Multimedia Đọc Báo in

Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột:

Tăng tốc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng

08:13, 24/08/2023

Vượt qua những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, đến giữa tháng 8/2023, trên 76% mặt bằng Dự án thành phần 3 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 đã được bàn giao cho chủ đầu tư và nhà thầu triển khai các bước tiếp theo.

Đây là kết quả từ sự quyết tâm của hệ thống chính trị và sự đồng lòng của người dân vùng Dự án.

Theo kế hoạch triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng (GPMB) và tái định cư Dự án thành phần 3, các địa phương sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư trước ngày 15/12/2023.

Tập trung tháo gỡ vướng mắc trong dân

Huyện Krông Pắc là địa phương có tuyến cao tốc đi qua dài nhất với chiều dài 33,3 km, tổng diện tích GPMB lên đến hơn 255 ha. Đến nay, huyện đã bàn giao hơn 77% chiều dài tuyến Dự án, tương ứng với khoảng 25,7 km (hơn 161 ha). Có được kết quả này phải kể đến sự nỗ lực của hệ thống chính trị, đặc biệt là các cơ quan chuyên môn trong việc thực hiện đúng, đủ công tác bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất, sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ nhằm giải quyết hợp tình, hợp lý những khó khăn, vướng mắc trong dân.

Máy móc, thiết bị của nhà thầu thực hiện nghi thức động thổ Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1.

Anh Hướng Văn Lợi (dân tộc Nùng) có 1,8 ha đất sản xuất ở thôn Thanh Xuân, xã Ea Kênh, trong đó có 5,6 sào được Nhà nước thu hồi để thực hiện Dự án. Mặc dù rất đồng thuận với phương án bồi thường, hỗ trợ về đất, cây trồng, vật kiến trúc nhưng gia đình anh cứ lần lữa không chịu nhận tiền bồi thường, hỗ trợ. Anh bộc bạch, là một người dân đã gắn bó tròn 30 năm với vùng đất này, gia đình anh rất mong công trình đường cao tốc sớm thi công, hoàn thiện để thúc đẩy kinh tế địa phương. Thế nhưng, nhìn vườn sầu riêng trĩu quả chuẩn bị đến kỳ thu hoạch, gia đình anh lại không nỡ bàn giao mặt bằng ngay. Ba lần được mời lên nhận tiền bồi thường là ba lần vợ anh òa khóc. Cũng giống như các hộ có cây sầu riêng đang thu hoạch nằm trong phạm vi GPMB, gia đình anh chỉ mong giữ lại cây sầu riêng để thu hoạch lứa quả này và sẵn sàng bàn giao đất để đảm bảo thi công công trình.

Kiến nghị ấy của người dân được Hội đồng bồi thường, GPMB huyện Krông Pắc tham vấn ý kiến Ban Chỉ đạo của huyện và chủ đầu tư để khẩn trương tìm hướng tháo gỡ. Nhận tin được tạo điều kiện giữ lại cây sầu riêng cho đến khi thu hoạch xong, gia đình anh Lợi vô cùng phấn khởi. Anh chị đã nhận tiền bồi thường hỗ trợ, tiến hành bàn giao mặt bằng, chỉ giữ lại 45 cây sầu riêng trên diện tích thuộc phạm vi giải tỏa. Anh ước tính với số cây sầu riêng được giữ lại, anh sẽ thu được trên 10 tấn quả, trị giá gần 1 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc Ngô Thị Minh Trinh kiểm tra thực tế cây sầu riêng trong diện tích giải phóng mặt bằng của gia đình anh Hướng Văn Lợi.

Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc Ngô Thị Minh Trinh cho biết: "Trong quá trình chi trả kinh phí bồi thường, hỗ trợ, Hội đồng bồi thường, GPMB luôn lắng nghe ý kiến, kiến nghị của người dân. Bên cạnh việc giải thích cụ thể dựa trên cơ sở là các quy định pháp luật, tuyên truyền để người dân phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, chúng tôi còn trực tiếp đến tận nhà dân để nắm bắt cụ thể tình hình thực tế và tìm giải pháp phù hợp".

Quyết tâm bàn giao mặt bằng đúng tiến độ

Là đơn vị được giao làm chủ đầu tư Dự án thành phần 3, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk (gọi tắt là Ban tỉnh) đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn đẩy nhanh công tác GPMB cũng như giải ngân vốn Dự án.

Với trên 76% chiều dài tuyến đã được bàn giao, hiện các địa phương đang đẩy nhanh tiến độ triển khai. Nhiều cách làm hay đã và đang được triển khai thực hiện, tạo sức lan tỏa đến từng khu dân cư, từng hộ dân vùng Dự án. Đơn cử như huyện Ea Kar phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên ở cơ sở; hay như huyện Krông Pắc luôn ghi nhận, biểu dương kịp thời các tổ chức, cá nhân trong việc bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.

Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Phan Xuân Bách (thứ hai từ phải sang) đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh việc dọn dẹp, giải phóng mặt bằng dự án.

Ông Phan Xuân Bách, Phó Giám đốc phụ trách Ban tỉnh cho biết, Dự án thành phần 3 có chiều dài hơn 48 km, đi qua địa bàn các huyện: Ea Kar, Krông Pắc và Cư Kuin. Đến nay, công tác bàn giao mặt bằng đang diễn ra sôi nổi ở các địa phương. Trong quá trình thực hiện, chính quyền địa phương các cấp luôn sâu sát thực tế, từ đó có kế hoạch tuyên truyền, vận động phù hợp để người dân đồng thuận bàn giao mặt bằng. Quan trọng hơn hết đó là sự đồng lòng, ủng hộ của đa số người dân vùng Dự án về chủ trương của Nhà nước để xây dựng tuyến đường, sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.

Tại cuộc họp về tình hình triển khai Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị đã đề nghị Ban tỉnh căn cứ thực tế về kế hoạch GPMB, chỉ đạo các nhà thầu, tư vấn giám sát xây dựng ngay kế hoạch thực hiện, tiến độ thi công để tập trung quyết liệt kiểm soát, chỉ đạo thi công đảm bảo theo tiến độ, kế hoạch đề ra. Để hạn chế phát sinh khiếu nại trong công tác bồi thường, hỗ trợ và đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp và các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan nghiên cứu, khẩn trương tham mưu UBND tỉnh sửa đổi Quyết định số 10/2023/QĐ-UBND ngày 10/3/2023 của UBND tỉnh quy định về đơn giá bồi thường, hỗ trợ cây trồng trên địa bàn tỉnh.

Tính đến ngày 22/8/2023, chủ đầu tư Dự án thành phần 3 đã chuyển 415,5 tỷ đồng để các địa phương thực hiện việc chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho tổ chức, cá nhân. Trong đó, huyện Ea Kar 22,8 tỷ đồng, huyện Krông Pắc 344,4 tỷ đồng và huyện Cư Kuin 48,3 tỷ đồng.

Hoàng Tuyết – Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.