Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội: Cả hệ thống chính trị vào cuộc

08:26, 11/07/2023

Công tác tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH) là nhiệm vụ được cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị quan tâm nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.

Đồng hành cùng người nghèo và hộ chính sách

Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trong thời gian qua, TDCSXH dành cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác mà Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh (NHCSXH) triển khai đã góp phần quan trọng, tích cực trong việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là người nghèo, dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Từ khi NHCSXH thành lập đi vào hoạt động, chỉ có 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao, với dư nợ 64 tỷ đồng. Đến nay, chi nhánh đã thực hiện 18 chương trình, tổng dư nợ đạt gần 6.800 tỷ đồng, với trên 160.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ.

Hội viên nông dân xã Cư Ni (huyện Ea Kar) sử dụng vốn tín dụng chính sách xã hội để phát triển chăn nuôi.

Từ khi triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, các cấp ủy đã vào cuộc chỉ đạo hoạt động TDCSXH một cách sâu rộng hơn, tạo sự lan tỏa mạnh. Đồng thời, đã bổ sung thêm nguồn vốn để cho vay, hỗ trợ thêm về cơ sở vật chất để NHCSXH triển khai đồng bộ các chương trình tín dụng ưu đãi đến với người dân; đối tượng được thụ hưởng nguồn vốn TDCSXH được mở rộng; vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện TDCSXH được nâng cao; chất lượng tín dụng chính sách không ngừng được nâng lên.

Nguồn vốn TDCSXH được NHCSXH triển khai cho vay đến 100% xã, phường, thị trấn, với trên 803.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, góp phần giúp hơn 263.000 lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho 37.000 lao động; giúp trên 87.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng hơn 274.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; xây được trên 19.000 căn nhà cho hộ nghèo không có nhà ở... Việc tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình TDCSXH đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng của Đảng bộ tỉnh; thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, trật tự xã hội, an ninh quốc phòng. 

Thêm nguồn lực cho tín dụng chính sách

Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên công tác TDCSXH trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, nguồn lực dành cho TDCSXH chưa đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn của người dân. Công tác chỉ đạo, lãnh đạo của một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thật sự sát sao nên chất lượng, hiệu quả từ nguồn vốn mang lại chưa cao, dẫn đến công tác giảm nghèo thiếu tính bền vững. Việc kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội và công tác tuyên truyền của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội chưa thường xuyên, chưa đi vào chiều sâu.

Cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ea H'leo (bên phải) kiểm tra tình hình sử dụng vốn vay của người dân.

Trước thực trạng trên, ngày 30/6/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Chỉ thị số 39 -CT/TU về tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động TDCSXH trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Mục tiêu của tỉnh là phát huy hơn nữa vai trò, hiệu quả của hoạt động TDCSXH, trở thành công cụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội; đặc biệt chú trọng nguồn lực để thực hiện tốt 3 chương trình mục tiêu quốc gia và an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sâu rộng Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 và Kết luận số 06-KL/TW, ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với TDCSXH đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân.

Xác định hoạt động TDCSXH là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (giai đoạn 2021 - 2025), góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII.

Chính quyền các cấp bố trí nguồn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH nhằm bổ sung nguồn vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn theo hướng tăng dần tỷ trọng từng năm, để đến năm 2025 đạt ít nhất 8% trên tổng nguồn vốn TDCSXH và đến năm 2030 đạt thấp nhất 15%.

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động TDCSXH.

Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về TDCSXH, hoạt động nhận ủy thác của các tổ chức chính trị - xã hội và tình hình sử dụng vốn của người vay.

Nâng cao trách nhiệm của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong việc phối hợp thực hiện TDCSXH. Tăng cường triển khai thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả giám sát toàn dân đối với hoạt động TDCSXH.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề nghị Ban Đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh và cấp huyện thực hiện tốt quy chế tổ chức và hoạt động; thường xuyên củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện TDCSXH. Đồng thời, tăng cường vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã, có sự tham gia của trưởng thôn/buôn/tổ dân phố trong việc quản lý nguồn vốn tín dụng, xử lý khó khăn, vướng mắc phát sinh nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn, nâng cao chất lượng TDCSXH.

Việc thực hiện hiệu quả các chương trình TDCSXH đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh từ 27% (năm 2005) xuống còn 10,94% (năm 2022) theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022 - 2025; năm 2022 đã hoàn thành 71/152 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc