Multimedia Đọc Báo in

Chủ động kiểm soát dịch bệnh động vật trên cạn

17:03, 01/12/2023

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk năm 2024.

Kế hoạch tập trung thực hiện các nội dung: về công tác thông tin, tuyên truyền, quản lý, phải được tăng cường thực hiện thường xuyên, đồng bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở với phương châm “phòng bệnh chủ động từ sớm, từ xa” nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, người chăn nuôi, người tiêu dùng trong việc chủ động phòng, chống dịch bệnh động vật; nâng cao hiểu biết của người dân về Luật Thú y, Luật Chăn nuôi, các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành luật và các văn bản liên quan khác về phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm…

Về công tác phòng bệnh, dịch: đàn gia súc, gia cầm và chó mèo ở các địa phương phải tiêm đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh theo quy định. Đồng thời, xây dựng kế hoạch chủ động giám sát lưu hành mầm bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh lợn, dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục trên trâu, bò; kịp thời phát hiện, lấy mẫu chẩn đoán ổ dịch phát sinh và giám sát hiệu quả của vắc xin sau khi tiêm phòng…

trại chăn nuôi vịt
Trại chăn nuôi vịt của hộ dân trên địa bàn huyện Lắk

Bên cạnh đó, tuyên truyền, vận động các chủ trại chăn nuôi, các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, cơ sở ấp nở... trên địa bàn chấp hành nghiêm chỉnh việc vệ sinh, tiêu độc, khử trùng; cơ quan chuyên môn hướng dẫn cụ thể loại hóa chất sử dụng, cách thức, tần suất thực hiện; tăng cường kiểm tra, giám sát trong công tác kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y theo quy định; tuyên truyền, vận động và hướng dẫn chủ cơ sở chăn nuôi tập trung xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh động vật tiến tới xây dựng vùng an toàn dịch phục vụ xuất khẩu…

Về công tác chống dịch bệnh: khi nhận được thông báo có gia súc, gia cầm ốm, chết nghi mắc bệnh truyền nhiễm ở các địa phương, Trạm Chăn nuôi và Thú y cử ngay cán bộ kỹ thuật phối hợp với chính quyền cơ sở xuống trực tiếp kiểm tra, chẩn đoán xác định bệnh. Đồng thời, báo cáo UBND cấp huyện, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh biết để chỉ đạo, xử lý. Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y có trách nhiệm phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan để hướng dẫn các địa phương về các biện pháp chuyên môn để chống dịch; tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện sớm các ổ dịch phát sinh. UBND các huyện, thị xã và thành phố chủ động sử dụng ngân sách địa phương để khẩn trương triển khai các biện pháp bao vây, khống chế và nhanh chóng dập dịch…

UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ nội dung kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo đúng quy định, báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.