Multimedia Đọc Báo in

Tập trung tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp

19:19, 05/06/2023

Chiều 5/6, UBND tỉnh tổ chức Phiên họp thường kỳ tháng 5 nhằm đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh trong quá trình thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội tháng 5, triển khai nhiệm vụ tháng 6/2023. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì phiên họp.

Tham dự phiên họp có các đồng chí: Võ Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; H’Yim Kđoh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan.

Theo báo cáo tại phiên họp, trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển ổn định.

Cụ thể: Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5 ước tăng 7,66% so với tháng trước; chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm ước tăng 9,46% so với cùng kỳ năm 2022.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 5 ước đạt hơn 8.952 tỷ đồng, tăng 4,2% so với tháng trước; lũy kế 5 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt hơn 42.408 tỷ đồng, tăng 6,78% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 44,5% kế hoạch.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì phiên họp.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì phiên họp.
 
Trong tháng có 119 doanh nghiệp thành lập mới, lũy kế 5 tháng đầu năm, có 590 doanh nghiệp thành lập mới, bằng 35,3% kế hoạch, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2022. 

Các hoạt động văn hóa, thể thao, tuyên truyền được duy trì, đáp ứng nhu cầu của nhân dân; an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm thực hiện. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh phát biểu tại phiên họp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh phát biểu tại phiên họp.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong tháng 5/2023 và 5 tháng đầu năm vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: dịch COVID-19 có xu hướng bùng phát trở lại; dịch bệnh trên gia súc, thiên tai xảy ra tại một số địa bàn làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, đời sống của người dân; giá trị kim ngạch xuất, nhập khẩu, thu ngân sách nhà nước giảm so với cùng kỳ năm trước (trong tháng 5/2023, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện hơn 492 tỷ đồng; lũy kế 5 tháng ước thực hiện hơn 3.413 tỷ đồng, bằng 45,96% dự toán Trung ương giao và 33,8% dự toán HĐND tỉnh giao, giảm gần 13% so với cùng kỳ năm 2022); thu hút đầu tư chưa có nhiều đột phá; giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp; các vụ vi phạm pháp luật, trật tự an toàn xã hội còn xảy ra trên một số địa bàn.

Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư đóng góp ý kiến tại phiên họp.
Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư đóng góp ý kiến tại phiên họp.

Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị đề nghị các sở, ngành, địa phương cần rà soát lại chương trình công tác của UBND tỉnh để chủ động thực hiện các nhiệm vụ tiếp theo. Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp, người dân đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh trong điều kiện khó khăn hiện nay. 

Bên cạnh đó, cần tập trung giải ngân vốn đầu tư công và triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia; tích cực triển khai các giải pháp thu ngân sách; đẩy mạnh tiến độ tiêm vắc xin COVID-19 và mua sắm trang thiết bị ngành y tế; chú trọng công tác kiểm soát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm; tập trung triển khai các dự án giao thông trọng điểm; đầu tư phát triển du lịch, đặc biệt là các sản phẩm du lịch truyền thống…

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.