Multimedia Đọc Báo in

Những nông dân năng động làm giàu ở buôn làng

08:22, 30/06/2023

Nhờ cần cù, chịu khó, sáng tạo trong lao động, nhiều nông dân đã vươn lên trở thành người sản xuất, kinh doanh tốt, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

Đưa buôn làng cùng phát triển

Già làng Y Djăk Ayun (tên thường gọi là Ama Khoen) ở buôn Ayun, xã Ea Kuêh (huyện Cư M’gar) được người dân nơi đây nhắc đến như một tấm gương vượt khó trong lao động sản xuất, giúp đỡ người dân cách làm kinh tế, xây dựng buôn làng ngày càng phát triển, văn minh.

Già làng Y Djăk Ayun (buôn Ayun, xã Ea Kuêh, huyện Cư M’gar) chăm sóc cây sầu riêng tại vườn nhà.

Dù năm nay đã qua tuổi 70 nhưng ông Y Djăk vẫn chăm sóc 1 ha rừng tếch, hơn 1 ha cà phê xen canh với tiêu, cây ăn trái, kết hợp đào ao nuôi cá để làm gương cho con cháu, người dân học tập, noi theo. Ông tâm sự rằng, còn sức khỏe là còn làm; làm để ổn định kinh tế gia đình, làm để noi gương cho con cháu, buôn làng. Bởi trước đây cuộc sống nơi này rất khó khăn, làm không đủ ăn; nhưng nay đã được Đảng và Nhà nước hỗ trợ xây dựng đường, trường, cơ sở vật chất để phát triển kinh tế. Thế nên, bản thân mỗi người dân cần phải cố gắng, nỗ lực tận dụng các lợi thế này làm ăn. Học theo già làng Y Djăk, nhiều người trong buôn giờ đã biết làm kinh tế, không chỉ trồng cà phê, tiêu mà còn phát triển thêm vườn cây ăn trái, mở rộng chăn nuôi… Nhờ vậy, đời sống các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đang từng bước được cải thiện, cùng nhau xây dựng nông thôn mới.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông còn là tấm gương sáng về lối sống, đạo đức, được người dân quý mến. Với vai trò là người có uy tín của buôn, già làng Y Djăk luôn hết mình giúp đỡ bà con, cùng với chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, vận động người dân chung tay xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần thay đổi bộ mặt buôn làng.

Nhận xét về già làng Y Djăk, bà H’Ruê Ayun, Phó Bí thư Đảng bộ xã Ea Kuêh bày tỏ sự kính trọng và ghi nhận sự tận tụy của ông dành cho buôn làng. Không chỉ đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình mà ông còn là “cầu nối” đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân, cùng xây dựng buôn làng ngày càng phát triển, giàu đẹp.

Chủ động, sáng tạo trong sản xuất

Ông Y Neo Niê Kdăm là Phó Chủ tịch HĐND xã Ea Hiao (huyện Ea H’leo), đồng thời cũng là một người nông dân năng động, tiêu biểu trong phát triển kinh tế.

Gia đình ông Y Neo hiện đang có 3,5 ha cà phê thuần, 1,5 ha cà phê xen canh với 250 cây mắc ca và 1.500 trụ tiêu, cùng một số loài cây ăn trái khác. Hằng năm, ông thu được 7 tấn cà phê, 1 tấn tiêu và hơn 1 tấn hạt mắc ca…, tổng thu nhập hơn 600 triệu đồng. Ông Y Neo kể: Trong một dịp tham quan, học tập kinh nghiệm ở tỉnh Lai Châu, tình cờ thấy bà con ở đây trồng cây mắc ca đem lại hiệu quả kinh tế cao nên ông đã trồng thử nghiệm 50 cây mắc ca thực sinh xen canh trong vườn cà phê. Nhận thấy cây mắc ca phù hợp, sinh trưởng tốt và có thu nhập đáng kể nên ông tiếp tục nghiên cứu, trồng thêm loài cây này xen canh trong vườn nhà. Khi đã trồng thành công, ông Y Neo tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm cho bà con trong buôn Kra, trong xã Ea Hiao cùng làm, cùng phát triển.

Cùng buôn, cùng xã với ông Y Neo còn có ông Ksơr Y Trới, là một trong những hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, biết đa dạng các loài cây trồng, vật nuôi trong vườn nhà để mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Ngoài mô hình trồng đa cây trên một diện tích, ông còn mạnh dạn đầu tư chuồng trại, nuôi thường xuyên từ 12 - 16 con bò để tăng gia sản xuất; mỗi năm xuất bán từ 6 - 8 con bò thịt, giúp gia đình có thu nhập ổn định.

Ông Ksơr Y Trới thăm đàn bò gia đình chăn nuôi.

Ông Y Trới cho biết, năm 2018, ông đã mạnh dạn tái canh lại vườn cà phê già cỗi và trồng xen thêm cây sầu riêng, mắc ca... Ông còn đầu tư nuôi bò và tận dụng phân ủ để bón cho cây trồng, vừa giảm chi phí chăm sóc, bón phân mà chất lượng cây, trái đều tăng… Mỗi năm, từ mô hình trồng đa cây kết hợp với chăn nuôi bò, gia đình ông Y Trới có thu nhập trên 200 triệu đồng.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.