Multimedia Đọc Báo in

Mở hướng phát triển kinh tế từ cây nha đam

08:10, 08/08/2023

Cây nha đam (hay còn gọi là cây lô hội) đang chứng tỏ rất phù hợp với vùng đất Ea Na (huyện Krông Ana). Loại cây trồng này đang là hướng đi mới cho nông dân trong xã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất và được khuyến khích trồng mở rộng ở đây.

Anh Dương Quang Khang (thôn Tân Tiến) là người tiên phong mang giống cây nha đam về trồng ở xã Ea Na. Chỉ với 1 sào đất trồng nha đam đã cho gia đình anh nguồn thu nhập khá tốt.

Mảnh đất trong vườn nhà của anh vốn trước đây được sử dụng để trồng rau ăn lá nhưng cho thu nhập không đáng kể. Hai năm về trước, sau khi tham quan một số mô hình trồng nha đam, anh quyết tâm mang cây giống về trồng thử trong vườn nhà. Theo anh, cây nha đam rất dễ trồng, có nhiều ưu điểm như kháng bệnh tốt, ít công chăm sóc lại dễ nhân giống và cho hiệu quả kinh tế hơn hẳn các loại cây trồng khác.

Trồng nha đam hoàn toàn không bón phân hóa học, nhưng trước khi xuống giống cần làm tốt khâu xử lý đất, như: trộn phân vi sinh để đất tơi xốp, lên luống và đòi hỏi phải có cách bố trí mật độ cây trồng hợp lý để cây hấp thụ được dinh dưỡng từ đất. Bên cạnh đó, anh nuôi gà thả vườn để hạn chế cỏ mọc trong khu vực trồng nha đam.  Theo tính toán của anh Khang, trồng nha đam khá kinh tế vì đầu tư ban đầu thấp, tỷ lệ cây sống rất cao và không khó khăn lắm trong việc chăm sóc.

Anh Dương Quang Khang (thôn Tân Tiến, xã Ea Na, huyện Krông Ana) thu hoạch nha đam.

Nha đam trồng 9 tháng thì cho thu hoạch lần đầu tiên. Sau đó, đều đặn cứ 30 - 40 ngày thì thu hoạch lứa tiếp theo. Đầu ra của loại cây trồng này thuận lợi vì thị trường khá ưa chuộng. Nha đam bán ra có giá bình quân từ 3.200 - 4.000 đồng/kg. Hơn 6.500 cây trồng trong vườn, mỗi đợt thu hoạch hơn 3 tấn, mang lại cho anh Khang thu nhập gần 10 triệu đồng. Chỉ tính riêng vườn nha đam, anh Khang đã có thu nhập ổn định 100 triệu đồng/năm, sau khi đã trừ hết chi phí.

Anh nói vui: "Gia đình tôi có hơn 2 ha trồng ca cao, tính ra 1 sào nha đam bây giờ cho thu nhập có khi bằng cả... 1 ha ca cao. So sánh như vậy để thấy, trồng nha đam mang lại hiệu quả cao và ổn định hơn nhiều”. Nhờ thu nhập từ cây nha đam, cuộc sống của gia đình anh dần khấm khá hơn.

Thị trường tiêu thụ của cây nha đam hiện khá dễ dàng, giá tốt, nhưng để tạo tính bền vững trong sản xuất, anh Khang tham gia vào Tổ hợp tác trồng nha đam ở TP. Buôn Ma Thuột và liên kết để tiêu thụ sản phẩm.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế của cây nha đam, Hội Nông dân xã Ea Na đã khuyến khích hội viên tìm hướng tăng thu nhập từ mô hình này. Nhiều nông dân ở địa phương đã đến tận vườn anh Khang để tham quan, tìm hiểu và mạnh dạn trồng thử tại khu đất vườn của gia đình mình. Đến nay, trên địa bàn xã Ea Na có 5 mô hình trồng cây nha đam, đang sắp bước vào thu hoạch lứa đầu tiên.

Bà Mai Thị Hằng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Na cho biết, trồng nha đam là mô hình kinh tế mới ở địa phương. Hướng đi này đang mở ra cơ hội tăng thu nhập cho nhiều hộ nông dân bởi có khả năng làm tăng giá trị sản xuất trên cùng một diện tích đất canh tác. Nếu chăm sóc đúng quy trình, giá ổn định thì cây nha đam cho hiệu quả kinh tế không thua kém gì các loại cây công nghiệp dài ngày.

Trong khi đó, chi phí đầu tư, chăm sóc lại không đáng kể. Để hỗ trợ nông dân trồng nha đam, thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ tổ chức tham quan thực tế; phối hợp tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây nha đam và tìm cách kết nối các đầu mối tiêu thụ cho bà con nông dân.

Có thể thấy, cây nha đam đang là giải pháp mới, mở ra hướng đi cho nhiều hộ nông dân địa phương đang muốn chuyển đổi cây trồng, cải tạo rẫy vườn, đa dạng hóa cây trồng để tăng nguồn thu nhập. Song, người dân trồng nha đam cần canh tác theo chuỗi liên kết, trồng tập trung và gắn với thị trường tiêu thụ để thuận lợi trong việc thu gom, thúc đẩy tiêu thụ, tạo tính ổn định cho sản xuất.

Trâm Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.