Multimedia Đọc Báo in

Những tỷ phú “tuổi xế chiều”

08:05, 11/09/2023

Dù đã ở “tuổi xế chiều”, nhưng nhiều người cao tuổi (NCT) trên địa bàn tỉnh vẫn hăng say lao động, phát triển kinh tế, trở thành những tỷ phú sản xuất, kinh doanh giỏi.

Ở độ tuổi ngoài 60, ông Bùi Quốc Việt (thôn 4, xã Bình Hòa, huyện Krông Ana), người đảng viên cao tuổi, một cán bộ hưu trí trở thành chủ vườn hoa lan trị giá cả chục tỷ đồng.

Ông Bùi Quốc Việt (thôn 4, xã Bình Hòa, huyện Krông Ana) tỉ mẩn chăm sóc vườn hoa lan.

Năm 2012, sau khi nghỉ hưu, nhận thấy điều kiện thổ nhưỡng của địa phương phù hợp để các loại hoa, cây cảnh phát triển, ông Việt đã mạnh dạn đầu tư khoảng 500 triệu đồng mua một số giống hoa lan quý hiếm về trồng và nhân giống. Thời gian đầu, việc trồng và chăm sóc hoa lan gặp rất nhiều khó khăn nhưng ông đã nỗ lực tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm trên sách báo và những người đi trước để áp dụng vào vườn lan của mình. Sau một thời gian, ông Việt đã nắm được kinh nghiệm chăm sóc hoa lan, kỹ thuật nhân giống và áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật hiện đại ngăn ngừa sâu bệnh gây ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây. Ngoài những loại lan quý hiếm, lan rừng, để đáp ứng nhu cầu chơi hoa, cây cảnh vào những dịp lễ, Tết, ông đã mở rộng diện tích trồng thêm nhiều loại cây cảnh hợp với thị hiếu của người dân và được khách hàng tin tưởng, lựa chọn.

Hiện nay, vườn hoa lan, cây cảnh của gia đình ông Việt có diện tích 5 sào, với khoảng 3.000 giỏ lan các loại (trong đó có 500 loại lan rừng) và 200 cây mai, cùng một số loại cây cảnh khác. Mỗi năm, khu vườn mang lại cho gia đình ông khoảng 10 tỷ đồng, tạo việc làm theo thời vụ cho 5 lao động, với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.

Với vai trò là hội viên Hội NCT của thôn, ngoài việc chăm lo phát triển kinh tế gia đình, ông Việt còn tham gia nhiều hoạt động từ thiện, đóng góp cho hoạt động của địa phương, như: hiến 1 sào đất xây dựng đường nông thôn, ủng hộ khoảng 500 triệu đồng cho phòng, chống lũ lụt, COVID-19... Ngoài ra, ông đã hỗ trợ 40 triệu đồng cho gia đình các thương binh, liệt sĩ đã hy sinh trong vụ tấn công xảy ra tại trụ sở UBND hai xã trên địa bàn huyện Cư Kuin vào ngày 11/6/2023.

Bà Lê Thị Nhứt (thứ hai từ trái sang) nhận Bằng khen của UBND tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào "Người cao tuổi làm kinh tế giỏi" giai đoạn 2018 - 2023.

Dù đã ở tuổi được nghỉ ngơi, nhưng bà Lê Thị Nhứt (68 tuổi, trú tổ dân phố 3A, thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar) vẫn hăng say lao động, làm gương cho con cháu noi theo. Hiện gia đình bà Nhứt có 6 ha đất trồng sầu riêng, cà phê, hồ tiêu… mỗi năm mang về cho gia đình trên 2 tỷ đồng.

Không chỉ dừng lại ở đó, bà tiếp tục mở doanh nghiệp thu mua nông sản và cửa hàng buôn bán vật tư nông nghiệp, trung bình mỗi năm doanh thu đạt trên 9 tỷ đồng, đưa tổng doanh thu của gia đình lên mức 11 tỷ đồng/năm; góp phần giải quyết việc làm cho 12 lao động địa phương, với thu nhập bình quân mỗi người 7 triệu đồng/tháng.

Trong kinh doanh và cuộc sống đời thường, bà Nhứt luôn gương mẫu, vận động con cháu chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chăm chỉ lao động sản xuất, phát triển kinh tế. Bên cạnh việc làm kinh tế giỏi, hằng năm gia đình bà đều trích 5% thu nhập để tham gia vào các phong trào do chính quyền, đoàn thể phát động, góp phần lan tỏa tinh thần "tương thân tương ái" trong cộng đồng.

Với những đóng góp đó, những năm qua, ông Việt và bà Nhứt đã nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp trao tặng vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào NCT tiêu biểu làm kinh tế giỏi… Đây cũng là hai cá nhân tiêu biểu đại diện Hội NCT tỉnh tham dự Hội nghị biểu dương NCT làm kinh tế giỏi toàn quốc trong thời gian tới.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 154.695 NCT, trong đó có 143.178 hội viên thuộc 15 ban đại diện hội NCT cấp huyện, 184 hội NCT cơ sở và 2.470 chi hội. Tổng số NCT đang trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thương mại là hơn 100 nghìn người, trong đó có 2.025 NCT tham gia sản xuất, kinh doanh giỏi và 507 NCT là chủ trang trại, cơ sở sản xuất, kinh doanh, góp phần tích cực vào việc giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương.

Theo bà Triệu Thị Ngoan, Trưởng Ban đại diện Hội NCT tỉnh, những năm qua, phong trào làm kinh tế giỏi đã được đông đảo NCT trên địa bàn tỉnh hưởng ứng, lan tỏa sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, góp phần vào công tác giảm nghèo, xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh; đồng thời, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Qua đó phát huy vai trò, vị thế của NCT trong việc giáo dục con cháu tính tự lập, cần cù, chăm chỉ lao động sản xuất, vươn lên làm giàu chính đáng bằng đôi tay và khối óc của mình.

Thúy Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.