Multimedia Đọc Báo in

Phân cấp, phân quyền thực hiện dự án giao thông trọng điểm:

Phát huy tính chủ động của địa phương

15:49, 14/01/2024

Trong năm 2023, hàng loạt dự án giao thông trọng điểm trên phạm vi cả nước được phân cấp, phân quyền cho các địa phương thực hiện. Cơ chế đặc thù này góp phần đẩy nhanh tiến độ các dự án nhờ sự chủ động của địa phương với vai trò cơ quan chủ quản, chủ đầu tư.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, với quyết tâm đổi mới tư duy, cách làm, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho các Ban Quản lý dự án (QLDA) là chủ đầu tư; đồng thời chỉ đạo các Ban QLDA kiện toàn mô hình tổ chức, phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ của từng tổ chức để đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Hằng tháng, Bộ trưởng chủ trì họp định kỳ kết nối trực tuyến đến văn phòng điều hành hiện trường từng dự án để chỉ đạo xử lý vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ cũng thường xuyên tăng cường kiểm tra hiện trường, làm việc trực tiếp với người đứng đầu các địa phương để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, nguồn cung vật liệu, bãi đổ thải; yêu cầu các chủ đầu tư tuyệt đối phải đảm bảo chất lượng, không vì tiến độ mà đánh đổi chất lượng.

Máy móc thi công khoan cọc nhồi đoạn cao tốc qua huyện Krông Pắc.

Với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT, Bộ GTVT đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình và được Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ. Qua đó giúp tháo gỡ khó khăn, giải phóng nguồn lực trong đầu tư một số dự án trọng điểm.

Theo báo cáo của Bộ GTVT, dự kiến kinh phí đầu tư hạ tầng giao thông cả nước đến năm 2030 khoảng 2 triệu tỷ đồng. Với khối lượng công việc này ngoài Bộ Giao thông vận tải không thể thiếu việc các địa phương tham gia vào sự phát triển kết cấu hạ tầng. Thực tiễn đã chứng minh, nhiều dự án cao tốc trên phạm vi cả nước đã phát huy hiệu quả trong việc phân cấp, phân quyền chủ đầu tư cho các địa phương hoặc Ban QLDA cấp tỉnh. Đơn cử như tuyến cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ do tỉnh Tuyên Quang làm chủ đầu tư được khánh thành vào cuối tháng 12/2023; vào cuối tháng 6/2023, hàng loạt dự án do các địa phương làm chủ đầu tư như vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, đường vành đai 4 Hà Nội, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cũng được khởi công. Trong đó, tỉnh Đắk Lắk được phân quyền làm cơ quan chủ quản Dự án thành phần 3 thuộc Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1.

Giữ vai trò làm cơ quan chủ quản của một dự án trọng điểm quốc gia, sau khi được trao cơ chế, ngày 1/8/2022, Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định số 772-QĐ/TU về việc thành lập Tổ công tác triển khai, thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (gọi tắt là Tổ công tác 772). Ngày 17/8/2022 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1847/QĐ-UBND giao nhiệm vụ chủ đầu tư cho Ban Quản lý dự án công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh. Đồng thời ban hành nhiều kế hoạch chi tiết thực hiện các công đoạn nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công công trình.

Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột qua địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã hình thành hướng tuyến.

Theo định kỳ, hai tuần một lần, Tổ công tác 772 do Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị làm Tổ trưởng tổ chức các cuộc họp để theo dõi, xử lý các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện Dự án thành phần 2 và 3 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1.

Với sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Tổ công tác 772, đến cuối tháng 12/2023, tỉnh Đắk Lắk cơ bản hoàn thành nhiệm vụ giải phóng mặt bằng Dự án thành phần 3 do tỉnh làm cơ quan chủ quản. Đến nay, công tác thi công đang được các nhà thầu tập trung máy móc, nhân công đẩy nhanh tiến độ.

Nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả trong thực hiện các dự án giao thông trọng điểm quốc gia, Bộ GTVT vừa ban hành Chỉ thị về việc thực hiện phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước ngành GTVT trên phạm vi cả nước. Trong đó, đề nghị các đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu, thường xuyên chủ động rà soát, đề xuất kịp thời các nội dung có thể phân cấp, phân quyền đảm bảo nguyên tắc quản lý thống nhất, tập trung, mỗi nhiệm vụ chỉ do một cơ quan quản lý, không chồng chéo. Đây sẽ là hành lang pháp lý quan trọng góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án giao thông trên phạm vi cả nước.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.