Multimedia Đọc Báo in

Tạo dựng thị trường bền vững cho sản phẩm OCOP Đắk Lắk

08:34, 09/07/2023

Thời gian qua, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã thúc đẩy phát triển sản phẩm hàng hóa đặc thù khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm.

Tuy nhiên, sản phẩm đạt chuẩn OCOP vẫn khó mở rộng thị trường tiêu thụ, bởi nhiều người tiêu dùng chưa biết đến sản phẩm OCOP và kênh phân phối còn hạn chế.

Còn nhiều dư địa phát triển

Xác định Chương trình OCOP là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn, Đắk Lắk đã chỉ đạo triển khai một cách đồng bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở, tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông, hỗ trợ các chủ thể tích cực tham gia theo đúng chu trình OCOP nhằm bảo đảm các sản phẩm khi được đánh giá đạt sao phải có chất lượng và được thị trường tiếp nhận.

Trang trại sản xuất nấm linh chi của Công ty Cổ phần Thực phẩm xanh Thành Đồng - sản phẩm được xếp hạng 4 sao OCOP cấp tỉnh.

Thông qua chương trình OCOP, nhiều địa phương đã quy hoạch được những vùng nguyên liệu đặc sản, phát triển các ngành nghề nông thôn, đặc biệt là bảo tồn và phát triển nhiều làng nghề truyền thống; hình thành nhiều sản phẩm OCOP gắn với vai trò như một “đại sứ” chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang tính nhân văn của vùng, miền. Sản phẩm OCOP đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm; có mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện với môi trường, phù hợp yêu cầu của thị trường; thúc đẩy phát triển sinh kế ở những vùng đặc biệt khó khăn và các nhóm yếu thế như đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 110 sản phẩm OCOP đạt từ 3 – 4 sao (16 sản phẩm đạt 4 sao, 94 sản phẩm đạt 3 sao) của gần 50 xã, phường, với các chủ thể là hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp, cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh. Mặc dù, số lượng sản phẩm OCOP của tỉnh còn thấp hơn so với trung bình của cả nước, nhưng về chất lượng lại khá nổi bật. Theo đánh giá của chuyên gia tư vấn, số lượng sản phẩm OCOP 4 sao của Đắk Lắk chiếm tỷ lệ khá cao so với các tỉnh khác, dư địa phát triển còn rất lớn và đang có chiều hướng phát triển mạnh mẽ thời gian tới. Bởi Đắk Lắk có quy mô sản xuất nông nghiệp lớn, với nhiều tiềm năng, thế mạnh; sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đa dạng, độc đáo, phong phú; có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, với nhiều bản sắc văn hóa độc đáo… Điều này đang góp phần tạo nên nét đặc trưng riêng biệt của các sản phẩm OCOP Đắk Lắk.

Sản phẩm OCOP Trà thảo mộc Cô Ngát Natural được giới thiệu tại một hội nghị về nông nghiệp của tỉnh.
 

"Để thúc đẩy phát triển và thương mại sản phẩm OCOP thì hiện nay, Sở Công Thương đã thí điểm mở hai điểm bán hàng, giới thiệu sản phẩm OCOP tại TP. Buôn Ma Thuột và đang hoạt động khá hiệu quả. Năm 2023, đơn vị sẽ tiếp tục mở rộng các điểm bán hàng OCOP ở nhiều nơi khác. Đặc biệt, Sở Công Thương Đắk Lắk đã có văn bản trao đổi với Sở Công Thương, Trung tâm xúc tiến thương mại các tỉnh thành để cung cấp danh sách sản phẩm OCOP của Đắk Lắk, cùng phương thức liên lạc cụ thể để tạo điều kiện kết nối, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP. Ngoài ra, Sở đang tích cực hợp tác, nâng cao năng lực tiếp cận thị trường, đặc biệt là công nghệ số cho các chủ thể của sản phẩm OCOP".

 
Ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công Thương

Theo ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, đến nay có thể khẳng định, Chương trình OCOP rất phù hợp với định hướng phát huy thế mạnh, lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa của các địa phương, đặc biệt là những địa phương còn nhiều khó khăn về phát triển sản xuất hàng hóa, vùng sản xuất tập trung, nhưng lại có sự đa dạng về tài nguyên thiên nhiên, khí hậu và văn hóa đặc trưng… Trên thực tế, sản phẩm OCOP có sự đóng góp rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn hướng đến một nền kinh tế nông nghiệp vừa ổn định, vừa bền vững. Hiện nay, các sản phẩm OCOP cũng đang được thị trường quan tâm, bởi ngoài chất lượng, những sản phẩm này đều truy xuất được nguồn gốc nên người tiêu dùng yên tâm về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm...

Cần định hình thị trường cho sản phẩm OCOP

Bên cạnh những thành tựu nổi bật, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, tồn tại của Chương trình OCOP sau hơn bốn năm triển khai. Các chủ thể tham gia chương trình vẫn đang gặp những khó khăn mang tính chất chủ quan như: quy mô, năng lực quản trị của các tổ chức kinh tế tham gia chương trình còn nhỏ và yếu, thiếu kiến thức về kinh tế thị trường và phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị, việc lập hồ sơ OCOP còn gặp khó khăn. Đặc biệt, hoạt động xúc tiến thương mại tuy được triển khai, nhưng còn manh mún, thiếu đồng bộ, chưa hình thành được hệ thống quảng bá, xúc tiến mang tính kết nối, chuyên sâu về sản phẩm OCOP.

Theo ông Trần Đình Trọng, Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột), dòng sản phẩm cà phê đặc sản của HTX vừa được xét nâng hạng 4 sao OCOP là động lực để đơn vị tự tin tiếp cận với khách hàng trong và ngoài nước. Tuy nhiên, trên thực tế sản phẩm OCOP vẫn chưa thực sự bán được đúng giá như kỳ vọng, hầu hết chỉ bán cao hơn 1 - 2 giá so với cà phê bình thường. Bên cạnh đó, để đưa sản phẩm vào siêu thị, hoặc các kênh thương mại điện tử, chủ thể OCOP phải chấp nhận chiết khấu cao trong khi HTX không đủ nguồn lực tài chính. Do đó, ngoài việc khuyến khích các chủ thể phát triển sản phẩm OCOP thì các cấp, các ngành cũng cần quan tâm đến việc nâng cao sự nhận diện, giá trị của thương hiệu để khi nhắc đến những sản phẩm đạt chứng nhận OCOP thì mọi người sẽ tự nhận biết đây là sản vật vùng miền, có giá trị, có thương hiệu...

Trong khi đó, ông Vũ Đức Côn cho rằng, nếu mọi sản phẩm OCOP đều phát huy được giá trị thương mại, nghĩa là bán được với giá cao hơn các sản phẩm khác thì sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Ví dụ như là cà phê đặc sản, qua đấu giá, người ta đã bán được giá cao gấp 5 – 7 lần giá cà phê bình thường. Nhưng cũng là cà phê đặc sản, khi được công nhận sản phẩm OCOP thì chênh lệch giá so với cà phê thương mại chưa được nhiều. Để tháo gỡ những khó khăn trong việc quảng bá, nâng cao giá trị sản phẩm OCOP thì không chỉ ngành nông nghiệp mà các chủ thể và các ngành liên quan khác phải cùng vào cuộc. Và đặc biệt là từng chủ thể phải đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm ngay từ khi sản xuất đến đóng gói, quá trình tổ chức tiêu thụ… nhằm tạo sự chú ý của người tiêu dùng đến sản phẩm của mình. Hiện ngành nông nghiệp của tỉnh cũng đang đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP; hỗ trợ các chủ thể từ gốc sản xuất để đảm bảo những tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và đáp ứng nhu cầu thị trường.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.