Multimedia Đọc Báo in

Kiến tạo dư địa mới để giúp ngành hàng cà phê phát triển

08:44, 01/10/2023

Dừng lại ở mức chế biến và xuất khẩu là chưa đủ để giúp ngành hàng cà phê phát triển mạnh mẽ và bền vững. Nhiều chuyên gia cho rằng, trong “thế giới cà phê” vẫn còn không gian mênh mông, hay nói cách khác là dư địa đầy tiềm năng để chúng ta khai thác và kiến tạo những giá trị mới mẻ khác nhằm góp phần gia tăng chuỗi giá trị kinh tế cho ngành hàng chiến lược này.

Giá trị đến từ cảm xúc

Trước hết phải công nhận rằng cà phê là một loại thức uống hấp dẫn mỗi ngày của hàng tỷ người trên khắp thế giới. Tất nhiên, khi thưởng thức cà phê thì mỗi người mỗi kiểu, tùy vào sở thích và cảm xúc - vì thế các nhà rang xay, chế biến loại “thức uống thần thánh” này đã không ngừng tìm kiếm và sáng tạo nên vô vàn công thức nhằm đáp ứng nhu cầu của “thượng đế”.

Ở đây, thử nêu vài thí dụ để thấy “thế giới cà phê” phong phú đến cỡ nào. Bên cạnh những cái tên quen thuộc như Latte, Cappuccino, Mocha hay Macchiato… loại thức uống kia còn được các tín đồ cà phê cho ra đời rất nhiều công thức pha chế thú vị khác. Ví như Café De Olla - Mexico, dựa trên công thức truyền thống, được đun sôi cùng quế và piloncillo (một dạng đường mía chưa tinh chế). Sau đó, để giữ cho hương vị được lâu và  trọn vẹn, người Mexico đổ cà phê vào trong những chiếc cốc làm bằng đất sét để uống dần. Hay Cà phê Affogato (có nghĩa là đắm chìm) của Ý, là sự kết hợp đầy thi vị của một viên kem Vanilla dẻo mịn, đắm chìm trong tách espresso sóng sánh, đậm đà. Hoặc cà phê trứng - Việt Nam, một sáng tạo hấp dẫn đối với phần đông khách hàng trẻ tuổi nhờ vị béo của trứng gà được đánh tơi ra thành bọt xốp cùng sữa, đường rồi pha cà phê đen đã đun nóng vào cốc để thưởng thức. Hơn thế, cảm xúc từ cà phê mang lại còn được đẩy lên cao hơn nhờ những ý tưởng rất “thời thượng” của một số nhà rang xay, chế biến như: “Cà phê chồn” của Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên, Công ty Cà phê Kiên Cường - Buôn Ma Thuột, hay “Cà phê voi” của  Công ty TNHH Cà phê Cao Nguyên Việt. Sản phẩm cà phê này đang thu hút giới sành điệu bởi chất lượng đặc biệt được tạo ra từ quá trình thẩm thấu, bài tiết tự nhiên của loài chồn và voi ở Đắk Lắk.

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột là dịp để giới thiệu, quảng bá ngành hàng cà phê Việt Nam nói chung.

Dư địa của ngành cà phê cũng đang được nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác tích hợp và phát triển hết sức đa dạng, mang lại giá trị kinh tế đáng kể. Chẳng hạn trong địa hạt mỹ phẩm hiện nay, sản phẩm loại tẩy tế bào chết mang thương hiệu “Cocoon Dak Lak Coffee Body Polish” đang gây sự chú ý của khách hàng, nhất là chị em có nhu cầu làm đẹp làn da của mình. Đây là sản phẩm được làm từ những hạt cà phê Đắk Lắk nguyên chất được xay nhuyễn và hòa trộn cùng bơ, ca cao Tiền Giang, giúp loại bỏ tế bào chết rất hiệu quả và hiện đang được “thượng đế” ưa chuộng với câu sologan dung dị mà cuốn hút: “Hương cà phê nguyên chất đậm đà hòa cùng hương bơ đặc trưng sẽ mang lại cho bạn trải nghiệm thư giãn tuyệt vời sau ngày làm việc căng thẳng và mệt mỏi”. 

Giảm bán theo "bao", tăng bán theo "gói"

 

“Vừa đi vào chế biến tinh, cho ra sản phẩm cà phê đặc sản, khác biệt…, vừa dẫn dắt người tiêu dùng trong nước và quốc tế chạm đến giá trị văn hóa cà phê Việt được tích hợp trong đó, chắc chắn sẽ mở ra tương lai tươi sáng cho ngành hàng cà phê Việt Nam” (chia sẻ của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tại Hội thảo "Xây dựng chuỗi ngành hàng cà phê Việt Nam chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững" được tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột vào trung tuần tháng 3/2023).

Phải nói rằng dư địa của “thế giới cà phê” mở ra không gian rộng lớn để các doanh nghiệp, nhà đầu tư khai thác và phát triển - từ mật ong hoa cà phê, phân bón, dung dịch nhuộm vải, sợi, giấy… cũng có thể làm từ cà phê nên việc gia tăng giá trị cho ngành hàng này hiện tại và tương lai đang rộng mở. Tuy nhiên, nói như Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan trong dịp Hội thảo "Xây dựng chuỗi ngành hàng cà phê Việt Nam chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững" tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8  năm 2023 rằng: Thế giới đã làm được nhiều chuyện từ cà phê, nhưng chúng ta còn đang làm thô ngay cả trong khâu sản xuất, chế biến và xuất khẩu sản phẩm chủ lực. Vì thế phải và tiếp tục định vị lại thương hiệu cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới bằng chất lượng, niềm tin của người tiêu dùng.

Theo vị “tư lệnh” ngành nông nghiệp, để có thương hiệu mạnh cho ngành hàng chiến lược này thì nhất thiết phải tổ chức sản xuất, chế biến và xuất khẩu cà phê theo chuỗi liên kết chặt chẽ, đồng bộ và gắn kết giữa các cơ quan Trung ương, chính quyền địa phương, giới chuyên môn - khoa học, doanh nghiệp, nhà đầu tư cho đến cơ quan ngoại giao, xúc tiến thương mại... Từ đó, cùng nhau tìm giải pháp xây dựng, phát triển thương hiệu cà phê Việt theo hướng xanh, sạch và bền vững, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Trong đó, đồng thời với việc đẩy mạnh tái canh, tiếp tục đầu tư vùng nguyên liệu tập trung, chuyên canh; xây dựng các tiêu chuẩn về cà phê đạt chứng nhận quốc tế như 4C, Rain Forest, Fairtrade… thì vấn đề được xem là trọng tâm, có ý nghĩa như “chìa khóa vạn năng” mở ra chân trời mới cho ngành hàng này - đó là nhanh chóng và thực chất hình thành ngành công nghiệp chế biến cà phê, đặc biệt là chế biến sâu đi cùng với đa dạng hóa sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa cũng như quốc tế.

Người dân xã Ea Tân (huyện Krông Năng) thu hoạch cà phê chất lượng cao. Ảnh: Nguyễn Gia

Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, các thị trường nhập khẩu và tiêu thụ cà phê hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, EU… ngày càng gia tăng yêu cầu về chất lượng, tính bền vững đối với các sản phẩm được nhập vào đây. Mới đây, cuối năm 2022, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, Liên minh châu Âu (EU) đã đạt thỏa thuận cấm nhập khẩu một số sản phẩm được xem là yếu tố chính thúc đẩy nạn phá rừng, trong đó có cà phê. Rõ ràng, đây là thách thức vô cùng lớn đặt ra cho cộng đồng sản xuất, xuất khẩu cà phê Việt Nam hiện tại và tương lai. Ngoài ra, vị thế cà phê Việt Nam còn chịu sức ép cạnh tranh rất gay gắt từ các nước xuất khẩu lớn như Brazil, Ấn Độ, Colombia… Do đó, cà phê Việt Nam - muốn định vị cho mình một tư thế vững vàng và hoàn toàn mới thì không còn cách nào khác là phải đầu tư có chiều sâu hơn, nhất là các sản phẩm xuất khẩu phải là cà phê đặc sản, bền vững và khác biệt trong bức tranh cà phê toàn cầu. Chỉ có đi theo đường hướng ấy mới mong cà phê Việt Nam vượt qua hạn chế xuất thô như lâu nay để hướng tới mục tiêu: Giảm bán hàng theo “bao”, tăng bán hàng theo “gói”, đính kèm với những chiến dịch quảng bá thường xuyên, rộng rãi thương hiệu và văn hóa cà phê Việt trong mọi không gian/dư địa được tạo ra từ ngành hàng quan trọng này.  

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.