Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng mã vùng trồng: Còn nhiều nút thắt cần tháo gỡ

08:43, 28/05/2023

Mã số vùng trồng được coi là "tấm vé thông hành" cho nông sản xuất khẩu, tuy nhiên việc xây dựng mã số vùng trồng cho cây ăn quả trên địa bàn Đắk Lắk hiện còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc từ địa phương, cấp quản lý đến người nông dân.

Khó khăn trong việc thực hiện

Để phát huy được tiềm năng, thế mạnh về cây ăn quả và nâng cao thu nhập cho người sản xuất, Đắk Lắk đã chú trọng xây dựng mã vùng trồng để kiểm soát chất lượng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường. Đây cũng là giải pháp quan trọng để đưa các sản phẩm trái cây Đắk Lắk vươn ra thị trường quốc tế.

Thu hoạch sầu riêng xuất khẩu ở vùng trồng được cấp mã trên địa bàn huyện Krông Búk.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 63 mã số vùng trồng được phê duyệt trên các loại cây trồng như: sầu riêng, xoài, thanh long, vải, chuối, ớt để xuất khẩu đi các nước Úc, New Zealand, Hoa Kỳ và Trung Quốc, với tổng diện tích gần 2.855 ha. Hiện đang có 10 vùng trồng sầu riêng (diện tích 297,4 ha) chờ phê duyệt và 97 vùng trồng đã thiết lập hồ sơ gửi Cục Bảo vệ thực vật chờ kiểm tra trực tuyến gồm: 84 vùng sầu riêng (gần 1.664 ha); 5 vùng khoai lang (trên 418 ha); 4 vùng vải (46,69 ha) và 4 vùng nhãn (49,6 ha).

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, mặc dù việc xây dựng mã vùng trồng đang được tỉnh quan tâm thực hiện, tuy nhiên quá trình thiết lập hồ sơ gặp rất nhiền khó khăn, lúng túng. Trước hết là việc thực hiện TCCS 774:2020/BVTV về quy trình thiết lập và giám sát vùng trồng (viết tắt là TCCS) quy định “vùng trồng là vùng sản xuất chủ yếu một loại cây trồng” mang tính định tính, không hướng dẫn cụ thể như thế nào là sản xuất chủ yếu một loại cây trồng. Trong khi đó, thực trạng sản xuất cây ăn quả tại Đắk Lắk chủ yếu là trồng xen với các loại cây khác. Ngoài ra, một số thành phần hồ sơ như: bản cam kết tham gia vùng trồng và sử dụng mã số sau khi được phê duyệt chưa có hướng dẫn nội dung cụ thể, thống nhất nên công tác thẩm định hồ sơ mất nhiều thời gian.

Bên cạnh đó, TCCS quy định, diện tích tối thiểu của vùng trồng là 10 ha, do vậy các hộ dân phải liên kiết với nhau để đáp ứng về diện tích và phải liên kết theo chuỗi giá trị. Tuy nhiên thực tế cho thấy, việc liên kết giữa đại diện vùng trồng hoặc các đơn vị xuất khẩu với người dân chưa thực sự minh bạch, rõ ràng; người dân tại một số vùng trồng chưa có sự đồng thuận cao. Trong khi đó, hệ thống văn bản về hoạt động quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói chưa hoàn thiện đầy đủ, chưa đồng bộ, chưa có chế tài xử lý khi phát hiện các hành vi vi phạm. Công tác ứng dụng công nghệ thông tin chưa được thông suốt quá trình từ sản xuất, đến thu hoạch, sơ chế, đóng gói và xuất khẩu…

Cần sớm tháo gỡ

Hiện nay, yêu cầu của nhiều nước nhập khẩu ngày càng khắt khe nên buộc các loại trái cây xuất khẩu phải nâng cao chất lượng sản phẩm. Các mã số vùng trồng không chỉ chịu sự giám sát của địa phương, Cục Bảo vệ thực vật mà còn phải chịu sự giám sát của cả nước nhập khẩu. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp và người sản xuất còn thiếu kiến thức về các quy định của nước nhập khẩu, đặc biệt là kiến thức về quản lý sinh vật gây hại, ghi chép hồ sơ. Nhiều địa phương, tổ chức và cá nhân chỉ mới tập trung vào công tác mở rộng diện tích vùng trồng mà chưa quan tâm đúng mức đến công tác kiểm tra, giám sát...

Thu hoạch sầu riêng xuất khẩu ở vùng trồng được cấp mã trên địa bàn huyện Krông Búk.

Với rất nhiều khó khăn cần tháo gỡ, Sở NN-PTNT đã kiến nghị với Bộ NN-PTNT có hướng dẫn cụ thể để địa phương có căn cứ xây dựng phương án triển khai quản lý, giám sát hoạt động thu mua, tiêu thụ sản phẩm tại vùng trồng, việc sử dụng mã số vùng trồng, cũng như hạn chế tình trạng giả mạo, lấy cắp mã số vùng trồng. Đồng thời, cần có phương án hỗ trợ làm thủ tục xuất khẩu tại địa phương nhằm giảm bớt rủi ro cũng như chi phí phát sinh khi làm thủ tục xuất khẩu tại cửa khẩu mà lô hàng không đạt, phải trả về; hướng dẫn chế tài xử lý những hành vi vi phạm liên quan đến gian lận thương mại về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. “Đặc biệt, với các mã số vùng trồng mới bị trả về để địa phương triển khai theo văn bản số 1776/BNN-BVTV, ngày 23/3/2023 của Bộ NN-PTNT về việc cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu, thì Bộ cần sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể để địa phương làm căn cứ thực hiện trong thời gian tới”, ông Lê Văn Thành, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật nói thêm.

Cùng với những kiến nghị, đề xuất, hiện Đắk Lắk cũng đang tập trung tổ chức lại sản xuất, chuẩn hóa quy trình từ sản xuất đến sơ chế, đóng gói, bảo quản và vận chuyển để nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản theo yêu cầu của thị trường nhập khẩu. Tích cực tuyên truyền, vận động thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác để làm đầu mối liên kết nông dân với doanh nghiệp xuất khẩu một cách công khai, minh bạch, tạo sự đồng thuận cao giữa các hộ dân tham gia vùng trồng và doanh nghiệp để phát triển bền vững nông sản xuất khẩu theo chuỗi giá trị. Tăng cường áp dụng công nghệ thông tin để quản lý cơ sở dữ liệu về vùng trồng, cơ sở đóng gói, bảo đảm sử dụng dữ liệu hiệu quả và truy xuất nguồn gốc nhanh chóng, minh bạch. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được phê duyệt mã số.

Việc quản lý vùng trồng và cơ sở đóng gói không chỉ để đáp ứng yêu cầu đảm bảo tuân thủ đúng quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu mà còn giúp thay đổi tập quán canh tác, nâng cao nhận thức sản xuất của nông dân theo hướng chuyên nghiệp, minh bạch và trách nhiệm, qua đó nâng cao giá trị hàng hóa nông sản, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Đắk Lắk trên thị trường quốc tế.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc