Multimedia Đọc Báo in

Doanh nghiệp kinh doanh nông sản tất bật kết nối đơn hàng

08:19, 05/01/2024

Năm 2023 được đánh dấu là năm thành công của nông nghiệp Đắk Lắk, khi sản lượng nông sản xuất khẩu tăng vọt, giá trị kinh tế mỗi đợt thu hoạch nhiều hơn. Theo đà phát triển, bước vào năm 2024, các doanh nghiệp chế biến nông sản Đắk Lắk trở nên tất bật hơn, chăm lo kết nối các đơn hàng mới.

Cơ hội luôn kèm thách thức” vẫn là nhận xét quen thuộc của các doanh nghiệp gia công hàng nông sản xuất khẩu Đắk Lắk. Với những ngày đầu năm mới 2024 này, chiêm nghiệm của họ lại càng đúng, bởi hầu như đơn vị nào cũng đang phải tăng tốc làm khảo sát thị trường, tiếp cận các đối tác làm ăn…

Cửa mở từ thị trường “nóng”

Khu vực nông sản có vẻ “nóng” nhất trong năm 2023 là sầu riêng, trong tháng cuối năm 2023 lại tiếp tục “nâng nhiệt”.

Bà Nguyễn Thị Thái Thanh, Giám đốc Công ty Cổ phần Ban Mê Green Farm chia sẻ, kết quả xuất khẩu chính ngạch về sầu riêng trong năm đã giúp các doanh nghiệp chế biến tăng cơ hội hợp đồng với các đối tác, và hiện đang là thời điểm doanh nghiệp lo kết nối lại các đơn hàng cho mùa vụ mới.

“Ban Mê Green Farm thời gian qua đã tổ chức một số đơn hàng xuất khẩu chất lượng và giá trị cao. Năm 2024 này, nhằm tăng sản lượng, chúng tôi cần xúc tiến thêm thị trường, tìm các đơn hàng mới, khách hàng mới. Thay vì e dè con số hàng hóa như mọi năm, chúng tôi đã tự tin rằng có hàng tốt sẽ bán được”, bà Thanh chia sẻ.

Sơ chế, đóng gói sầu riêng tại nhà máy của Công ty TNHH Ban Mê Green Farm (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Thuận Nguyễn

Không chỉ sầu riêng, các loại nông sản khác của Đắk Lắk cũng “gia nhiệt” trong năm 2023. Một doanh nghiệp cà phê có nhà xưởng tại huyện Ea Kar nhìn nhận, càng vào thời điểm cuối năm ông càng bận, vì giá cà phê liên tục tăng, giúp các đơn vị như ông tin tưởng có đầu ra tốt trong năm 2024. Tuy nhiên, điểm nóng thị trường cà phê lại đang dịch chuyển về những sản phẩm phục vụ… nội địa. “Lâu nay, xuất khẩu cà phê được coi trọng, nhiều đơn vị chỉ lo làm cà phê đặc sản. Nhưng khi bên ngoài giá cả biến động, tiêu chuẩn chế biến khắt khe hơn, sản lượng bán ra cạnh tranh thì các nhà máy cần coi lại thực lực cà phê tiêu thụ trong nước thế nào. Chính nhu cầu tiêu dùng cà phê ngày một ổn định và yêu cầu chất lượng cao hơn của người dùng trong nước đang buộc các đơn vị phải thay đổi thái độ bán hàng, quan tâm hơn vào mảng nội địa”, chủ doanh nghiệp luận giải như vậy.

Tiêu, điều, ca cao, mắc ca… và nhiều loại nông sản Tây Nguyên khác, theo nhìn nhận của nhiều nhà tư vấn nông nghiệp cũng đang nhanh chóng đạt những tiêu chí chất lượng và sản lượng xuất khẩu cao hơn, nhu cầu tiêu dùng nội địa đa dạng hơn, thúc đẩy các doanh nghiệp chế biến nông sản Đắk Lắk phải vào cuộc tìm kiếm những đơn hàng mới ngay đầu năm 2024.

Nỗ lực nhiều hơn

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Thái Thanh, việc kết nối các đơn hàng nông sản hiện nay không phải hoàn toàn thuận lợi. Thị trường càng có thông tin thuận lợi, hàng hóa được giá, thì thật ra áp lực hoạt động của doanh nghiệp càng gia tăng, các đơn hàng ký kết càng khắt khe. Các doanh nghiệp muốn làm được các đơn hàng giá trị sẽ không chỉ phải hoàn thiện hệ thống bảo quản, chế biến, mà còn phải mở rộng quan hệ liên kết, hợp tác với nông dân, tham gia tổ chức quy trình sản xuất, bảo đảm mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói… Sau khi tổ chức được năng lực sản xuất, doanh nghiệp còn phải biết truyền thông, chọn đối tác gắn kết, có quy trình logistics hiệu quả…; phải dự đoán biến chuyển thị trường, cạnh tranh từ đối thủ bên ngoài. Tất cả là các bài toán cần giải đáp về áp lực đầu tư, và cách liệu tính hợp lý, hiệu quả nhất; mà để làm được, doanh nghiệp cần phải khởi động chuẩn bị càng sớm càng tốt.

Sơ chế hạt mắc ca tại Công ty Cổ phần Damaca Nguyên Phương, xã Phú Lộc, huyện Krông Năng.Ảnh:Nguyễn Gia

Đặc biệt, do những thông tin ảnh hưởng từ thị trường có nhiều cơ hội, quan hệ liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp chế biến và bà con nông dân càng nảy sinh nhiều vấn đề. Đây là thực trạng đã cảnh báo từ lâu, nhưng đến nay, khi các điều kiện làm ăn, hợp đồng kinh tế thuận lợi hơn, đòi hỏi liên kết sản xuất càng phải được chú ý nhiều hơn. Bài học là thời gian qua, trong các hợp đồng liên kết sản xuất ít đề cập trách nhiệm tuân thủ của người canh tác, dẫn đến những hiện tượng “bẻ cọc, hủy hợp đồng”, ảnh hưởng công tác đầu tư của doanh nghiệp và uy tín của vùng nguyên liệu nông sản.

Cho nên, chuẩn bị cho năm sản xuất mới 2024, nhiều doanh nghiệp phải nghiên cứu, dựa vào các cấp chính quyền, các tổ chức, hội nghề nghiệp, hợp tác xã để hoàn bị lại các hợp đồng liên kết sản xuất. Công tác rà soát, đánh giá lại thực lực vùng nông sản chuyên canh, dự báo thị trường tiêu cực… cũng phải được tổ chức tốt hơn. Tất cả hình thành một bối cảnh mới trong hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp thu mua, chế biến nông sản tại địa bàn tỉnh Đắk Lắk, mỗi doanh nghiệp phải chủ động nhiều hơn và cần nhận được sự quan tâm, hỗ trợ sâu sát hơn từ chính quyền, các ngành quản lý địa phương.

Nguyên Đức


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.