Multimedia Đọc Báo in

Dọc dài những phố cà phê

09:04, 28/07/2023

Buôn Ma Thuột là vùng đất gắn với bề dày lịch sử hơn 100 năm phát triển cây cà phê. Bởi vậy, ở nơi đây không chỉ có trồng mà cà phê còn là một thức uống rất đỗi quen thuộc và không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của nhiều người, với cách thưởng thức cà phê mang đậm chất riêng của xứ sở cà phê.

Đa dạng “gu” thưởng thức

Có người ví von rằng: ở Buôn Ma Thuột, nếu một ngày đi uống một quán cà phê thì cả năm cũng chưa đi hết các quán. Quả đúng là như vậy. Không có thành phố nào mà mật độ quán cà phê dày như ở đây. Mỗi quán một phong cách, từ truyền thống đến hiện đại hoặc mang đậm bản sắc văn hóa của vùng Tây Nguyên. Việc mời nhau đi uống cà phê mỗi sáng là một nét văn hóa rất đặc trưng của vùng đất này… Đây luôn là nét thú vị, thu hút đối với du khách đến với thành phố cao nguyên lộng gió, thơm mùi hương cà phê.

Các quán cà phê ở Buôn Ma Thuột hầu hết đều được đầu tư khá bài bản và có những phong cách riêng nhất định phù hợp với “gu” thưởng thức của từng đối tượng. Trước hết phải kể đến những quán mang thương hiệu lớn của cà phê Đắk Lắk như: Làng cà phê Trung Nguyên, Bảo tàng cà phê Trung Nguyên, Cà phê An Thái… Nơi đây được xem như “bảo tàng” cà phê thu nhỏ dành cho những du khách trong nước và quốc tế khi đến thủ phủ cà phê Buôn Ma Thuột để tham quan, tìm hiểu các loại dụng cụ, máy pha cà phê độc đáo và trải nghiệm nhiều cách pha chế, văn hóa thưởng thức cà phê khác nhau… Tiếp đến là những quán cà phê với không gian đậm chất văn hóa của đồng bào Êđê, từ kết cấu nhà dài cho đến các dụng cụ trưng bày như Cà phê Arul. Đến đây, du khách sẽ được thưởng thức ly cà phê đúng chất Buôn Ma Thuột và tìm hiểu về đời sống, nét văn hóa thú vị của người Êđê. Bên cạnh đó, các quán cà phê cũng bắt nhịp với trào lưu check in của giới trẻ nên đã đầu tư nhiều cho việc bài trí theo những phong cách khác nhau.

Du khách thưởng thức cà phê và trải nghiệm văn hóa ở buôn Akô Dhông (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Nguyễn Gia

Song song với những quán mang hơi hướng hiện đại, đầu tư quy mô thì trong lòng từng con phố, những quán lâu đời như cà phê: Bâng Khuâng, Rainy, Văn... với không gian thoáng đãng, dòng nhạc trữ tình xưa, vẫn là nơi tìm đến của khách quen, khách tri kỷ. Với người dân ở Buôn Ma Thuột, những quán này như một kỷ niệm, nhiều người đi xa trở về vẫn ghé thăm và nhâm nhi hương vị cà phê mộc quen thuộc một thời, để lắng lòng với những cảm xúc riêng hay đơn giản chỉ là muốn tìm một chút dư vị của Buôn Ma Thuột xưa giữa lòng phố thị ngày nay.

Cho dù với phong cách nào, phân khúc cho khách hàng nào thì ở các quán, thức uống cà phê vẫn là chủ đạo. Trước đây ở Buôn Ma Thuột, người ta thường dùng cà phê pha phin, nhiều người hiện vẫn cho rằng đây là cách thưởng thức cà phê thú vị nhất, vừa nghe nhạc nhẹ nhàng, vừa đếm những giọt cà phê rơi chậm rãi. Hiện nay, để bắt nhịp với phong cách thưởng thức cà phê của thế giới, hầu hết các quán đều đầu tư máy móc để pha chế theo các kiểu: Espresso, Latte, Capuchino, Americano… Tuy nhiên, đặc trưng của các quán cà phê ở Buôn Ma Thuột, cà phê thường được pha rất đặc, tùy theo “gu” mà uống không đường hoặc thêm đường/sữa, đá lạnh nên khách uống cà phê mang tính chất thưởng thức nhiều hơn giải khát.

 Vóc dáng “Thành phố cà phê của thế giới”

Buôn Ma Thuột đang trong lộ trình xây dựng “Thành phố cà phê của thế giới” và để tạo dựng nên vóc dáng thành phố ấy, các quán cà phê đặc sản đã ra đời, bắt kịp với “làn sóng cà phê thứ ba của thế giới”, như: Quán cà phê Simexco - Không gian cà phê đặc sản (số 1 đường Ngô Quyền); quán Soul Roastery Coffee (số 87 đường Nguyễn Khuyến); quán Daklac Coffee (số 124 đường Lý Thường Kiệt); quán Banka coffee (số 102 đường Văn Tiến Dũng)… Tại đây, thực khách sẽ được thưởng thức các loại cà phê đặc sản của Việt Nam, từng được mang đi tham dự những hội thi cà phê đặc sản thế giới, theo nhiều kiểu pha chế khác nhau. Đặc biệt, các quán đều có đội ngũ rang xay và pha chế chuyên nghiệp để mang lại cho người uống ly cà phê tuyệt hảo từ hạt cà phê Robusta ngon nhất thế giới, với hương vị đầy đặn của vị chua vừa phải, vị đắng hậu ngọt và nồng nàn hoa, trái của miền nhiệt đới…

Các tín đồ cà phê đã so sánh, nếu các quán: Simexco, Daklac Coffee, Banka coffee trung thành với hương vị cà phê đặc sản rang mộc nguyên bản thì Soul Roastery Coffee lại đột phá trong phương pháp chế biến và pha phế để mang đến những sự đổi mới, sáng tạo trong mỗi sản phẩm cho các tín đồ đam mê cà phê. Đơn cử như: cà phê đặc sản ngâm Cold Brew được lên men từ rượu cần, với các mùi vị chính là nếp, mạch nha, lúa mạch và táo tàu; cà phê đặc sản pha Brewing với hương vị chanh dây, lúa mạch, hạt thông và mật ong hay mùi vị trái cây nhiệt đới như thảo mộc, chuối sấy và mật thơm… Với phong cách thiết kế hiện đại, không gian thoáng đãng yên tĩnh, âm nhạc lãng mạn cùng cà phê ngon và bánh thơm là một điểm đến đang thu hút nhiều tầng lớp khách hàng trong và ngoài Buôn Ma Thuột.

Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột chia sẻ: Cà phê Buôn Ma Thuột vốn dĩ đã mang những giá trị khác biệt, với hương vị độc đáo mà ít vùng đất nào trên thế giới có được. Chính vì vậy, sự xuất hiện những quán cà phê dùng chính sản phẩm cà phê đặc sản, cà phê chất lượng cao của Đắk Lắk - Việt Nam đã kết nối được người tiêu dùng với sản phẩm cà phê thượng hạng, góp phần quảng bá cho mọi người biết rằng cà phê của Buôn Ma Thuột, của Việt Nam ngon không thua các loại cà phê nổi tiếng của thế giới. Điều này sẽ tạo được sự quan tâm, chú ý của người tiêu dùng, du khách trong và ngoài nước. Đây là một bước tiến trong xây dựng hình ảnh “Thành phố cà phê của thế giới”, khi du khách đến Buôn Ma Thuột sẽ không khó để tìm cho mình một ly cà phê ngon của thế giới giữa lòng thành phố, với hương vị hợp “gu”. Cùng với đó, phải biến Buôn Ma Thuột thành nơi tổ chức các hoạt động, sự kiện mang tính văn hóa, tiêu dùng cà phê trong và ngoài nước xuyên suốt trong năm như các cuộc thi: cà phê đặc sản Việt nam, rang xay cà phê, thử nếm và pha chế cà phê… Qua đó sẽ kết nối được “cộng đồng cà phê” với “cộng đồng không phải cà phê” và hình ảnh “Thành phố cà phê của thế giới” sẽ hình thành trong tâm trí của du khách và sẽ là điểm đến không thể bỏ qua khi đến với Việt Nam, với Tây Nguyên.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.