Multimedia Đọc Báo in

Những mô hình xen canh hiệu quả ở Ea Tir

08:00, 30/11/2023

Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiều nông dân ở xã Ea Tir (huyện Ea H’leo) đã từng bước phát triển kinh tế hiệu quả, nâng cao đời sống. 

Mô hình xen canh rau bò khai

Trồng cà phê đã lâu nhưng không có điều kiện đầu tư nên không có lãi, gia đình anh Ma Văn Sa (buôn Drăn) nhiều năm thuộc diện hộ nghèo tại địa phương.

Sau khi được Hội Nông dân xã Ea Tir tư vấn về mô hình trồng rau bò khai đem lại hiệu quả kinh tế cao, anh Sa mạnh dạn chặt bỏ hết 1 sào đất trồng cà phê, vay mượn 7 triệu đồng để trồng 200 cây rau bò khai.

Anh Sa cho biết, chăm sóc rau bò khai tương đối đơn giản, bởi đây là một loại cây rừng sinh trưởng tự nhiên, chủ yếu là tưới nước và bón phân, tuy nhiên lần đầu  trồng loại cây này anh không tránh khỏi bỡ ngỡ, vườn cây hay bị sâu bệnh tấn công.

Trăn trở tìm cách cứu vườn cây, anh Sa tự mày mò, học hỏi kiến thức từ nhiều kênh, qua áp dụng vào thực tiễn, anh đúc rút kinh nghiệm là để tiêu diệt tận gốc các mầm bệnh, ngoài việc sử dụng thuốc hữu cơ xịt cho những cây bị nấm thì cần tự tay bắt từng con sâu và ve sầu trên cây, tuy tốn nhiều thời gian nhưng ngăn chặn được sâu bệnh, cây phát triển tốt.

Khoảng hơn 6 tháng sau khi trồng, cây cho thu hoạch, sau khi trừ chi phí thì thu lãi hơn hẳn trồng cà phê trước đó.

Mô hình rau bò khai xen canh sầu riêng của gia đình anh Ma Văn Sa.

Tới nay, gia đình anh đã mở rộng quy mô với 8.000 cây rau bò khai trên diện tích 1 ha đất, tận dụng xen canh trong vườn sầu riêng và dổi. Hiện đầu ra của rau tương đối ổn định, chủ yếu là bỏ sỉ cho các nhà hàng, quán ăn và các chợ truyền thống với giá bình quân 40.000 đồng/kg.

Không chỉ thu hoạch rau mà sau một năm người trồng có thể tự ươm lấy giống để bán với giá 35.000 đồng/bầu giống. Tính trung bình, nhà anh Sa mỗi năm thu lãi hơn 300 triệu đồng tiền bán rau và cây giống.

Thu nhập khá từ cây nhãn hương chi

Trước đây gia đình chị Triệu Thị Biên (ở thôn 4) chủ yếu trồng cà phê và các loại cây lương thực. Năm 2016, chị được Hội Nông dân xã Ea Tir giới thiệu về mô hình trồng nhãn hương chi ở các tỉnh phía bắc. Nhận thấy mô hình này đem lại hiệu quả kinh tế cao, chị Biên đã trồng thử nghiệm xen canh 400 cây nhãn hương chi trên diện tích 5 sào đất.

Thời gian đầu, do chưa nắm bắt được kỹ thuật chăm sóc nhãn sao cho phù hợp với khí hậu Tây Nguyên, vườn nhãn nhà chị chết hơn một nửa. Không bỏ cuộc, chị tiếp tục vay mượn vốn và đầu tư trồng thêm 200 cây.

Chị Triệu Thị Biên giới thiệu mô hình nhãn hương chi của gia đình hiện đang ra hoa.

Chị Biên cho hay, chị là một trong những người đầu tiên tại xã Ea Tir đem giống nhãn hương chi về trồng thử nghiệm và đã thành công. Cây nhãn hương chi dễ trồng, ít nhiễm bệnh, quan trọng là phải chịu khó chăm sóc và nắm bắt được kỹ thuật để cho ra trái đúng các dịp thị trường có nhu cầu tiêu thụ cao.

Hiện tại giá nhãn trên thị trường từ 25.000 - 30.000 đồng/kg. Với mỗi cây nhãn cho từ 25 - 30 kg quả/vụ, mỗi năm, vườn nhãn nhà chị Biên đem lại thu nhập bình quân 150 triệu đồng. Ngoài việc trồng, chăm sóc cây, chị cũng đã tìm tòi, học hỏi cách ươm chiết cây giống để bán, mỗi năm gia đình chị ươm được trung bình 2.000 bầu giống, bán với giá từ 20.000 – 30.000 đồng/bầu, cho thu lãi hơn 40 triệu đồng/năm.

Bên cạnh trồng nhãn, hiện gia đình chị còn canh tác hơn 2 ha cà phê, nuôi dê thịt, dê sinh sản, đem lại nguồn thu đáng kể. Từ một hộ thuộc diện khó khăn, đến nay gia đình chị đã ổn định kinh tế, vươn lên làm giàu.

Anh Triệu Văn Hải, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Tir cho biết, phát huy tinh thần “đồng hành cùng nông dân trong xây dựng mô hình kinh tế”, thời gian qua Hội đã theo dõi sát sao, hỗ trợ, tư vấn cho bà con thực hiện hiệu quả một số mô hình, dự kiến sẽ tiếp tục nhân rộng trên địa bàn xã thời gian tới.

Mai Duyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.