Multimedia Đọc Báo in

Huyện M’Drắk: Nỗ lực thoát nghèo bền vững

08:40, 03/07/2023

M’Drắk là huyện nghèo của Đắk Lắk. Huyện đặt ra mục tiêu đến năm 2025, M’Drắk thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, cả hệ thống chính trị đang cùng vào cuộc thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về giảm nghèo bền vững.

Những nỗ lực của hệ thống chính trị

Huyện M’Drắk hiện có dân số khoảng 81.000 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 48%; tỷ lệ hộ nghèo chiếm 35,65%, tỷ lệ cận nghèo chiếm 17,91%, tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 59,68% trong tổng số hộ nghèo toàn huyện; có 8/12 xã và 66/121 thôn, buôn đặc biệt khó khăn. Để thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các khu vực dân cư trong tỉnh, thời gian qua, nhiều chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội đã được triển khai, nhất là Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đã giúp những hộ nghèo trên địa bàn huyện có điều kiện vươn lên thoát nghèo.

Tổ công tác của Đoàn giám sát của Quốc hội khảo sát thực tế về việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia tại xã Cư Prao.

Để triển khai hiệu quả chương trình, huyện đã rà soát, xác định nguyên nhân của từng hộ nghèo để xây dựng kế hoạch, giải pháp, mô hình phù hợp với từng địa bàn. Đồng thời, thực hiện các chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo, tập trung theo tiêu chí thu nhập; thiếu hụt các dịch vụ xã hội; về cơ sở hạ tầng… Ngoài việc kịp thời bố trí nguồn kinh phí đối ứng để thực hiện chương trình, huyện còn tăng cường huy động vốn đóng góp của doanh nghiệp, các tổ chức và vốn đối ứng, tham gia đóng góp của người dân, đối tượng thụ hưởng. Đặc biệt, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân, từ đó tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả các chính sách, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo, vươn lên khá giả.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG giai đoạn 2021 – 2025 huyện M’Drắk, địa phương đã quan tâm thực hiện, cụ thể hóa bằng những nghị quyết của HĐND huyện, kế hoạch của UBND huyện. Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo giảm 6,67% (kế hoạch giảm 3 – 3,5%). Kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh trên địa bàn các xã, thôn/buôn thuộc chương trình được đầu tư xây dựng phù hợp với quy hoạch, bảo đảm phục vụ có hiệu quả đời sống và phát triển sản xuất của người dân. Trong đó, 73% thôn, buôn có trục đường giao thông được cứng hóa theo tiêu chuẩn của Bộ Giao thông vận tải; 100% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; 94% hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh… Điều đáng nói là hiệu quả của chương trình đã góp phần quan trọng vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện, nhất là tạo điều kiện cho người dân tiếp cận ngày càng tốt hơn các dịch vụ cơ bản của xã hội; củng cố vững chắc hệ thống chính trị, quốc phòng an ninh ở khu vực nông thôn…

Còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ

Mặc dù việc thực hiện chương trình đã đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, như: Việc ban hành một số văn bản chỉ đạo hướng dẫn thực hiện chương trình chưa kịp thời; định mức hỗ trợ còn thấp, chưa có các chính sách giảm nghèo đặc thù và phù hợp với từng nhóm hộ nghèo; việc huy động vốn đối ứng từ nhân dân và đối tượng thụ hưởng chính sách còn nhiều khó khăn vì đa phần các hộ này là hộ nghèo. Mặt khác, kết quả giảm nghèo một số nơi chưa thật bền vững, chưa đồng đều, nguy cơ tái nghèo cao; chưa quan tâm đến đổi mới tổ chức sản xuất, tạo điều kiện ổn định thu nhập, sinh kế cho người dân theo hướng bền vững; việc đào tạo nghề nông thôn còn bất cập, chất lượng và tính thực tiễn không cao…

Mô hình chăn nuôi nông hộ trên địa bàn xã Ea Riêng.

Đơn cử như Dự án 2 về đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, với tổng vốn được bố trí từ năm 2022 – 2023 là trên 5,8 tỷ đồng để thực hiện 14 mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và sản xuất; phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị; phát triển sản xuất cộng đồng… nhằm thay đổi tư duy sản xuất và giải quyết việc làm cho người dân ở các xã hưởng lợi từ chương trình. Tuy nhiên, đến nay đã sau hai năm vẫn chưa có hướng dẫn quy định nội dung hỗ trợ, mẫu hồ sơ, trình tự, thủ tục lựa chọn dự án; kế hoạch, phương án sản xuất… nên UBND huyện chưa thể triển khai thực hiện mô hình.

Theo ông Phạm Ngọc Thạch, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG giai đoạn 2021 – 2025 huyện M’Drắk, để đạt được mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2021 - 2025, huyện đang tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức về giảm nghèo bền vững cho người dân để thay đổi tư duy, nâng cao ý chí và ý thức trách nhiệm, quyết tâm thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Đồng thời, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác giảm nghèo; huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm trong quá trình triển khai thực hiện chương trình. Huyện cũng đề xuất với UBND tỉnh bố trí đủ và kịp thời kinh phí thực hiện chương trình để địa phương chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai hiệu quả các dự án; xây dựng và ban hành kế hoạch chương trình giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững năm 2023 với các giải pháp phù hợp để cải thiện tiêu chí thu nhập và tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, đáp ứng chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025 của Chính phủ.

Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, huyện M’Drắk đề ra các mục tiêu: tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 4 – 5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 5 – 6%/năm; tỷ lệ nghèo đa chiều, giảm bình quân từ 6 – 7%/năm; phát triển đồng bộ giáo dục nghề nghiệp cả về quy mô và chất lượng đào tạo; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ người nghèo tự xác định tình trạng nghèo của hộ gia đình, kết nối với thị trường và nâng cao nhận thức, năng lực vươn lên thoát nghèo… Phấn đấu đến năm 2025, huyện M’Drắk thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.