lượng điện tiêu thụ.

Trước tình trạng thiếu điện, mới đây UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện những giải pháp tăng cường tiết kiệm điện và đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định trên địa bàn tỉnh trong mùa khô và năm 2023. Theo đó, bên cạnh những yêu cầu về tiết kiệm điện tại cơ quan, công sở, tòa nhà, văn phòng, trường học, trung tâm đào tạo, trung tâm thương mại, cơ sở dịch vụ, cơ sở công nghiệp, cơ sở sản xuất, hệ thống chiếu sáng giao thông, công cộng... thì một trong những nội dung quan trọng là UBND tỉnh cũng đề cao việc tiết kiệm điện xuất phát từ mỗi cá nhân. Cụ thể, UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, đoàn thể, các cơ quan thông tấn, báo chí và chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố phổ biến, quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phải thực hiện tiết kiệm điện.

Và mới đây nhất, vào ngày 8/6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo, trong đó đáng chú ý là mục tiêu phấn đấu hằng năm tiết kiệm tối thiểu 2,0% tổng điện năng tiêu thụ. Để đạt được mục tiêu này, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu mọi tổ chức, cá nhân nghiêm túc, quyết liệt thực hiện triển khai việc tiết kiệm điện và đưa ra giải pháp cụ thể trong việc thực hiện tiết kiệm điện tại cơ quan, công sở; trong chiếu sáng công cộng, chiếu sáng cho mục đích quảng cáo, trang trí ngoài trời; tại các hộ gia đình; tại các cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ và tiết kiệm điện tại doanh nghiệp sản xuất...

Có thể khẳng định bên cạnh nỗ lực của ngành điện và các cơ quan có thẩm quyền, việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả được xem là giải pháp quan trọng, cấp bách nhằm tiếp tục duy trì ổn định an ninh năng lượng, phát triển bền vững, tăng trưởng kinh tế đất nước trong thời gian tới.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.