Multimedia Đọc Báo in

Nguy hại từ cà phê bột giả (Kỳ 2)

14:48, 03/11/2023

Kỳ 2: Loay hoay việc quản lý

Vì sao ở ngay thủ phủ cà phê mà cà phê giả, cà phê kém chất lượng vẫn có đất sống? Cùng với sự hạn chế trong nhận thức của một bộ phận người kinh doanh, tiêu dùng thì công tác quản lý trong lĩnh vực này đã thực sự hiệu quả?

Hạn chế trong nhận thức

Việc uống cà phê mỗi ngày đã trở thành nhu cầu, nét văn hóa của nhiều người dân trong và ngoài tỉnh. Theo đó, việc sản xuất, cung ứng cà phê bột cũng ngày càng phát triển. Bên cạnh những cơ sở làm ăn uy tín, bảo đảm chất lượng thì cũng có không ít các cơ sở làm ra các loại cà phê bột giả, kém chất lượng để bán ra thị trường nhằm trục lợi. Cùng với đó, những năm gần đây, giá cà phê nguyên liệu tăng cao đã khiến nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh tìm cách giảm chi phí bằng cách sử dụng các loại nguyên liệu kém chất lượng hoặc độn thêm tạp chất để sản xuất cà phê bột.

Theo Viện KSND tỉnh, qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là cà phê bột cho thấy, các đối tượng sản xuất cà phê giả, kém chất lượng thường đi chào hàng tại các quán cà phê, tiệm tạp hóa thuộc các xã vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; đồng thời, chào bán với giá rẻ, chỉ từ 65.000 đồng/kg, thấp hơn rất nhiều so với giá cà phê bột thật.

Sản phẩm Lozio coffee - cà phê giả được đóng gói chuẩn bị đưa ra thị trường. Ảnh: Viện KSND tỉnh cung cấp

Thực tế cho thấy, người tiêu dùng, dù ở trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk - nơi có sản lượng cà phê lớn nhất nước nhưng lại chủ yếu là bán sản phẩm thô (cà phê nhân) nên cũng chưa có nhiều thông tin hiểu biết về các sản phẩm cà phê bột. Ngoài ra, một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng chưa phân biệt được cà phê thật, cà phê giả. Nhiều người chỉ cần cà phê khi pha cho nước sánh đặc, có đủ hương thơm, vị đắng là sử dụng mà không cần tìm hiểu thêm về chất lượng.

Thêm vào đó, vẫn còn các hộ kinh doanh nhỏ lẻ với tâm lý chuộng giá rẻ, không thực hiện việc ghi chép, theo dõi số lượng, chủng loại, nguồn gốc hàng hóa nhập vào, bán ra tại cơ sở kinh doanh của mình nên đã vô tình tiếp tay, tiêu thụ sản phẩm cho các đối tượng có hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm nói chung và cà phê bột giả nói riêng.

Thiếu chặt chẽ trong quản lý

Có thể nói, công tác quản lý nhà nước, phát hiện, xử lý vi phạm về hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm cà phê bột có lúc, có nơi chưa thực sự hiệu quả. Điều này dẫn đến việc một số cơ sở sản xuất cà phê bột trái phép với diện tích rộng, thiết bị máy móc lớn, không đảm bảo các điều kiện sản xuất, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng vẫn hoạt động mà không được phát hiện kịp thời. Từ đó, nhiều sản phẩm cà phê giả trên địa bàn tỉnh đã được bán ra thị trường với số lượng lớn.

Ông Vương Minh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết, theo chức năng, nhiệm vụ, đơn vị chỉ kiểm tra các mặt hàng, sản phẩm, trong đó bao gồm cà phê bột ở khâu lưu thông, bao bì, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ. Riêng việc kiểm tra chất lượng cà phê giả, cà phê kém chất lượng đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cơ quan liên ngành.

hu hoạch cà phê tại nông hộ ở xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột).

Với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, số vụ việc sản xuất, kinh doanh cà phê bột giả, kém chất lượng được phát hiện, xử lý có xu hướng tăng. Tuy nhiên, số vụ này chủ yếu do các cơ quan có thẩm quyền cấp tỉnh phát hiện, còn tại địa phương hầu như còn bỏ ngỏ. Vì vậy, con số nêu trên này vẫn chưa phản ánh đầy đủ thực trạng hoạt động sản xuất, buôn bán cà phê bột giả đang diễn ra trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, công tác tuyên truyền, hướng dẫn cách thức nhận biết chất lượng cà phê của các cấp, các ngành có liên quan dường như chưa thực sự hiệu quả. Ngay cả tại các lễ hội cà phê diễn ra định kỳ, nơi có đông đảo khách du lịch, người tiêu dùng yêu thích cà phê tham gia, nhưng việc tuyên truyền, thông tin nhận biết chất lượng cà phê thật, giả vẫn chưa thực sự được quan tâm.

Theo thống kê của Sở Công Thương, toàn tỉnh có hơn 300 cơ sở chế biến cà phê, trong đó có hơn 200 cơ sở chế biến cà phê bột. Tuy nhiên trên thực tế, con số này có thể nhiều hơn, bởi hiện nay có khá nhiều cá nhân, hộ gia đình rang xay cà phê để phục vụ nhu cầu cá nhân cũng như bán ra thị trường mà không đăng ký.

(Còn nữa)

Kỳ cuối: Giữ trọn vị cho cà phê

Băng Châu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.