Multimedia Đọc Báo in

Nhộn nhịp mùa cau

07:06, 27/10/2023

Thời điểm này, cau đang vào vụ thu hoạch chính nên hoạt động thu mua, buôn bán tại các nhà vườn, lò sấy trên địa bàn tỉnh diễn ra nhộn nhịp hơn.

Đầu mùa, giá cau tươi chỉ dao động ở mức 2.000 - 3.000 đồng/kg. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, cau được thương lái thu mua với giá 15.000 đồng/kg. Vừa bán xong lứa cau quả được giá, gia đình chị Nguyễn Thị Thơm (buôn Ea M’tá A, xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin) đang tích cực chăm sóc cho cây. Hiện gia đình chị có hơn 400 cây cau cho trái, được trồng từ năm 1995. Đây là giống cau liên phòng, có khả năng chịu gió bão tốt, cây khỏe, ít sâu bệnh và buồng sai quả. “Vụ mùa cau đến cũng là lúc gia đình tôi mỗi ngày đón hàng chục lượt người hỏi mua. Khắp làng trên xóm dưới không khí thu hoạch và mua bán tại các nhà vườn diễn ra khá sôi nổi, số lượng thương lái, xe chở hàng tấp nập ra vào", chị Thơm chia sẻ.

Thương lái sử dụng kỹ năng, sức trèo cây dẻo dai đưa những buồng cau xuống đất an toàn.

Những ngày này, đi dọc các tuyến quốc lộ, dễ dàng gặp hình ảnh những chiếc xe máy chở đầy cau trên yên xe. Ngay từ sáng sớm, anh Nguyễn Văn Tự (thôn 9, xã Krông Búk, huyện Krông Pắc) lại lên đường đi thu mua cau. "Bén duyên" với nghề “leo cây hái ra tiền” hơn 4 năm nay, khi vụ hè thu kết thúc, thu hoạch xong các loại nông sản cũng là lúc anh rong ruổi trên các nẻo đường để thu mua loại quả này.

Giá cau tăng giúp những người làm nghề như anh Tự có được thu nhập đáng kể. “Các vựa thu mua bao nhiêu thì tôi lại đi cắt của người dân bấy nhiêu, chủ yếu lấy công làm lãi. Hằng ngày chịu khó đi tìm, tôi cũng lãi từ vài trăm nghìn đến cả triệu đồng từ công việc hái cau rồi đem về bán lại cho các vựa, cơ sở chế biến”, anh Tự bộc bạch. Trong quá trình thu hái, anh chỉ sử dụng một cái móc dây được đeo ở chân, tay bám chặt vào thân cây còn chân đẩy phần thân lên. Phút chốc, những buồng cau nặng trĩu được đưa xuống đất một cách an toàn.

Đến hẹn lại lên, thời điểm cau vào vụ thu hoạch chính cũng là lúc các điểm thu mua và sơ chế cau tươi hoạt động hết công suất. Cau khi được thu mua về sẽ được phân loại và tách ra khỏi cuống để đưa vào lò luộc. Sau đó vớt cau ra để ráo nước và sấy trong 4 - 5 ngày, đến khi cau có độ săn chắc nhất định sẽ tiến hành đóng gói. Tuy nhiên, mỗi lò sấy đều có những công thức chế biến và sấy khô khác nhau nên quy trình sản xuất cũng được thay đổi.

Công việc tách cau ra khỏi cuống giúp nhiều lao động nữ có thêm nguồn thu nhập.

Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc thu mua và sấy cau khô bán cho thương lái, bà Hoàng Thị Sao (xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin) cho biết, mỗi ngày cơ sở của bà thu gom khoảng 10 tấn cau tươi từ các lái buôn. Lò sấy của bà chỉ thu mua những loại cau non, quả thon dài, cắn ra còn nước. Đây là những tiêu chuẩn để tạo ra sản phẩm quả cau sấy khô đảm bảo chất lượng, đáp ứng được nhu cầu của thương lái.

“Từ tháng 6 đến tháng 12 (dương lịch) là thời điểm nhộn nhịp nhất của mùa cau, cũng là lúc chúng tôi hoạt động rầm rộ cả ngày lẫn đêm để kịp giao hàng cho thương lái. Mỗi ngày lò sấy có 20 - 30 nhân công làm việc, với mức thu nhập từ vài triệu đến hơn chục triệu đồng/người/tháng, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương lúc nông nhàn. Trung bình cứ 4 kg cau tươi sấy cho ra 1 kg cau khô. Vì thế giá cau sấy khô sẽ được bán cao gấp mấy chục lần so với mua cau tươi, bởi để tạo ra những trái cau đạt chuẩn phải trải qua rất nhiều công đoạn”, bà Sao cho hay.

Thúy Nga


Ý kiến bạn đọc