Hỗ trợ sinh kế cho người nghèo
Hỗ trợ sinh kế được xem là giải pháp hữu hiệu để hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững. Thông qua việc thực hiện các chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng mô hình sinh kế đã góp phần tạo việc làm, giúp người nghèo tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.
"Phủ sóng" nguồn vốn ưu đãi
Quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng vì đất đai cằn cỗi, cái nghèo cứ mãi đeo bám gia đình anh Nguyễn Xuân Hoàng (tổ dân phố 7, thị trấn Krông Kmar, huyện Krông Bông). Trăn trở phải tìm hướng phát triển kinh tế, năm 2019, anh tham gia tổ tiết kiệm và vay vốn tổ dân phố, được hướng dẫn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với số tiền 50 triệu đồng. Từ số vốn trên, anh Hoàng xây dựng chuồng trại nuôi bò và heo rừng, đồng thời chuyển diện tích hoa màu kém hiệu quả sang trồng cỏ làm thức ăn cho vật nuôi. Sau 3 năm, mô hình chăn nuôi đạt hiệu quả rõ rệt, mang lại nguồn thu trên 150 triệu đồng/năm.
Cũng như anh Hoàng, thời gian qua đã có hàng chục nghìn hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Theo thống kê của Ngân hàng Chính sách xã hội Đắk Lắk, đến nay, nguồn vốn của ngân hàng đã phủ kín đến tất cả 184 xã, phường, thị trấn ở 15 huyện, thị xã, thành phố. Nhiều chương trình cho vay tín dụng được triển khai kịp thời như cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, cho vay giải quyết việc làm, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay xuất khẩu lao động… giúp người dân cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Gia đình bà Nguyễn Thị Tín ( xã Hoà Lễ, huyện Krông Bông) được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư chăn nuôi. |
Cùng với việc sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế, nhiều mô hình sinh kế mới với nguồn vốn nhỏ đang được triển khai. Có thể kể đến mô hình kinh doanh “WeHome Café” - cách thức kinh doanh đơn giản, tiện lợi, không cần mặt bằng lớn do Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Buôn Ma Thuột phối hợp cùng Công ty TNI King Coffee thực hiện dành cho hội viên phụ nữ khó khăn, không có việc làm. Các chị em được tặng xe WeHome Café và bộ dụng cụ pha chế cà phê, được đào tạo kiến thức kinh doanh, quản lý tài chính, pha chế các thức uống, sử dụng phần mềm ePOS được tích hợp trong King Coffee Super App.... để vận hành mô hình một cách hiệu quả. Ở giai đoạn 1, đã có 10 chị em trên địa bàn thành phố được trao tặng xe và vận hành mô hình, kết hợp kinh doanh online theo hình thức ship tận nơi, bước đầu tạo nguồn thu nhập hằng ngày.
Gắn kết với mô hình kinh tế tập thể
Để hướng đến giảm nghèo bền vững, bên cạnh việc lựa chọn đầu tư vào các mô hình sinh kế thông minh, phù hợp, việc phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) được xem là giải pháp quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo, đặc biệt ở khu vực dân tộc thiểu số và miền núi.
Với sự linh hoạt trong sản xuất, kinh doanh, HTX Giảm nghèo Ea Súp đã tập hợp được nhiều nông dân tham gia vào phát triển sản xuất nông nghiệp. Được thành lập năm 2019 với mục đích tiếp nối các hoạt động đã được thực hiện trong Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên, HTX đã chủ động liên kết với các hộ nông dân trồng lúa trên địa bàn huyện Ea Súp để duy trì hoạt động sinh kế có hiệu quả; hướng dẫn nông dân thành lập Tổ hợp tác sản xuất nguyên liệu (lúa) và các HTX dịch vụ nông nghiệp; hướng dẫn kỹ thuật canh tác, đầu tư giống, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm, quản lý, giám sát quá trình sản xuất, thu hoạch đạt chất lượng.... HTX cũng hình thành các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo Ea Súp chất lượng cao, tích cực phát triển sản phẩm chuyên sâu chế biến từ gạo; đồng thời tạo đầu ra ổn định cho các xã viên, nông dân sản xuất trong chuỗi.
Cơ sở sản xuất sản phẩm chuyên sâu chế biến từ gạo của Hợp tác xã Giảm nghèo Ea Súp tại xã Ea Lê (huyện Ea Súp). |
Giám đốc HTX Giảm nghèo Ea Súp Nguyễn Việt Đức cho biết, hiện HTX đang liên kết với 79 hộ dân (ở các xã Ya Tờ Mốt, Ea Lê, Ia Lốp) với tổng diện tích liên kết trên 141 ha, định hình phát triển một nền nông nghiệp xanh hòa hợp với thiên nhiên và gắn kết bà con nông dân cùng thực hiện việc giảm nghèo và làm giàu bền vững. Quá trình hoạt động tuy còn gặp không ít khó khăn, đặc biệt về nguồn vốn lưu động cũng như hạn chế về máy móc, thiết bị nhưng hiện HTX đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho xã viên, giúp ổn định cuộc sống. Đến nay, mức thu nhập bình quân của các thành viên, nông dân liên kết đạt trên 4 triệu đồng/tháng.
HTX Dệt thổ cẩm Tơng Bông (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) trải qua bao khó khăn cũng đã từng bước khẳng định được vị thế, tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều phụ nữ dân tộc Êđê. Từ 10 thành viên khi mới thành lập, đến nay HTX đã có 45 thành viên với mức thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng/tháng. Không chỉ giữ gìn được nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc, tận dụng những lợi thế của địa phương, HTX còn mạnh dạn đầu tư xây dựng khu du lịch cộng đồng, xây dựng trang trại nuôi gà, lợn thả vườn… qua đó phát triển kinh tế gắn với du lịch sinh thái cộng đồng, giúp phụ nữ thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Huyền Diệu
Ý kiến bạn đọc