Multimedia Đọc Báo in

Công bố Quy hoạch xây dựng vùng huyện Cư M’gar đến năm 2045

10:54, 21/11/2023

Ngày 21/11, huyện Cư M’gar tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch xây dựng vùng huyện Cư M’gar đến năm 2045.

Quy hoạch xây dựng vùng huyện Cư M’gar đến năm 2045 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2064/QÐ-UBND, ngày 16/10/2023 với mục tiêu đến năm 2045, huyện Cư M’gar hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, các tiêu chí, chỉ tiêu về phát triển đô thị, có nền kinh tế phát triển, tăng trưởng ổn định theo hướng thân thiện với môi trường; chất lượng đô thị hóa cao, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; phát triển cân bằng giữa đô thị và nông thôn, môi trường sống văn minh, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa.

 biểu tham dự Hội nghị
Đại biểu tham dự Hội nghị công bố Quy hoạch xây dựng vùng huyện Cư M’gar đến năm 2045.

Theo định hướng phát triển không gian vùng, huyện Cư M’gar được phân thành 2 tiểu vùng phát triển kinh tế: tiểu vùng 1 là khu đô thị - dịch vụ - du lịch - công nghiệp và tiểu vùng 2 là khu dịch vụ nông lâm nghiệp.

Trong đó, tiểu vùng 1 bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính thị trấn Quảng Phú, thị trấn Ea Pốk, các xã: Quảng Tiến, Cư Suê, Cư M’gar, Cuôr Đăng, Ea Drơng, Ea K’pam, Ea Tul và Cư Dliê M’nông, trung tâm của tiểu vùng là thị trấn Quảng Phú. Tiểu vùng 1 được định hướng phát triển tổng hợp thế mạnh nổi trội của huyện, là khu vực cửa ngõ phía Bắc của TP. Buôn Ma Thuột. Đây sẽ là khu vực cung cấp thực phẩm cho TP. Buôn Ma Thuột và hỗ trợ cho thị xã Buôn Hồ; hình thành các chức năng về dịch vụ và thương mại, hỗ trợ một phần cho cực phát triển còn lại; hình thành các trung tâm chuyển giao công nghệ gắn với vùng sản xuất.

Tiểu vùng 2 gồm toàn bộ ranh giới hành chính các xã: Ea Kiết, Ea Kuêh, Ea M’Droh, Quảng Hiệp, Ea Tar, Ea H’ding, Ea M’nang với trung tâm của tiểu vùng là xã Ea Kiết. Tiểu vùng 2 có định hướng phát triển thương mại gắn với dịch vụ sản xuất nông nghiệp, hình thành các trung tâm hỗ trợ sản xuất và đầu mối trung chuyển, các kênh phân phối gắn với chuỗi logistic của vùng và của tỉnh.

Đến năm 2045, huyện Cư M'gar dự kiến có 3 đô thị: thị trấn Quảng Phú (đô thị loại III); thị trấn Ea Pốk (đô thị loại IV) và thị trấn Cuôr Đăng (đô thị loại V).

Bên cạnh đó, huyện đầu tư phát triển khu công nghiệp Phú Xuân tại xã Ea Drơng với quy mô 325,6 ha; phát triển cụm công nghiệp dự kiến tại xã Ea Kpam, với quy mô khoảng 75 ha…

Lãnh đạo huyện trao đổi về Đồ án phát triển vùng huyện Cư Mgar đến năm 2045
  Các đại biểu trao đổi về Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Cư M'gar đến năm 2045.

Về dự báo phát triển kinh tế, đến năm 2045, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 10-11%; Công nghiệp - tiểu thủ công nghệp, xây dựng chiếm 38-39%; thương mại, dịch vụ chiếm 49-50%.

Đối với định hướng phát triển các vùng nông, lâm nghiệp: Huyện Cư M’gar dự kiến hình thành 3 khu trung tâm hỗ trợ sản xuất, bố trí tại các xã: Ea K’pam, Ea Kiết và Quảng Hiệp. Đồng thời, huyện phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp; vùng trồng cây hàng năm, lâu năm; vùng sản xuất lâm nghiệp; vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao…

Ông Vũ Hồng Nhật, Chủ tịch UBNd huyện Cư Mgar phát biểu tai Hội nghị Công bố
Ông Vũ Hồng Nhật, Chủ tịch UBND huyện phát biểu tai Hội nghị Công bố Quy hoạch vùng huyện đến năm 2045.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Vũ Hồng Nhật, Chủ tịch UBND huyện khẳng định, Quy hoạch xây dựng vùng huyện Cư M’gar đến năm 2045 được phê duyệt là cơ sở pháp lý để UBND huyện triển khai thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm tính đồng bộ thống nhất, phù hợp với quy hoạch tỉnh.

Đây là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng, nhưng mới chỉ là bước khởi đầu. Để Quy hoạch xây dựng vùng huyện đến năm 2045 trở thành hiện thực, UBND huyện sẽ tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các nội dung cốt lõi của quy hoạch; tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh, kể cả kêu gọi đầu tư nước ngoài vào đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao; tăng cường công tác bảo vệ môi trường, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo…  Trước mắt, phấn đấu xây dựng huyện Cư M’gar trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2025.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.