Multimedia Đọc Báo in

Đẩy mạnh xuất khẩu nông sản trong bối cảnh hội nhập

08:43, 01/10/2023

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk đang đứng trước nhiều cơ hội để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững sản phẩm nông sản. Tuy nhiên, đây cũng là khó khăn, thách thức lớn nếu người dân, doanh nghiệp (DN) không tận dụng được thời cơ.

Chung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với ông HUỲNH NGỌC DƯƠNG, Phó Giám đốc Sở Công Thương.

Ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công Thương.

♦ Thưa ông, trong những năm gần đây, Sở Công Thương đã có những hoạt động gì để hỗ trợ người dân, DN quảng bá sản phẩm, tiêu thụ nông sản?

Sở Công Thương luôn chú trọng công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm của địa phương. Để đa dạng đầu ra cho sản phẩm nông sản, bên cạnh đẩy mạnh tiêu thụ ở các kênh truyền thống, Sở đã tích cực hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh giới thiệu, quảng bá nông sản bằng việc kết nối với nhiều sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT). Đồng thời làm việc với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số của Bộ Công Thương hỗ trợ thiết kế bao bì, mẫu mã sản phẩm để đưa lên các gian hàng trên sàn TMĐT. Tính riêng trong đợt dịch COVID-19 năm 2020, 2021, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã hỗ trợ tỉnh Đắk Lắk gần 100 mặt hàng tham gia vào các sàn TMĐT. Trong đó, nhiều DN tham gia được vào những sàn TMĐT lớn như: Amazon, Alibaba… Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đánh giá chỉ số TMĐT của Đắk Lắk năm 2022 xếp thứ 18 trên toàn quốc.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng theo dõi sát tình hình biên mậu, cập nhật thông tin giá cả thị trường trong và ngoài nước đối với nông sản để tìm kiếm thị trường có tiềm năng xuất khẩu. Cùng với đó, tăng cường kết nối giao thương giữa nhà cung cấp sản phẩm với các DN phân phối để nâng cao giá trị nông sản.

♦ Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, tiêu thụ nông sản vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn với ngành nông nghiệp tỉnh ta. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

Tỉnh Đắk Lắk có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt khoảng 1,5 tỷ USD. Sản phẩm chủ lực của tỉnh đã có mặt trên 70 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đặc biệt, nhờ có uy tín, chất lượng nên nhiều mặt hàng đã thâm nhập được vào các thị trường lớn, đòi hỏi cao về tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm như: Mỹ, Hà Lan, Nhật Bản…

Đến thời điểm này, Việt Nam đã ký 16 hiệp định thương mại tự do với các đối tác song phương và đa phương. Đây là cơ hội lớn để sản phẩm nông sản của tỉnh Đắk Lắk được tham gia vào các thị trường khó tính.

Tuy nhiên trên thực tế, hoạt động xúc tiến thương mại vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Một trong số đó phải kể đến tình trạng sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ khiến sản phẩm nông sản chưa đáp ứng được tiêu chuẩn, đòi hỏi của các thị trường nước ngoài, tính cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam với thế giới còn thấp. Phần lớn sản phẩm nông sản của tỉnh vẫn chưa xây dựng được thương hiệu. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới giá trị nông sản khi xuất khẩu chưa cao. Bên cạnh đó, hầu hết các DN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh là DN vừa và nhỏ, thiếu cả về nguồn nhân lực và kinh phí hoạt động để thực hiện chiến lược, kế hoạch xúc tiến thương mại bài bản.

Sầu riêng là một trong những mặt hàng tiềm năng của Đắk Lắk, được xuất khẩu qua Trung Quốc.

♦ Nhằm đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, đặc biệt là mở rộng thị trường xuất khẩu, Sở Công Thương đã tập trung vào những giải pháp nào thưa ông?

Để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, Sở Công Thương tập trung vào ba giải pháp. Thứ nhất, phải mở rộng được DN mới tham gia xuất khẩu. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chỉ có khoảng 20 DN tham gia xuất khẩu cà phê, vì vậy chúng ta phải mở rộng đối tượng tham gia xuất khẩu. Thứ hai, cần đa dạng hóa thị trường. Bên cạnh các thị trường truyền thống đã phát triển ổn định, phải nắm bắt cơ hội, mở rộng thị trường mới qua phương pháp kinh doanh truyền thống và kinh doanh TMĐT. Thứ ba, phải có những sản phẩm nông sản mới, được đầu tư bài bản, chuyên sâu về công nghệ để tham gia vào thị trường xuất khẩu. Qua đó đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng nước ngoài.

Bên cạnh đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang các thị trường lớn, có tiềm năng trên thế giới, Sở Công Thương cũng khuyến cáo DN, người dân cần ưu tiên phát triển thị trường nội địa. Kinh nghiệm sau nhiều năm cho thấy, thị trường nội địa không chỉ tạo ra cơ hội mà còn là điểm tựa của nhiều DN khi thị trường thế giới gặp biến động mạnh. Vì vậy, các DN, hộ kinh doanh cần quảng bá tới người tiêu dùng trong nước những sản phẩm chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng, phong phú, giá cả hợp lý.

♦ Xin cảm ơn ông!

Như Quỳnh (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc