Multimedia Đọc Báo in

Cảnh báo trục lợi từ mã vùng trồng

08:25, 15/10/2023

Các nhà nhập khẩu Trung Quốc đã lên tiếng cảnh báo vấn đề gian lận mã vùng trồng trong các lô hàng trái cây nông sản nhập từ Việt Nam. Các doanh nghiệp đầu tư nông sản ở Tây Nguyên nhận định rằng cần lưu tâm những cảnh báo này, vì đây là hiểm họa khôn lường.

Tất nhiên không phải vùng trồng nào cũng xuất hiện cảnh báo gian lận mã vùng, và cũng không phải loại trái cây nào cũng có vấn đề gian lận. Chỉ có vài loại nông sản giá trị (trong đó có sầu riêng), vấn nạn đánh tráo mã vùng trồng, ghi mã ở vùng này nhưng thực tế trái cây ở vùng khác, là thực tế khó chối cãi. Từ những lô nông sản xuất khẩu gian lận mã vùng trồng như vậy, ngành nông nghiệp nước nhà và mỗi địa phương phải trả giá thế nào?

Lợi nhuận không nhỏ

Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng tại Cư M’gar chia sẻ: “Riêng vụ sầu riêng năm nay, nếu chúng tôi bán mã vùng trồng, anh biết doanh nghiệp chúng tôi sẽ nhận được bao nhiêu không? Có bốn khách hàng đầu nậu đặt vấn đề với chúng tôi, và nếu giao mã vùng trồng cho họ, chúng tôi sẽ nhận được hơn 1,2 tỷ đồng. Một con số không hề nhỏ, trong bối cảnh làm ăn khó khăn hiện nay".

Chuyện của doanh nghiệp cũng là vấn đề mà nhiều đơn vị đầu tư nông nghiệp Tây Nguyên và cả miền Tây Nam bộ gặp phải. Điểm lại con số các mã vùng trồng bị cảnh báo, bị đưa vào danh sách kiểm tra, buộc thu hồi, có thể nói tình trạng gian lận mã vùng trồng đang phổ biến. Ai cũng hiểu, có rất nhiều đối tượng cần hợp thức hóa các đơn hàng xuất khẩu, dù nguồn hàng họ có không đạt chất lượng đi nữa. Chỉ cần những đơn vị có mã vùng trồng, hay đơn giản chủ nhiệm một hợp tác xã “động lòng”, là sẽ có nhiều đơn hàng đưa nông sản qua biên giới với những xuất xứ không đủ chuẩn nhưng có mã vùng trồng. Các khoản lợi nhuận qua chênh lệch hàng hóa này không nhỏ, nên rõ ràng, việc trao đổi, mua bán mã vùng trồng đồng nghĩa với lợi nhuận lớn.

Hiện tượng tráo mã vùng trồng những năm gần đây càng có xu hướng rộ lên, nhất là sau các thông tin nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Dù Bộ NN-PTNT đã cảnh báo nhiều lần, nhưng rõ ràng, lợi nhuận lớn không đi từ lao động khổ nhọc lại nhanh chóng và dễ dàng đã khiến nhiều người dính vào hành vi nguy hại này.

Một doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu sầu riêng ở huyện Cư M'gar. Ảnh: Đỗ Lan

Cần những định chế xử lý nghiêm

Theo một doanh nghiệp xuất khẩu, trong gần 3 năm qua, đơn vị đã bỏ ra rất nhiều công sức và tiền bạc để đầu tư cùng nông dân cải tạo, phát triển vùng nông sản diện tích lớn và chuyên canh bền vững. Sầu riêng là phần diện tích được chú ý hơn cả, đến nay đã hình thành đến mấy mã vùng cho các khu vực đầu tư canh tác; tiếp đến là các loại nông sản khác, như cà chua, ớt…

Quy định mã vùng trồng phục vụ các đơn hàng xuất khẩu thật ra đơn giản, có đủ diện tích, ví dụ sầu riêng phải trên 10 ha cho mỗi vùng trồng chuyên canh; được chăm bón đúng quy trình kỹ thuật; sản phẩm đạt các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, chất lượng, kiểu dáng… Nhưng mấu chốt nằm ở chỗ, sản phẩm thu hoạch phải đạt các tiêu chuẩn mà nhà nhập khẩu chính ngạch yêu cầu. Bởi các nhà nhập khẩu luôn mua hàng theo thang điểm sản phẩm, như đạt diện tích lớn (mã vùng trồng) 5 điểm, nông sản đạt chuẩn trọng lượng, quy cách 8 điểm, có chất lượng cao 10 điểm…

Cứ như thế, sản phẩm từ vùng trồng chuyên canh sẽ có giá mua tăng dần theo chất lượng. Điều này kích thích người nông dân chú tâm canh tác hơn, vì phải tuân thủ đúng các quy trình, loại giống, rồi cách chăm sóc, thu hoạch, bảo quản thì mới có được sản phẩm đạt chuẩn cao nhất. Đồng ruộng canh tác theo đó an toàn hơn và cho kết quả sản xuất tốt hơn.

Theo các doanh nghiệp, để kiến tạo nên một mã vùng trồng như vậy, đầu tư của doanh nghiệp không hề thấp, bình quân 200 – 300 triệu đồng cho mỗi mùa vụ. Công sức bỏ ra của nhà nông và doanh nghiệp tính ra còn lớn hơn. Nhưng quan trọng là, mã vùng trồng đồng nghĩa với cơ hội xuất khẩu hàng chất lượng, định vị giá trị thương hiệu nông sản tại vùng trồng, tại địa phương, và tại quốc gia.

Vị giám đốc doanh nghiệp trên tâm sự, trước món lợi nhuận lớn thì không ai không “động lòng”. Nhưng vì tương lai doanh nghiệp, vì những mong muốn tốt đẹp hơn, chung tay xây dựng thương hiệu, mã hàng nông sản địa phương, quốc gia, doanh nghiệp đành lắc đầu từ chối. Song, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể chọn lựa như vậy!

Từ thực trạng này, thiết nghĩ chính quyền, các bộ ngành, các địa phương, cần rất nghiêm túc xử lý nghiêm khắc sự vi phạm. Bởi một sự đồng lõa cho gian lận mã vùng trồng, hay mã đóng gói hàng hóa là đồng nghĩa với việc triệt tiêu giá trị nông sản nước nhà. Mỗi đơn hàng bị bóc mẽ gian lận, là mỗi cái giá rất đắt, thu hẹp cánh cửa bán hàng, cơ hội sinh kế của hàng nghìn gia đình nông dân và hàng trăm doanh nghiệp chân chính. Một khi nước nhập khẩu đánh giá tiêu cực về nông sản Việt, mức độ nguy hại cho đời sống nông dân sẽ khó bề đo lường hết được!

Thực tế ngành nông nghiệp nước nhà đang rất cố gắng để tạo nên những cơ hội lớn hơn cho nông sản quốc gia lan tỏa ra thế giới tiêu dùng bên ngoài, nên hành vi trục lợi từ mã vùng trồng của mỗi cá nhân hay đơn vị nào đó, cần phải xử lý nghiêm minh, và phải là câu chuyện mà mỗi người, mỗi nhà phải lưu ý!

Uyên Nghi


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.