Multimedia Đọc Báo in

Những đảng viên tiên phong chuyển đổi cây trồng

08:19, 08/06/2023

Xã Yang Mao (huyện Krông Bông) có gần 80% dân số là đồng bào dân tộc Êđê, M’nông. Lâu nay nông dân trên địa bàn xã vẫn duy trì lối canh tác cũ, lạc hậu nên năng suất cây trồng thấp, hiệu quả kinh tế không cao; tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm trên 40%.

Trước tình trạng đó, để thuyết phục bà con chuyển đổi cây trồng, nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế, nhiều đảng viên là người dân tộc thiểu số trên địa bàn xã đã tiên phong, đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trở thành những hình mẫu trong làm ăn kinh tế được nhiều bà con học tập, làm theo.

Sau một thời gian trăn trở lựa chọn cây gì mang lại hiệu quả kinh tế cao để trồng xen với 2 ha cà phê, năm 2017, ông Y Nguyên Byă (buôn Kiều), Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Yang Mao quyết định trồng xen gần 100 cây mắc ca vào vườn cà phê. Sau đó mỗi năm ông đều trồng xen thêm vào vườn từ 50 - 100 cây mắc ca. Năm 2022, số cây mắc ca trồng đầu tiên đã cho thu bói, mang về lợi nhuận hơn 20 triệu đồng. Đến nay vườn cà phê 2 ha của gia đình ông đã có 450 cây mắc ca được trồng xen, dự kiến sản lượng sẽ tăng gấp 3 lần.

Hơn 200 cây mắc ca trồng xen vườn cà phê của gia đình ông Y Nguyên Byă (buôn Kiều), Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Yang Mao đã bước vào thời kỳ kinh doanh.

Thấy được hiệu quả từ vườn cây mắc ca trồng xen của gia đình ông Y Nguyên, năm 2022 và đầu năm 2023, hàng chục hộ dân trong các buôn Kiều, buôn Hằng Năm học theo, trồng mới hơn 5.000 cây mắc ca. Ông Y Nguyên chia sẻ: “Người dân trong buôn tuy còn nghèo nhưng không muốn trồng thêm các loại cây trồng mới khi chưa thấy hiệu quả. Vì vậy, muốn tuyên truyền, vận động cho họ thay đổi thì phải có người làm trước, làm mẫu. Khi họ đã mắt thấy, tai nghe về hiệu quả thì họ sẽ bắt chước làm theo”.

Bắp lai và cây sắn chiếm phần lớn diện tích trong 2.747 ha đất canh tác hằng năm của bà con xã Yang Mao. Mấy năm nay, dù giá cả các loại nông sản này bấp bênh, nhiều gia đình làm ít lãi, thậm chí không có lãi song họ vẫn không muốn thay đổi cây trồng khác. Trăn trở với việc thay thế cây gì đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, giúp bà con thoát nghèo, anh Y Phú Êban (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra - cán bộ tổ chức Đảng ủy xã Yang Mao) quyết định trồng thử nghiệm 1 ha cây bắp bố mẹ (N12); đồng thời vận động một số hộ trong buôn Kiều cùng làm với tổng diện tích 14,5 ha. Từ 1 ha cây bắp bố mẹ trồng 2 vụ/năm, gia đình anh thu được 120 triệu đồng; sau khi trừ hết chi phí còn lãi 90 triệu đồng.

Khi tận mắt nhìn thấy việc trồng, chăm sóc bắp bố mẹ mà gia đình anh Phú và một số hộ làm không khó so với trồng bắp lai thường mà lợi nhuận kinh tế cao gấp nhiều lần nên vụ thứ hai đã có hàng chục hộ tham gia trồng với diện tích bắp bố mẹ đã tăng lên 40 ha. Theo thống kê, vụ hè thu năm nay đã có nhiều gia đình trong các buôn trồng loại bắp này với diện tích ước hơn 70 ha.

Bí thư chi bộ Y Bhí Mdrang (buôn Mnăng Tar) là một trong những người đầu tiên trồng cây thuốc lá ở Yang Mao.

Cây thuốc lá đã được trồng ở nhiều địa phương trong huyện Krông Bông, hiệu quả kinh tế cao nhưng là cây mới xuất hiện ở xã Yang Mao nên việc vận động bà con trồng để thay thế cây sắn, cây bắp lai kém hiệu quả vẫn gặp nhiều khó khăn. Nhiều bà con cho rằng, trồng cây thuốc lá tốn nhiều công, kỹ thuật chăm sóc phức tạp, ảnh hưởng sức khỏe… Để người dân trong buôn tin tưởng làm theo, gia đình ông Y Bhi Mdrang, Bí thư Chi bộ buôn Mnăng Tar và 7 gia đình khác trong buôn đầu tư trồng 4,7 ha cây thuốc lá, thay thế diện tích cây sắn và bắp lai kém hiệu quả. Đến thời điểm này, cây thuốc đang cho thu hoạch, sản lượng và chất lượng tốt. Điển hình như gia đình anh Y Dim Niê, buôn đội trưởng buôn Mnăng Tar chuyển đổi 8 sào đất trồng bắp lai để trồng cây thuốc lá; hiện gia đình mới thu hoạch sơ bộ nhưng đã xuất bán thu về 60 triệu đồng. So với trồng bắp lai, trồng cây thuốc lá ước tính lợi nhuận tăng từ 2 - 3 lần.

Huyện ủy Krông Bông đã ban hành Nghị quyết 04-NQ/HU về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025, song trên thực tế việc chuyển đổi cây trồng ở các địa phương vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn. Việc cán bộ, đảng viên là người dân tộc thiểu số gương mẫu, đi đầu trong chuyển đổi cây trồng ở xã Yang Mao đang là hình mẫu tốt, có tác dụng tuyên truyền, vận động rất lớn để nghị quyết của Huyện ủy phát huy hiệu quả trong thực tế tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.