Multimedia Đọc Báo in

“Marketing” cho thổ cẩm

21:38, 26/07/2023

Trong câu chuyện bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa thổ cẩm cần hướng đi căn bản nhất là đưa thổ cẩm ứng dụng rộng rãi vào đời sống hằng ngày.

Trên địa bàn tỉnh, hiện không có nhiều hợp tác xã, cơ sở kinh doanh quy tụ được những thợ dệt có tay nghề lại để sản xuất, biến thổ cẩm thành hàng hóa. Thế nhưng, cơ sở dệt thổ cẩm Ami Sia của chị Hler Êban ở xã Ea Ktur (huyện Cư Kuin) lại khá quen thuộc với người tiêu dùng. Tâm huyết với nghề dệt truyền thống, chị Hler luôn trăn trở tìm cách để thổ cẩm ứng dụng phổ biến vào đời sống. Và chị đã chọn thời trang làm phương tiện dẫn dắt thổ cẩm phát triển.

Nhưng hoa văn thổ cẩm của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên rất cá tính. Vì thế không phải ai cũng có thể xử lý màu sắc, nhấn nhá tinh tế trong thiết kế để giữ nét mềm mại trong từng sản phẩm có sự góp mặt của thổ cẩm. Bền bỉ tìm tòi, sáng tạo, chị Hler đã thiết kế những bộ trang phục truyền thống với kiểu dáng cách tân, ứng dụng hoa văn thổ cẩm hợp lý, khéo léo để nâng tầm giá trị chất liệu.

Dệt thổ cẩm truyền thống tại cơ sở dệt thổ cẩm Ami Sia. Ảnh: C. Ler

Lối đi đặc biệt của chị Hler đã giúp thổ cẩm theo được xu hướng thời trang, vừa tạo ra “sắc thái’ riêng, vừa hợp với “gu” với nhiều khách hàng. Theo chị Hler, hoa văn thổ cẩm trong mỗi thiết kế sẽ mang một ý nghĩa, một câu chuyện riêng của người dệt. Dựa vào đó, ứng dụng sáng tạo trong thời trang sẽ có nhiều phong cách thiết kết, gam màu, mẫu mã bắt kịp xu thế của thời đại. Sự kết hợp giữa phong cách truyền thống và hiện đại cùng họa tiết độc đáo từ thổ cẩm đã tạo ra sản phẩm mang đậm dấu ấn riêng biệt. Điều này cũng mở ra cho chị nhiều khám phá lý thú. Những sản phẩm chị Hler làm ra là để nhiều người biết đến thổ cẩm, ai cũng có thể sử dụng được và quan trọng hơn, nghề dệt truyền thống của dân tộc không bị mai một, người làm nghề sống được với nghề.

Không chỉ là việc bán sản phẩm, qua những câu chuyện về thổ cẩm đăng tải trên trang Zalo, Facebook cá nhân, chị tích cực thông tin để khách hiểu thêm, mỗi sản phẩm thủ công truyền thống đều ẩn chứa câu chuyện riêng, gửi gắm trong đó những lời răn dạy, những kiến thức tích lũy từ đời sống.

“Nặng lòng” với thổ cẩm, chị Nguyễn Thị Thúy Hiền, Phó Giám đốc phụ trách Nhà văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh cũng thường chọn trang phục có họa tiết thổ cẩm để mặc đi làm, đi du lịch hay tham gia các sự kiện. Những bộ áo dài, váy, áo, vest... có viền hoa văn thổ cẩm được pha cách điệu càng làm cho người mặc thêm phần sang, lạ. Chị Hiền trò chuyện, trang phục truyền thống có thể cách điệu, không nhất thiết phải “như thời xưa”, nên mỗi khi tham dự sự kiện quan trọng, chị hay diện trang phục có hoa văn truyền thống để giới thiệu “sắc màu” thổ cẩm với bạn bè. Thi thoảng chị đăng hình mình tự tin với trang phục thổ cẩm lên trang Facebook, Zalo cá nhân khiến nhiều người ngưỡng mộ, thích thú...

Chiếc áo dài cách tân có hoa văn thổ cẩm giúp chị Nguyễn Thị Thúy Hiền trở nên duyên dáng hơn. Ảnh: V. Hưng

Từ niềm tự hào với thổ cẩm, chị Hiền đã thiết kế, kinh doanh các mặt hàng thời trang thổ cẩm, đa dạng với các sản phẩm như mũ, giày, váy, vải in thổ cẩm, áo “cách điệu”, giỏ xách, chiếc khăn trải bàn... phối hợp giữa hoa văn thổ cẩm và các chất liệu da, vải lụa... thông thường. “Khi thổ cẩm có tính ứng dụng cao trong đời sống thì nhiều người sẽ tiếp cận và biết đến nhiều hơn. Đây là một trong những cách hữu dụng để giữ gìn, lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc”, chị Hiền chia sẻ.

Biến những tấm thổ cẩm truyền thống thành món đồ thời trang thì rõ ràng là sự gắn kết giá trị, tinh thần văn hóa vào đời sống hiện nay. Thông qua thời trang, thổ cẩm trở nên hữu dụng hơn trong đời sống và có hấp lực riêng với người dùng. Chỉ cần có tình yêu đủ lớn, những người “nặng lòng” với văn hóa truyền thống của dân tộc sẽ biết lối để tìm đầu ra cho thổ cẩm, đưa sản phẩm gần hơn với cuộc sống đương đại.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.