Trợ lực để người lao động được an cư
Sau gần 8 năm triển khai, thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), chương trình hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi để mua, thuê nhà ở xã hội; xây dựng mới, cải tạo hoặc sửa chữa nhà ở là trợ lực để người thu nhập thấp, đối tượng chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, cán bộ, công nhân, viên chức (gọi chung là người lao động)… trên địa bàn tỉnh có cơ hội an cư, lạc nghiệp.
Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 và được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 1/4/2021 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, với lãi suất ưu đãi 4,8%/năm (mức lãi suất thời điểm hiện tại) được xem là cánh cửa rộng mở để người lao động hiện thực hóa giấc mơ về nhà ở.
Cánh cửa rộng mở với đối tượng thụ hưởng
Theo quy định tại Nghị định số 100, điều kiện để người lao động được hưởng chính sách vay vốn ưu đãi là trường hợp thuộc diện không phải đóng thuế thu nhập thường xuyên; phải thực hiện gửi tiền tiết kiệm hằng tháng tại NHCSXH với thời gian gửi tối thiểu 12 tháng kể từ ngày ký hợp đồng tín dụng; có nguồn thu nhập và khả năng trả nợ theo cam kết với NHCSXH; có vốn tự có tối thiểu bằng 20% giá trị hợp đồng mua, thuê mua nhà ở xã hội; 30% phương án tính toán giá thành của người vay vốn đối với xây dựng mới, cải tạo hoặc sửa chữa nhà để ở…
Bắt đầu triển khai tại địa bàn huyện Lắk từ năm 2018, trong những năm qua Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Lắk đã phối hợp tích cực với chính quyền địa phương các cấp tuyên truyền bằng nhiều hình thức đến đối tượng thụ hưởng về quyền lợi khi vay vốn ưu đãi. Đồng thời phối hợp với các đơn vị nhận ủy thác thực hiện tốt chương trình cho vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở. Đến nay, đã có 13 khách hàng được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, với dư nợ trên 5 tỷ đồng; riêng nguồn vốn phân bổ trong năm 2023 là 3,6 tỷ đồng, đã được đơn vị giải ngân cho 8 gia đình trên địa bàn huyện.
Niềm vui của gia đình ông Phan Viết Cư (buôn Păn Lăm, phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột) trong căn nhà mới xây. |
Hơn 14 năm sống trong ngôi nhà cấp 4 chật hẹp, xuống cấp, nay được vay 500 triệu đồng từ chương trình nguồn vốn tín dụng cho vay nhà ở xã hội, cùng với một số vốn tích cóp được bấy lâu nay, vợ chồng anh Nguyễn Hữu Cương (tổ dân phố Đoàn Kết, thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk) đã xây mới căn nhà với diện tích hơn 130 m2. Anh Cương vui mừng chia sẻ, đầu năm 2023, anh được Ban giám hiệu Trường THCS Nguyễn Viết Xuân (nơi anh công tác) thông báo về chương trình vay vốn ưu đãi nên đã làm đơn đề nghị để vay vốn. Được cán bộ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Lắk hướng dẫn nhiệt tình, gia đình anh nhanh chóng có nguồn vốn để lo mua vật liệu xây nhà mới. Dự định một tháng nữa, căn nhà mơ ước bấy lâu nay của gia đình anh sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Phó Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Lắk Ngô Văn Nghị cho biết, thời gian tới, đơn vị tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thực hiện tốt công tác thống kê, rà soát, bổ sung các đối tượng trong diện thụ hưởng. Đồng thời, hướng dẫn, tạo điều kiện giúp họ tiếp cận vốn vay kịp thời. Bên cạnh đó, hằng năm rà soát, nắm bắt nhu cầu vay vốn về nhà ở và đề xuất các giải pháp bổ sung nguồn vốn đáp ứng với yêu cầu thực tế ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương.
An cư để lạc nghiệp
Trong căn nhà mới rộng hơn 150 m2, anh Nguyễn Văn Phẩm (trú buôn Dơng Kriêng, thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk) bộc bạch, anh công tác tại Ban Chỉ huy Quân sự huyện Lắk, vợ anh là công chức văn phòng, hằng tháng thu nhập ở mức trung bình nên để tích cóp xây dựng một căn nhà kiên cố, rộng rãi là điều không hề dễ dàng. Tháng 4 vừa rồi, anh may mắn được tiếp cận nguồn vốn từ chương trình vay vốn ưu đãi cho người lao động có thu nhập thấp nên đã bàn với vợ vay mượn thêm anh em, họ hàng để xây nhà mới. Với số tiền vay 500 triệu đồng, vay trong thời gian 20 năm, lãi suất 4,8%/năm, vợ chồng anh dành dụm từ tiền lương hằng tháng trả 4 triệu đồng (gồm 2 triệu tiền gốc và 2 triệu tiền lãi) cho Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Lắk. Theo anh Phẩm, có an cư mới lạc nghiệp nên đây là nguồn vốn vay thật vô cùng quý giá đối với gia đình anh nói riêng và những người lao động có thu nhập thấp nói chung.
Nhờ nguồn vốn ưu đãi cho vay nhà ở xã hội, gia đình anh Nguyễn Văn Phẩm (trú buôn Dơng Kriêng, thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk) đã xây được căn nhà mới khang trang. |
Đang tranh thủ hoàn thiện các công đoạn cuối cùng của căn nhà mới, ông Phan Viết Cư (buôn Păn Lăm, phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột) bộc bạch, năm 1995 gia đình ông từ tỉnh Thừa Thiên - Huế vào Đắk Lắk sinh sống. Gần 28 năm qua vợ chồng ông và các con vẫn tá túc trong căn nhà gỗ tạm bợ. May mắn, năm nay con trai đầu của ông là anh Phan Phạm Viết Long, hiện đang làm cho một công ty tư nhân trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột được vay 500 triệu đồng từ chương trình vốn vay ưu đãi thuê, mua, làm nhà ở xã hội nên gia đình ông mới mạnh dạn vay mượn thêm người thân, cùng với một số tiền tích cóp được lâu nay để xây nhà kiên cố. Được ở trong ngôi nhà mà hàng chục năm nay mơ ước, ông mừng đến rơi nước mắt. Giờ có nhà mới rồi, ông chỉ mong các con có việc làm và thu nhập bảo đảm để ổn định cuộc sống riêng.
Ông Thượng Văn Điệp, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Lắk cho biết, triển khai Nghị định số 100, Chi nhánh đã tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện rà soát, tổng hợp nhu cầu vay vốn chương trình tín dụng cho vay nhà ở xã hội, đồng thời phân giao vốn kịp thời tới từng đơn vị cấp huyện để thực hiện. Đến nay, tất cả các phòng giao dịch ở các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh và Hội sở Chi nhánh Đắk Lắk đều được phân bổ nguồn vốn, qua đó giải ngân cho 363 khách hàng vay vốn, với tổng dư nợ gần 111 tỷ đồng. Đây là chương trình tín dụng thiết thực và nhân văn, giúp ổn định nơi ăn, chốn ở để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc