Multimedia Đọc Báo in

Cần cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp đăng ký khai thác đất đắp phục vụ các công trình, dự án

09:01, 07/12/2023

Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk (Ban tỉnh) Phan Xuân Bách cho biết, hiện nay việc triển khai các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh đều bị “vướng” do thiếu nguồn đất đắp.

Hầu hết các dự án lớn trên địa bàn tỉnh đều sử dụng đất ở các tầng mỏ thuộc mỏ vật liệu đã được cấp phép, song vị trí công trình cách xa mỏ vật liệu nên quá trình vận chuyển, thi công gặp nhiều khó khăn.

Thi công công trình Hồ chứa nước Krông Pách thượng. (Ảnh minh họa).
Thi công công trình Hồ chứa nước Krông Pách thượng. (Ảnh minh họa).

Hiện nay, về việc quy hoạch mỏ vật liệu, UBND tỉnh đã có quyết định về việc điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 2210/QĐ-UBND ngày 23/9/2014 của UBND tỉnh về Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó có 59 khu vực đất san lấp, diện tích 291 ha, trữ lượng dự báo khoảng hơn 20,3 triệu m3. Với trữ lượng này sẽ bảo đảm nguồn đất đắp cho các dự án lớn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030. Trong số 59 mỏ đất có 20 mỏ phải thông qua đấu giá khoáng sản, 24 mỏ không thông qua đấu giá, các mỏ còn lại chưa xác định được hình thức.

Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk chưa có đơn vị nào thực hiện hoạt động khai thác mỏ khoáng sản nên thị trường không có nguồn cung dẫn tới tình trạng khan hiếm đất phục vụ công trình, dự án. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng khai thác đất sai quy định trong thời gian qua, khiến tăng giá công trình lên cao. Đơn cử như Dự án Đê bao ngăn lũ phía Nam sông Krông Ana, Dự án Hồ thủy lợi Ea Tam, Dự án Đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột…

Trước thực trạng trên, Ban tỉnh đề nghị UBND tỉnh giao sở, ngành liên quan nghiên cứu cơ chế ưu đãi để tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, doanh nghiệp đăng ký khai thác đất đắp để bảo đảm nguồn cung trên thị trường, góp phần giảm chi phí đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thi công công trình.

Xuân Trường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.