Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ:

Dấu ấn từ chương trình tín dụng ưu đãi

08:25, 19/12/2023

Thời gian qua, việc thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngày 30/1/2022 của Chính phủ về việc triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội (Nghị quyết 11) trên địa bàn tỉnh đã phát huy hiệu quả tích cực. Các chương trình tín dụng này đã tạo nguồn lực cho hàng nghìn hộ dân, đặc biệt là hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số (DTTS) có vốn làm ăn, vươn lên trong cuộc sống.

Vươn lên nhờ vốn vay ưu đãi

Tín dụng chính sách xã hội theo Nghị quyết 11 có các chương trình: cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP; cho vay học sinh, sinh viên để mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học; cho vay các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập và cho vay hộ đồng bào DTTS và miền núi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP.

Đối tượng thụ hưởng là người dân, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; các ngành, lĩnh vực tạo động lực phục hồi và phát triển kinh tế.

Mô hình chăn nuôi bằng nguồn vốn tín dụng chính sách của người dân xã Cư Ni (huyện Ea Kar).

Về triển khai Nghị quyết 11, Ban đại diện HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Chi nhánh Đắk Lắk đã chỉ đạo các sở, ban ngành, chính quyền địa phương triển khai thực hiện; chỉ đạo NHCSXH các cấp chủ động phối hợp với UBND xã, phường, thị trấn, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác các cấp tổng hợp danh sách khách hàng có nhu cầu, thiết lập, hoàn thiện hồ sơ vay vốn, tập trung nhân lực giải ngân kịp thời cho khách hàng. Đồng thời, phối hợp với đơn vị có liên quan thông tin, tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, tạo mọi điều kiện để họ tiếp cận, thụ hưởng chính sách hỗ trợ một cách nhanh chóng và kịp thời.

 

Ban đại diện HĐQT NHCSXH Chi nhánh Đắk Lắk cho biết, điều kiện địa phương còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao so với bình quân chung của cả nước, do đó để chính quyền địa phương thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh kiến nghị NHCSXH Việt Nam và các bộ, ngành Trung ương quan tâm tăng thêm nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi và tăng mức cho vay các chương trình.

Một trong những khách hàng được thụ hưởng vốn ưu đãi theo Nghị quyết 11 là gia đình chị Trương Đỗ Thị Mỹ Tâm (thôn 9, xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông). Cuối tháng 2/2022, gia đình chị đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng theo Chương trình giải quyết việc làm để chăn nuôi. Từ số vốn này, chị đã tu sửa lại chuồng trại và mua 2 con bê về nuôi. Sau hơn một năm, vợ chồng chị đã quyết định xuất bán cả hai con bò với số tiền hơn 60 triệu đồng để mua thêm 5 con bê về vỗ béo và đầu tư nuôi thêm gia cầm để tăng gia sản xuất. Dự kiến, đến cuối năm nay, khi xuất chuồng đàn vật nuôi, gia đình chị sẽ có khoản thu nhập trên 100 triệu đồng.

Tương tự, vốn tín dụng chính sách xã hội cũng mang lại lợi ích lớn cho gia đình bà H’Duc Bkrông (buôn Pưk Prông, xã Ea Ning, huyện Cư Kuin), một trong những hộ có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương. Đầu năm 2023, được sự hỗ trợ của cán bộ tín dụng chính sách, bà quyết định vay 50 triệu đồng theo Chương trình chuyển đổi nghề để đầu tư chăn nuôi. Gia đình bà sử dụng vốn vay cho việc sửa chữa, khử trùng chuồng trại và mua 20 con heo về nuôi. Với cách làm “lấy ngắn, nuôi dài”, hằng ngày bà đã tận dụng hèm rượu, rau cỏ, cám gạo… làm thức ăn cho heo để tiết kiệm chi phí. Sau 6 tháng nuôi, vừa qua, bà đã xuất bán 18 con heo thịt, với số tiền hơn 60 triệu đồng. Hai con heo còn lại, bà giữ để nuôi nái, đồng thời nuôi thêm 4 con heo thịt nhằm xuất bán vào dịp Tết Nguyên đán năm nay.

Cần thêm nguồn lực

Đến nay, Đắk Lắk đã triển khai 5/5 chương trình cho vay theo Nghị quyết 11, giải ngân được 8.088 món vay, với số tiền gần 428 tỷ đồng. Cụ thể, cho vay hỗ trợ việc làm được 6.139 lao động (271,3 tỷ đồng); cho vay nhà ở xã hội được 195 hộ (hơn 66,6 tỷ đồng); cho vay học sinh, sinh viên được 82 trường hợp (902 triệu đồng); cho vay các cơ sở giáo dục 48 cơ sở (2,6 tỷ đồng); cho vay hộ đồng bào DTTS và miền núi theo được 1.624 khách hàng (86,4 tỷ đồng). Bên cạnh đó, NHCSXH cũng đã giải ngân số vốn vay các chương trình tín dụng chính sách được hỗ trợ lãi suất hơn 3.230 tỷ đồng cho trên 83.000 khách hàng; thực hiện hỗ trợ lãi suất 2% đối với các khoản vay có lãi suất cho vay trên 6%/năm, tổng số tiền hỗ trợ lãi là 66,5 tỷ đồng.

Lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam và Chi nhánh Đắk Lắk thăm một mô hình kinh tế từ nguồn vốn vay tín dụng chính sách tại xã Hòa Sơn (huyện Krông Bông).

Vừa qua, NHCSXH Việt Nam đã điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng năm 2023 đối với các chương trình tín dụng theo Nghị quyết 11 đối với tỉnh Đắk Lắk, với mức tăng 280 tỷ đồng. Đây là số vốn không giải ngân hết của 4 chính sách cho vay ưu đãi Nghị quyết 11 được Trung ương phân bổ về địa phương.

Trong đợt kiểm tra tình hình thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cuối tháng 11/2023,  Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam Hoàng Minh Tế đánh giá, cấp ủy, chính quyền địa phương và Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp tỉnh, huyện đã chỉ đạo triển khai tích cực công tác tín dụng chính sách, đặc biệt triển khai Nghị quyết 11 để nguồn vốn đến với doanh nghiệp và người dân một cách kịp thời, hiệu quả trong thời điểm đang khó khăn sau đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, thời gian tới, tỉnh cần quan tâm bổ sung nguồn vốn từ ngân sách địa phương để cùng với nguồn vốn Trung ương tạo điều kiện cho người dân vay, bởi nguồn vốn địa phương qua ủy thác mới chỉ đạt 6%, thấp hơn so với mặt bằng chung toàn quốc và khu vực Tây Nguyên (11,55%). Bên cạnh đó, cần giải ngân hết nguồn vốn đã phân bổ, giúp người dân phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, bình xét đối tượng vay vốn đúng quy định và đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách để doanh nghiệp, người dân nắm bắt và thụ hưởng.

Minh Chi – Khánh Huyền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.