Huyện Cư M’gar: Liên kết tạo nguồn lực để phát triển
Là địa phương có thế mạnh về cây ăn quả và cây công nghiệp, huyện Cư M’gar đã và đang chú trọng thúc đẩy liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm giữa các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp (DN), nông dân giúp nâng chuỗi giá trị, mang lại lợi ích cho các bên tham gia.
Hiệu quả bước đầu
Xác định hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp là chìa khóa để có những bước đi vững vàng trong sản xuất nông nghiệp, huyện Cư M’gar tích cực thực hiện các chính sách nhằm thúc đẩy liên kết, nâng cao giá trị cho sản phẩm nông nghiệp ở địa phương. Điều này tạo trợ lực để thu hút DN, HTX, nông dân cùng tham gia các mô hình liên kết hiệu quả. Trong đó, nhiều chuỗi liên kết được tổ chức khép kín từ cung cấp cây giống, vật tư sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản.
Thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Thành Đạt (xã Ea Tar) trao đổi kỹ thuật chăm sóc cây sầu riêng. |
Tại xã Ea Tar, từ tìm hướng phát triển kinh tế mới, năm 2019 HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tân Phát, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Thành Đạt đã liên kết với Công ty Cổ phần Xuất khẩu Việt Phúc (TP. Hồ Chí Minh) chuyển một phần diện tích trồng cà phê kém hiệu quả sang trồng sầu riêng. DN này cung ứng cây giống, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá ổn định cho bà con nông dân. Tính đến nay, đã có hơn 2.900 cây sầu riêng được trồng xen trong vườn cà phê của 50 thành viên HTX tham gia trên diện tích gần 120 ha.
“Các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm bước đầu giúp tăng năng suất, chất lượng và giá trị nông sản, từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân " - Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Công Văn. |
Bà Nguyễn Thị Mến, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Tar cho biết, cây sầu riêng rất phù hợp với vùng đất này và đang mở hướng làm giàu cho người dân. Việc liên kết trồng sầu riêng đã không còn xa lạ với bà con nông dân trong xã. Các HTX và nông dân đang tăng dần diện tích sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm người dân có lợi nhuận tốt. Việc liên kết này đã hình thành vùng sản xuất tập trung, hướng đến quy mô sản xuất lớn theo hướng hàng hóa ở địa phương.
Huyện Cư M'gar hiện có 51 HTX và 14 tổ hợp tác (THT) đang hoạt động. Trong nỗ lực tìm kiếm, hỗ trợ xây dựng các mối liên kết chuỗi, đến nay đã có 5 HTX, 8 THT thực hiện liên kết sản xuất với DN.
Để xây dựng liên kết bền vững
Huyện Cư M’gar có khá nhiều mặt hàng nông sản thế mạnh chủ lực như: cà phê với sản lượng hằng năm đạt trên 80 nghìn tấn, hồ tiêu trên 7 nghìn tấn; sầu riêng năm 2024 dự kiến 35 - 40 nghìn tấn… Tiềm năng cung ứng các mặt hàng nông sản để xuất khẩu của địa phương là khá lớn.
Nhằm nâng cao chất lượng cũng như tính cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp, huyện đang đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại kinh tế, tiếp tục phát triển nông nghiệp công nghệ cao, liên kết theo chuỗi giá trị với thế mạnh là cây công nghiệp và cây ăn quả. Trong công tác quy hoạch sản xuất, huyện cũng đã quy hoạch quỹ đất để xây dựng các nhà máy chế biến nông sản trên 70 ha tại xã Ea K’pam; xây dựng bản đồ nông hóa thổ nhưỡng, công bố quy hoạch xây dựng vùng huyện đến năm 2045… Đây là cơ sở khoa học để triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thu hút đầu tư, thúc đẩy liên kết sản xuất trên địa bàn.
Liên kết trồng sầu riêng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân xã Ea Tar (huyện Cư M'gar). |
Tuy nhiên, một trong những khó khăn của việc xây dựng chuỗi liên kết hiện nay là tình trạng sản xuất nông nghiệp mang tính nhỏ lẻ, nông dân vẫn còn tư duy sản xuất truyền thống, chưa tuân thủ theo các quy trình sản xuất; nông dân sản xuất, bán nông sản thông qua thương lái khá phổ biến, từ đó xuất hiện tình trạng ép giá, đầu ra không ổn định do thiếu liên kết, hợp tác trong sản xuất giữa nông dân, HTX, DN. Đáng nói hơn là nhận thức của không ít nông dân còn hạn chế, vẫn còn tâm lý bán hàng ra ngoài, phá vỡ cam kết với HTX, DN khi giá thị trường lên cao.
Bà Bùi Thị Thu Phương, Giám đốc HTX Nông nghiệp, Thương mại và Dịch vụ Tấn Khang (xã Ea H’đing) chia sẻ, do thiếu tin tưởng vào HTX và chạy theo cái lợi trước mắt nên vụ sầu riêng vừa qua, khi giá lên cao, một số hộ dân sẵn sàng “trả cọc” hoặc “bẻ cọc” với HTX. Điều này làm ảnh hưởng tới sự liên kết, hỗ trợ cùng phát triển giữa các thành viên và HTX, do đó không tạo ra được giá trị trong liên kết.
Để các mô hình, chuỗi liên kết không bị manh mún, đứt gãy, thời gian tới, huyện Cư M’gar tập trung hình thành các vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa tập trung, thực hiện cấp mã vùng sản xuất; phát triển các mô hình liên kết chuỗi giá trị; khuyến khích và tạo điều kiện thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, đẩy mạnh tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện chương trình OCOP, chú trọng tập huấn, nâng cao năng lực quản lý của các HTX, tuyên truyền để người dân hiểu, thấy rõ được lợi ích lâu dài của việc liên kết, tiêu thụ nông sản, hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc