Multimedia Đọc Báo in

Giải ngân vốn đầu tư công: Để “điểm sáng” thành “luồng sáng”

09:30, 05/07/2023

Được xác định là một trong ba động lực tăng trưởng chính sau đại dịch COVID-19, đầu tư công có vai trò then chốt thúc đẩy tăng trưởng và là cú hích cho nền kinh tế.

Thế nhưng trên thực tế, hiệu quả đầu tư công không được như kỳ vọng vì tốc độ giải ngân vốn rất chậm. Tình trạng “có tiền không dùng được” đang làm “đau đầu” các nhà quản lý.

Năm 2023, tổng vốn từ ngân sách nhà nước dành cho đầu tư phát triển được bố trí ở mức rất cao, lên đến 726.700 tỷ đồng, chiếm 35% tổng chi ngân sách nhà nước.

Theo thông tin từ Bộ Tài chính, đến ngày 30/6, tỷ lệ giải ngân của cả nước đạt hơn 30% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Hiện đã có 9 bộ, cơ quan Trung ương và 32 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 30% kế hoạch; trong khi 39 bộ, cơ quan Trung ương và 12 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đạt dưới 20% kế hoạch. Đặc biệt, có 5 bộ, cơ quan Trung ương chưa giải ngân số kế hoạch vốn được giao.

Lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Cư Kuin kiểm tra tiến độ thi công công trình nâng cấp, sửa chữa đường giao thông liên xã Ea Bhốk đi buôn Bưk Prông, xã Ea Ning. Ảnh: Khả Lê

Riêng Đắk Lắk, tổng kế hoạch đầu tư công năm 2023 ngân sách tỉnh quản lý để thực hiện dự án là gần 5.294 tỷ đồng, đến ngày 20/6 đã giải ngân hơn 1.033 tỷ đồng (bằng 21,3%). Mặc dù tốc độ giải ngân của Đắk Lắk đã được cải thiện hơn so với cùng kỳ năm 2022, nhưng kết quả thực hiện chưa đảm bảo theo kế hoạch đề ra. Trong bối cảnh chung như vậy, nhưng trên địa bàn tỉnh vẫn có những "điểm sáng" nhất định về giải ngân vốn đầu tư công, nổi bật như: Sở Nội vụ (đã giải ngân trên 97%); Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (77,52%); thị xã Buôn Hồ (70,6%), huyện Cư Kuin (trên 70%), Krông Ana gần (61%) và Cư M’gar (đã giải ngân 54,8%).

Điều dễ nhận thấy ở những “điểm sáng” này là sự vào cuộc một cách quyết liệt của cả hệ thống để triển khai đồng bộ các giải pháp phù hợp, kịp thời nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo đến thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng kế hoạch giải ngân cụ thể từng dự án và có lộ trình thời gian hoàn thành, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Cùng với đó, công tác kiểm tra, đôn đốc nhà thầu thi công đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ và có biện pháp xử lý khi nhà thầu vi phạm tiến độ thi công theo quy định trong hợp đồng, kịp thời hỗ trợ giải quyết khó khăn cho nhà thầu… cũng được quan tâm đúng mức.

Điều này cho thấy việc giải ngân vốn đầu tư công không phải là khó khăn đến mức không thể thực hiện được. Những “điểm nghẽn” trong hoạt động đầu tư công đã được hệ thống lại một cách đầy đủ thành ba nhóm liên quan đến: thể chế, chính sách; công tác tổ chức thực hiện và nhóm khó khăn đặc thù. Đương nhiên mỗi ngành, mỗi địa phương có những đặc điểm riêng và việc so sánh giữa ngành này với ngành khác, địa phương này với địa phương khác chỉ mang tính tương đối. Thế nhưng nếu xem những “điểm nghẽn” trên là khó khăn thì cũng là khó khăn chung cho tất cả các ngành, địa phương, nhất là ở nhóm “thể chế, chính sách”. Có riêng chăng nữa thì cũng chỉ ở nhóm “khó khăn đặc thù”, mà nhóm này thường xuất hiện nhiều hơn ở các ngành. Như vậy, kết quả giải ngân vốn đầu tư công cao hay thấp, tốt hay xấu, tựu trung lại sẽ nằm ở nhóm “công tác tổ chức thực hiện”.

Nhận diện rõ những “điểm nghẽn” đó, ngày 23/3/2023, Chính phủ đã có Chỉ thị số 08/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Bên cạnh tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đề cao trách nhiệm, nêu gương người đứng đầu. Tăng cường phối hợp giữa các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương, đơn vị, bảo đảm hiệu quả, làm việc nào dứt điểm việc đó, không để kéo dài, gây ách tắc, lãng phí nguồn lực…

Có thể nói, giải ngân vốn đầu tư công là yêu cầu vừa mang tính cấp bách, vừa có ý nghĩa chiến lược và cũng là nhiệm vụ trọng tâm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn... Với mục tiêu phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 trên 95% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao là hết sức nặng nề. Từ nay đến cuối năm thời gian không còn nhiều, để đạt được mục tiêu này cần nhiều hơn những “điểm sáng”, giải ngân vốn đầu tư công phải thành “luồng sáng”, may ra mới có thể hoàn thành. Với các cấp quản lý, thiết nghĩ nên mạnh mẽ hơn nữa trong việc siết chặt kỷ cương giải ngân vốn đầu tư công, tập trung vốn cho các dự án, địa phương có tiến độ giải ngân tốt. Trường hợp nhận thấy cấp, ngành, địa phương nào không đủ khả năng giải ngân do vướng mắc quá lâu không giải quyết được, cần mạnh dạn chuyển dự toán cho dự án, địa phương khác có tính sẵn sàng hơn.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.