Multimedia Đọc Báo in

Đối thoại với nông dân: Mở hướng cho nông sản chất lượng, an toàn

07:23, 20/11/2023

Hội nghị UBND tỉnh đối thoại với nông dân năm 2023 về chủ đề "Nâng cao chất lượng nông sản, sản xuất – kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, bảo vệ môi trường" diễn ra vào sáng 16/11 vừa qua đã kịp thời giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giúp nông dân nắm bắt thêm chủ trương, chính sách, cơ chế liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Trăn trở việc tạo giá trị gia tăng cho nông sản

Trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở, tại hội nghị, các hội viên, nông dân các huyện, thị xã, thành phố đã có 16 ý kiến, đề xuất với lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành, tập trung vào các vấn đề như: nâng cao chất lượng nông sản đáp ứng nhu cầu thị trường; chính sách, nguồn lực để nâng cao chất lượng nông sản và phát triển nông sản đặc trưng của tỉnh; đảm bảo môi trường trong sản xuất nông nghiệp; chính sách, nguồn lực để phát triển sản xuất - kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn; quản lý việc nhập khẩu nông sản đảm bảo chất lượng để đảm bảo việc phát triển nông sản của tỉnh và đảm bảo sức khỏe của nhân dân...

Đại diện cán bộ, hội viên nông dân xã Krông Búk (huyện Krông Pắc) nêu ý kiến tại hội nghị.

Nhận thấy hiện nay các tỉnh trong khu vực cũng có những nông sản cùng loại và đang nâng cao chất lượng, cạnh tranh trực tiếp với nông sản của tỉnh nhà, ông Phạm Ngọc Thân (xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn) mong muốn biết thêm về các chính sách của tỉnh để nâng cao chất lượng nông sản và phát triển nông sản đặc trưng của địa phương trong thời gian tới.

Ông Y Niêm Êban (Chủ tịch Hội Nông dân huyện Krông Pắc) nêu băn khoăn, huyện Krông Pắc giàu tiềm năng để phát triển nông nghiệp nhưng công tác bảo vệ môi trường trong nông nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, nhất là khâu xử lý rác thải từ các chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật, mặc dù đã xây dựng các bể chứa bằng bê tông tại các cánh đồng nhưng khâu xử lý rác thải gây hại này chưa có phương án hợp lý. Công tác đảm bảo môi trường hiện đang thực hiện được một nửa công đoạn là thu gom, còn phần xử lý, tỉnh có quy hoạch, xử lý rác thải nguy hại như thế nào?

Ông Bùi Quang Hợp (xã Krông Búk, huyện Krông Pắc) bày tỏ, các hợp tác xã mới khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đang gặp khó khăn về quảng bá, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm, mong muốn tỉnh có thêm các chính sách hỗ trợ.

Ông Hà Văn Tuyến (phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) nêu lên một trong những vấn đề đang rất được quan tâm hiện nay, đó là giải pháp hỗ trợ người nông dân trong quá trình chuyển đổi số gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương trên môi trường mạng, xây dựng website quảng bá, giới thiệu, quản lý, buôn bán sản phẩm nông nghiệp đặc trưng.

Tập trung “gỡ khó”

Chủ trì hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn nhấn mạnh, buổi đối thoại với nông dân là dịp để cán bộ, hội viên, nông dân trong tỉnh trực tiếp phản ánh tâm tư, nguyện vọng về những khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị về cơ chế, chính sách liên quan đến nông nghiệp - nông dân - nông thôn trên địa bàn tỉnh; cũng là dịp để lãnh đạo tỉnh lắng nghe và kịp thời tháo gỡ các "nút thắt" cho nông dân. Do đó, các ý kiến, kiến nghị tại buổi đối thoại đã được đại diện lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành của tỉnh trực tiếp trả lời.

Lãnh đạo tỉnh và các sở ngành tham gia Hội nghị đối thoại với nông dân.

Trên cơ sở kết quả buổi đối thoại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Hội Nông dân tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh tổng hợp chuyển tất cả các ý kiến, kiến nghị của cán bộ, hội viên, nông dân cho các sở, ngành của tỉnh có liên quan để tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh trả lời; nếu cần thiết kiến nghị với các bộ, ngành Trung ương để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Đồng thời mong muốn cán bộ, hội viên nông dân tiếp tục đồng hành cùng các cấp chính quyền, nhằm góp phần thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tiếp theo.

Tham dự hội nghị đối thoại, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Đinh Khắc Đính đánh giá, từ hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk và nông dân năm 2022 đến nay, tỉnh đã có nhiều quyết sách, giải pháp đồng bộ góp phần tạo điều kiện, môi trường để các cấp Hội và hội viên nông dân tiếp tục phát huy vai trò, tích cực góp phần xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển. Qua hội nghị đối thoại lần này, đồng chí mong muốn tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm, nghiên cứu, có thêm cơ chế, chính sách, giải pháp vừa mang tính chiến lược, lâu dài, vừa giải quyết các vấn đề cấp bách, tình thế từ những kiến nghị, đề xuất của nông dân; quan tâm cân đối nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tạo điều kiện thuận lợi để hội viên nông dân tiếp cận, hưởng lợi từ các cơ chế, chính sách, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống; tạo điều kiện hơn nữa để tổ chức Hội Nông dân tiếp tục phát huy vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi trước tình hình hiện nay và trong thời gian tới.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.