Bao giờ doanh nghiệp hết “ngại”
Sau thời gian chống chọi với đại dịch COVID-19, kinh tế nói chung, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) nói riêng phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có. Trong bối cảnh đó, DN rất cần sự đồng hành, chia sẻ của các cấp, các ngành, nhưng có một thực tế là họ rất "ngại" phản ánh những khó khăn, vướng mắc của mình.
Theo số liệu của UBND tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh có 655 DN giải thể, tạm ngừng hoạt động (85 DN giải thể và 570 DN tạm ngừng hoạt động), tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh đó, vốn điều lệ đăng ký của các DN cũng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2022 (giảm 32,6%). Những con số này cho thấy tình hình DN trên địa bàn tỉnh đang khó khăn đến mức nào.
Công nhân làm việc tại một doanh nghiệp ở Cụm công nghiệp Tân An. Ảnh: Minh Thông |
Trong giai đoạn hiện nay, những khó khăn, thách thức lớn nhất mà DN đang phải đối mặt có thể kể đến: Khó khăn về đơn hàng; tiếp cận vốn vay; thực hiện thủ tục hành chính và đáp ứng các quy định của pháp luật... Điều này rất rõ, nhưng để nói lên những khó khăn đó và nhận được sự đồng hành, sẻ chia của cơ quan có thẩm quyền lại là câu chuyện dài. Nói cái gì? Nói với ai? Nói như thế nào? Giải quyết ra sao?... là những câu hỏi thường gặp của DN khi "vướng" một vấn đề gì đó. Điều này phần nào đã thể hiện rõ ở Chỉ số PCI năm 2022 của tỉnh Đắk Lắk rất thấp khi DN đã “nói thật” mà không sợ “đụng chạm”. Bởi một trong những căn cứ để xây dựng Chỉ số PCI là dựa trên việc khảo sát cộng đồng DN về công tác điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố có liên quan đến sự phát triển của DN thông qua nguồn điều tra, khảo sát bằng thư.
Hay như một trong những "kênh" phổ biến và dễ chuyển tải nguyện vọng của DN đến cơ quan chức năng nhất là báo chí, nhưng DN vẫn rất e dè khi nói lên tiếng nói của mình. Biểu hiện rõ nhất là việc họ có thể trao đổi rất thật, rất thẳng thắn với phóng viên những khó khăn, vướng mắc của mình trong quá trình sản xuất, kinh doanh, nhưng khi đặt vấn đề đưa những thông tin ấy lên báo chí thì DN lại rất "ngại" vị sợ “đụng chạm”.
Bên cạnh sự thiếu mạnh dạn của DN, một nguyên nhân sâu xa có thể bắt nguồn từ cách ứng xử, xử lý của cơ quan chức năng. Trên thực tế đã có không ít DN sau khi phản ánh thẳng thắn những vấn đề của mình liên quan đến một cơ quan chức năng cụ thể nào đó, không những không được tháo gỡ mà họ còn phải nhận lại cách hành xử “thiếu thân thiện”. Phổ biến hơn là cách xử lý “hời hợt” dẫn đến sự “chán nản” của DN. Chẳng hạn như trước khi thực hiện một hoạt động sản xuất, kinh doanh, nếu không biết chắc chắn liệu có được phép thực hiện hay không, hay phải tuân thủ quy định gì, DN sẽ gửi công văn xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, hiện tượng các cơ quan có thẩm quyền không hồi âm hoặc không trả lời thẳng vào câu hỏi của DN mà trích dẫn một loạt các quy định pháp luật và kết luận theo hướng DN tự đọc các quy định đó để nhận biết các thủ tục thực hiện, và như thế gần như không giúp gì cho DN trong việc nhận biết, thực hiện đúng các quy định. Đối với DN, thời cơ chính là một trong những yếu tố dẫn đến thành công, nhưng khi phải chờ hay nhận những trả lời dạng như vậy thì hầu như có thể đã quá muộn để có thể thực hiện dự định của mình.
Những khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN đã thể hiện rõ qua số liệu DN tạm dừng hoạt động hay đóng cửa nhiều chưa từng có, tốc độ tăng trưởng tín dụng giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh những nhân tố chủ quan như khả năng thích nghi, năng lực quản trị… của DN, yếu tố đáng lo ngại hơn cả là trong khi sức DN yếu đi thì rủi ro trong kinh doanh do sự thiếu đồng bộ của các quy định, thiếu nhất quán, quyết liệt trong thực thi và cả tâm lý e dè, ngần ngại của nhiều công chức khiến chúng ta phải suy ngẫm và cơ quan chức năng cần cấp bách hành động.
Muốn kinh tế phát triển thì DN phải phát triển. Và muốn vậy, bên cạnh nỗ lực của DN thì các cơ quan có thẩm quyền phải “kề vai sát cánh” với DN, chia sẻ khó khăn, đồng hành với DN một cách thực chất hơn nữa, phải thực sự lấy DN làm trung tâm phục vụ. Quan trọng hơn là phải làm sao để DN mạnh dạn nói lên tiếng nói của mình để từ đó có những quyết sách phù hợp.
Mới đây, UBND tỉnh đã quyết định thành lập 4 tổ công tác tại các cơ quan, đơn vị, địa phương do ba đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư làm tổ trưởng để tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời những "điểm nghẽn" trong công tác giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh. Đây có thể xem là một trong những động thái cần thiết, kịp thời của UBND tỉnh để tháo gỡ khó khăn cho DN. Thiết nghĩ, trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, cần có nhiều hơn những tổ công tác như thế để DN có điều kiện trực tiếp nói lên những khó khăn, vướng mắc của mình và những tổ công tác đó phải làm sao để những khó khăn, vướng mắc của DN sớm được giải quyết một cách kịp thời, thỏa đáng.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc