Multimedia Đọc Báo in

Mái nhà chung của nữ doanh nhân huyện Krông Búk

08:30, 21/09/2023

Với phương châm “làm giàu cho mình và làm giàu cho xã hội”, Câu lạc bộ (CLB) Nữ doanh nghiệp huyện Krông Búk đã trở thành mái nhà chung gắn kết hội viên phụ nữ, xây dựng các mối liên kết kinh doanh, qua đó thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.

Qua 7 năm hoạt động, hiện CLB Nữ doanh nghiệp huyện Krông Búk có 35 thành viên hoạt động trên nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh như: thương mại, dịch vụ, sản xuất nông lâm sản chất lượng cao…

Một mặt đảm đương công việc của lãnh đạo doanh nghiệp, chủ cơ sở kinh doanh, vừa là người vợ, người mẹ phải chu toàn mọi việc trong gia đình nên quỹ thời gian của các thành viên trong CLB rất ít, song các chị vẫn thường xuyên trao đổi qua nhóm Zalo, Facebook. Đồng thời sắp xếp, duy trì sinh hoạt CLB định kỳ nhằm thông tin những chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với doanh nghiệp, đặc biệt là chính sách thuế, vốn tín dụng để mở rộng thị trường sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, thường xuyên tuyên truyền, vận động hội viên chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các quy định về sử dụng lao động, nghĩa vụ nộp thuế...

Chị Nguyễn Thị Nhỏ, Chủ nhiệm CLB Nữ doanh nghiệp huyện Krông Búk (bên trái) chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh với thành viên CLB.

Chị Bùi Thị Cường, chủ doanh nghiệp kinh doanh phế liệu (thị trấn Pơng Drang), thành viên CLB chia sẻ: “CLB Nữ doanh nghiệp huyện đã kết nối cộng đồng doanh nghiệp nữ trên địa bàn. Các thành viên xem CLB như "mái nhà chung" để trao đổi, hỗ trợ kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, thảo luận về cơ hội, thách thức của doanh nghiệp thời kỳ hội nhập và đưa ra những giải pháp giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức để ổn định sản xuất, kinh doanh, phát triển bền vững".

 

“Không chỉ năng động, sáng tạo trong kinh doanh, CLB Nữ doanh nghiệp huyện Krông Búk còn là nơi hội tụ những tấm lòng nhân ái” - chị Nguyễn Thị Nhỏ, Chủ nhiệm CLB Nữ doanh nghiệp huyện Krông Búk.

Phát huy tính chủ động, sáng tạo, nhiều thành viên của CLB đã mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng mô hình kinh phát triển tế hiệu quả, đạt doanh thu cao. Tiêu biểu như chị: Nghiêm Thị Quang, chủ cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng (thị trấn Pơng Drang); Trương Thị Mãng, chủ cơ sở kinh doanh phân bón (thị trấn Pơng Drang); Nguyễn Thị Năm, thu mua lĩnh vực nông sản (thị trấn Pơng Drang); chị Bùi Thị Cường, kinh doanh lĩnh vực phế liệu (thị trấn Pơng Drang). Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất do các chị làm chủ đã tạo việc làm ổn định và việc làm thời vụ cho gần 1.000 lao động, với mức thu nhập khoảng 4,5 -10 triệu đồng/người/tháng, trong đó có nhiều lao động nữ hoàn cảnh khó khăn được tạo việc làm, ổn định cuộc sống.

Để nâng cao kiến thức trong sản xuất, kinh doanh cũng như góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, CLB Nữ doanh nghiệp huyện Krông Búk còn thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ban chủ nhiệm CLB thường xuyên phối hợp với các đơn vị tổ chức những đợt sinh hoạt, phổ biến về Luật Bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Thuế doanh nghiệp, Luật Lao động...

CLB Nữ doanh nghiệp huyện Krông Búk tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn thị xã Buôn Hồ.

Chị Nguyễn Thị Nhỏ, Chủ nhiệm CLB Nữ doanh nghiệp huyện cho biết, thành viên CLB là những người rất năng động, nhạy bén trong nắm bắt nhu cầu thị trường. Vì vậy, doanh nghiệp do các thành viên trong CLB làm chủ đã tạo ra nhiều sản phẩm mới, hoạt động hiệu quả, khẳng định được thương hiệu và năng lực quản lý kinh doanh của phụ nữ. Bên cạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, CLB Nữ doanh nghiệp huyện còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện. Từ khi thành lập (năm 2016) đến nay, CLB đã hỗ trợ phụ nữ nghèo, gia đình chính sách, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền trên 3 tỷ đồng.

Tuy vẫn còn nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động, nhưng thời gian tới, CLB Nữ doanh nghiệp huyện tiếp tục phát triển thêm thành viên, tạo nhiều việc làm cho người lao động; tăng cường thông tin những chính sách hỗ trợ của Nhà nước với doanh nghiệp; từng bước chuyển đổi hình thức kinh doanh trên nền tảng công nghệ số. Đồng thời, nâng cao sức mạnh và vị thế của đội ngũ nữ doanh nhân, tạo ra một cách nhìn mới về người phụ nữ năng động, sáng tạo trong thời kỳ hội nhập.

Như Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.