Multimedia Đọc Báo in

Giới thiệu giải pháp và công nghệ Israel cho cây trồng chủ lực tại Tây Nguyên

16:21, 30/08/2023

Ngày 30/8, UBND tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Phòng Kinh tế và Thương mại - Đại sứ quán Israel tại Hà Nội tổ chức Hội thảo Giới thiệu giải pháp và công nghệ Israel cho cây trồng chủ lực tại Tây Nguyên.

Tham dự hội thảo có ngài Yaron Mayer, Đại sứ Israel tại Việt Nam; Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh; đại diện một số sở, ngành và các doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài tỉnh.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ngài Yaron Mayer, Đại sứ Israel tại Việt Nam bày tỏ vui mừng khi thấy công nghệ của Israel đã có mặt trong sản xuất nông nghiệp tại hầu hết các tỉnh, thành tại Việt Nam. Điều đó cho thấy sự phù hợp của các giải pháp đối với nền nông nghiệp Việt Nam.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ngài Yaron Mayer, Đại sứ Israel tại Việt Nam
Ngài Yaron Mayer, Đại sứ Israel tại Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo.

Hội thảo giới thiệu giải pháp và công nghệ Israel cho cây trồng chủ lực tại Tây Nguyên là hội thảo đầu tiên được tổ chức tại các tỉnh, thành khác ngoài TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Lý do là vì các tỉnh Tây Nguyên rất phù hợp để triển khai các giải pháp công nghệ. Trong đó, Đắk Lắk là vùng đất có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp.

Ngài Đại sứ mong muốn sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Israel (VIFTA) có hiệu lực vào đầu năm 2024, các doanh nghiệp giữa hai nước sẽ có nhiều hợp tác hiệu quả hơn nữa. Đặc biệt, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Israel hợp tác với tỉnh Đắk Lắk, từ đó góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh
Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh khẳng định, Đắk Lắk có điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi, đồng thời cũng có nhiều tiềm năng, thế mạnh để thu hút đầu tư các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Vì vậy tỉnh Đắk Lắk đang đẩy mạnh cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng quy mô, hiện đại, chế biến sâu, áp dụng công nghệ cao, tăng cường chuyển đổi số nông nghiệp và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thời gian qua, những biến đổi tiêu cực của khí hậu đã gây ảnh hưởng không nhỏ cho tỉnh, mỗi năm thiệt hại do hạn hán trung bình hơn 600 tỷ đồng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 317.000 ha cây trồng có nhu cầu tưới, trong khi tỷ lệ tưới tiết kiệm mới chỉ chiếm khoảng 20%.

Các đại biểu tham dự hội thảo.
Các đại biểu tham dự hội thảo.

Trước thực tế trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai nhiều giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng đến phát triển một nền nông nghiệp bền vững, trong đó giải pháp tưới tiết kiệm nước được chú trọng.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn thông qua hội thảo này, sẽ tìm được những giải pháp công nghệ tốt nhất để triển khai tại tỉnh trong thời gian tới. Đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ Đại sứ quán, các cơ quan chuyên môn, các nhà khoa học và doanh nghiệp Israel để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu của thị trường, nâng cao giá trị bền vững của ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk.

Đại diện các doanh nghiệp Israel tham dự hội thảo cũng giới thiệu các giải pháp công nghệ
Đại diện doanh nghiệp Israel giới thiệu các giải pháp công nghệ.

Tại hội thảo, đại diện Phòng Kinh tế và Thương mại - Đại sứ quán Israel tại Hà Nội cũng đã giới thiệu sơ lược về nền kinh tế Israel cũng như sự phát triển của nền nông nghiệp Israel, đặc biệt là các giải pháp công nghệ cao được áp dụng để tưới tiết kiệm, tối ưu hiệu quả sử dụng nước và vật tư nông nghiệp.

Đại diện các doanh nghiệp Israel tham dự hội thảo cũng giới thiệu các giải pháp công nghệ mà doanh nghiệp, nông dân tỉnh Đắk Lắk có thể áp dụng vào quá trình sản xuất của các thương hiệu về giải pháp tưới tiết kiệm, phân bón hòa tan kết hợp đến từ Israel, như: Metzerplas, Netafim, GAT, ICL, Rivulis.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.