Multimedia Đọc Báo in

Nông dân trồng cau thu lãi hàng trăm triệu đồng giữa mùa dịch

07:12, 07/09/2021

Trong khi hàng loạt nông sản hạ giá mạnh do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 thì nhiều hộ dân trồng cau lại phấn khởi vì “trúng đậm”, thu về hàng trăm triệu đồng từ loại cây trồng này.

Hơn 20 năm trước, gia đình chị Nguyễn Thị Thảo (thôn 6, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) mua 1,2 ha đất với mục đích trồng cà phê, tiêu song địa hình đất không bằng phẳng, độ dốc lớn nên việc chăm sóc, thu hoạch gặp rất nhiều khó khăn.

Đặc biệt, khi bón phân nếu gặp mưa lớn sẽ bị rửa trôi, nên cây trồng còi cọc, năng suất kém. Sau đó, từ lời khuyên của người thân, vợ chồng chị quyết định mua 1.000 gốc cau về trồng xen với cà phê, hồ tiêu, hy vọng có đồng ra đồng vào đủ trang trải cuộc sống hằng ngày cho gia đình. Không ngờ cau thích hợp với đất đồi dốc nên gần 100% cây giống đưa về trồng đều phát triển tốt, sau 5 năm bắt đầu cho thu hoạch ổn định.

Tuy nhiên, giai đoạn đầu, giá cau chỉ hơn 10.000 đồng/kg, có lúc vợ chồng chị tính chặt bỏ để thay thế cây trồng khác như bơ, sầu riêng. Song nghĩ lại, với địa hình đồi dốc thì trồng cây gì cũng khó nên chị để lại, đến đâu tính đến đó. May mắn là cây cau dễ tính nên dù ít được chăm sóc nhưng vẫn phát triển tốt, quả cau cũng ít khi có sâu bệnh nên đến mùa vẫn cho sản lượng khá cao.

Vườn cau sai trĩu quả của hộ chị Nguyễn Thị Thảo (thôn 6, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin).

Trong 5 năm trở lại đây, khi trên địa bàn tỉnh có nhiều cơ sở thu mua, chế biến cau quả thì giá loại nông sản này tăng dần lên, dao động từ 35.000 – 50.000 đồng/kg. Đặc biệt, năm nay đầu mùa, giá cau tăng lên đến 70.000 đồng/kg, vườn cau của gia đình thu về hàng trăm triệu đồng. Chị Thảo cho hay, mỗi cây cho thu từ 3 - 4 buồng, mỗi buồng cau già khoảng 10 - 17 kg, còn cau cho lứa đầu cũng từ 5 kg trở lên. Đầu mùa năm nay, chị đã thu được gần 2 tấn cau, thu về hơn 100 triệu đồng. “Năm nay dịch bệnh nên trái cây khó tiêu thụ, cái gì cũng rẻ, may mắn thay vườn cau nhà tôi được mùa lại được giá nên mới đầu mùa đã bán được hơn trăm triệu đồng. Đến hết mùa, nếu duy trì giá bán từ 65.000 – 70.000 đồng/kg như thời điểm đầu mùa thì thu về xấp xỉ 1 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 2/3”, chị Thảo mừng rỡ chia sẻ.

Không chỉ riêng gia đình chị Thảo mà nhiều hộ dân khác ở huyện Cư Kuin cũng có nguồn thu nhập ổn định nhờ trồng cau. Đơn cử như hộ ông Nguyễn Viết Minh (cùng ở thôn 6, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) cũng “trúng đậm” nhờ vườn cau 5 sào. Ông cho biết, 5 sào đất của nhà ông ở địa hình dốc nên không thể trồng các loại cây ăn quả khác. Với suy nghĩ trồng cây để giữ đất, vào năm 2000, ông quyết định trồng 250 gốc cau. Bất ngờ những năm gần đây, giá cau tăng mạnh, mỗi mùa ông hái được khoảng 4 tấn cau, thu về trên 200 triệu đồng. Năm nay, giá cau tăng cao, từ vườn cau hơn 20 năm tuổi của gia đình, vợ chồng ông thu về gần 300 triệu đồng.

Cau là loại cây trồng khá dễ tính nên rất phù hợp thời tiết, khí hậu ở vùng Tây Nguyên. Những năm gần đây giá cau luôn ổn định, thậm chí rất cao nên khá nhiều người dân đổ xô đi mua cây giống. Chị P.T.M., chủ một vườn ươm tại xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột) cho biết: “Trong 3 năm trở lại đây, cây cau giống bán rất “chạy”, giá dao động từ 15.000 – 20.000 đồng/cây, có chừng nào bán hết chừng đó. Đơn cử như năm nay, với khoảng 1 vạn cây cau giống, gia đình tôi đã bán hết trong vòng một tháng. Hiện tại, vẫn còn nhiều người hỏi mua giống cau nhưng không còn”.

Một điểm thu mua cau tại thôn 6, xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin).

Cau trái được mùa, tăng giá là tín hiệu đáng mừng, nhất là trong thời điểm dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến nhiều mặt hàng nông sản. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết người dân trên địa bàn tỉnh trồng cau hoàn toàn tự phát, cộng thêm đầu ra của sản phẩm này chưa ổn định. Do đó, việc ồ ạt thay thế cây cau cho cây trồng khác vẫn ẩn chứa rủi ro cao.

Khánh Huyền


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Búk chú trọng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Nhiều chương trình, dự án đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Krông Búk đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng ổn định kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.