Multimedia Đọc Báo in

Thông tư số 06/2023/TT-NHNN: “Liều thuốc mạnh” cho tín dụng

08:22, 12/09/2023

Ngày 28/6, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Thông tư số 06/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng (Thông tư số 06).

Với những quy định mới mang tính “đột phá”, thông tư này được xem như một “liều thuốc mạnh” cho hoạt động tín dụng.

Một trong những nội dung đáng chú ý nhất ở Thông tư số 06 là việc khách hàng có thể vay ngân hàng này để trả nợ ngân hàng khác. Cụ thể, theo Thông tư 39, việc vay vốn để trả khoản vay tại tổ chức tín dụng khác sẽ không được phép thực hiện, trừ trường hợp là vay trả nợ trước hạn khoản vay phục vụ hoạt động kinh doanh, có thời hạn vay ngắn hơn thời hạn vay còn lại của nợ cũ và chưa thực hiện cơ cấu. Tuy nhiên, tại Thông tư 06, giới hạn "phục vụ hoạt động kinh doanh" không còn được đề cập. Hai điều kiện còn lại về thời hạn và chưa thực hiện cơ cấu được giữ nguyên. Các ngân hàng có thể cho khách hàng vay để trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng khác với mục đích phục vụ nhu cầu khác ngoài hoạt động kinh doanh, như các khoản nợ vay mua nhà, ô tô.

Cán bộ Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh huyện Lắk kiểm tra hiệu quả vay vốn của khách hàng tại thị trấn Liên Sơn.

Đây là quy định rất “thoáng”, mang lại lợi ích cả về trước mắt lẫn lâu dài. Trước hết, Thông tư 06 chắc chắn sẽ tạo ra một làn sóng giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng. Và thực tế là ngay sau khi thông tư này có hiệu lực, hàng loạt ngân hàng đã thực hiện giảm lãi suất cho vay. Điều này sẽ góp phần quan trọng khơi thông dòng tiền, thúc đẩy đà tăng trưởng tín dụng vốn đang rất thấp. Về lâu dài nó sẽ tạo ra được một môi trường cạnh tranh sòng phẳng, công bằng giữa các tổ chức tín dụng và điều này không chỉ có lợi đối với khách hàng mà còn có lợi đối với cả nền kinh tế. Bởi trong bối cảnh cạnh tranh khắc nghiệt và hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, nếu không muốn mất khách, các ngân hàng phải tự “làm mới” mình. Các ngân hàng sẽ phải cố gắng giữ lại khách hàng tốt, thu hút khách hàng mới bằng công cụ lãi suất và chất lượng dịch vụ. Muốn có những công cụ đó, các ngân hàng phải làm mọi cách để tiết giảm chi phí vốn đầu vào; thực hiện cải tổ mạnh mẽ để nâng cao chất lượng dịch vụ của mình.

Bên cạnh những lợi ích như đã kể trên, Thông tư 06 cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với cả ngân hàng lẫn khách hàng. Việc đón làn sóng khách hàng chuyển các khoản nợ từ nhóm ngân hàng lãi suất cao sang ngân hàng lãi suất thấp hơn, nếu không thận trọng, các ngân hàng rất dễ rơi vào khả năng mua bán nợ xấu của nhau. Bởi nếu khách hàng đảo nợ nằm trong trường hợp nợ quá hạn, nằm trong nhóm nợ xấu thì khi khách hàng vay xong là xóa dấu vết nợ xấu, nhưng bản chất khoản nợ chưa chắc đã thay đổi. Trong khi đó, đối với người vay, Thông tư 06 sẽ tạo cơ hội tiếp cận các khoản vay lãi suất thấp tại ngân hàng khác một cách dễ dàng hơn. Tuy nhiên, người vay cũng cần tính toán kỹ cả biên độ thả nổi sau này, trước khi quyết định chuyển khoản vay sang ngân hàng khác.

Có thể nói, Thông tư 06 sẽ tạo nên "cuộc đua" sôi động trong việc thu hút khách hàng giữa các ngân hàng lãi suất ngày càng thấp và thực chất hơn. Qua đó sẽ góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng tín dụng và nguồn vốn cho nền kinh tế. Vấn đề còn lại, việc “tận dụng” nó như thế nào để mang lại hiệu quả thực chất, bền vững nhất là câu chuyện của mỗi ngân hàng cũng như người đi vay vốn.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc